Tại cuộc họp về các biện pháp triển khai an toàn giao thông 7 tháng cuối năm 2013, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đã đề nghị cảnh sát giao thông lập chốt chặn ngay trước các nhà hàng để xử lý tình trạng nhiều người uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe.
Giải pháp vừa đưa ra, VnExpress đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả. Rất nhiều bạn đọc ủng hộ với biện pháp này, cho đây là một động thái cứng rắn nhằm ngăn chặn tận gốc những nguy cơ xảy ra tai nạn.
Để giải thích cho lý do ủng hộ biện pháp của ông Nguyễn Hữu Tín, bạn đọc Mr.Dương chỉ ra thực trạng uống rượu bia của người dân Việt Nam: “Vào bàn nhậu, tiệc tùng người ta khích bác nhau, tung hô nhau uống vô tội vạ, mặc dù nhu cầu cơ thể hoàn toàn không ở mức nhiều như vậy”. Chính điều đó dẫn đến “tai nạn xảy ra 70% là do bia rượu. Đã bao nhiêu người chết oan vì say xỉn” - bạn đọc Hanhatphuong bổ sung.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, một số độc giả tỏ ra không đồng tình và cho rằng việc cảnh sát đặt chốt kiểm tra trước cửa nhà hàng trong nhiều trường hợp sẽ trở thành bất cập. Bạn đọc có nickname Suzukibk77 bức xúc: "Nếu bây giờ đi đám cưới của một ai đó thì không được uống bia rượu hay sao? Một người dân bình thường liệu có điều kiện để đi taxi vì uống rượu bia quá mức cho phép lái xe, trong thời kinh tế khó khăn, chi tiêu cần thắt chặt".
Đồng quan điểm đó, bạn đọc có nickname Jasonbi2301 cho rằng “nên đưa ra quy định phạt nồng độ cồn bao nhiêu cho hợp lý, chứ không lẽ người ta xã giao, uống 1-2 ly là bị phạt thì hơi quá”. Những lý lẽ khác: “cuộc sống cũng cần có những lúc thư giãn', “cưới hỏi chả lẽ không có tí men”…
Một lý do khác khiến nhiều độc giả không ủng hộ giải pháp trên là vì băn khoăn về tính khả thi của nó. Bạn đọc có nickname Chitaiart chỉ ra : “Ở Sài Gòn nhà hàng quán nhậu nhiều vô kể, lực lượng cảnh sát giao thông thì có bao nhiêu người đâu? Mà chẳng lẽ chặn hết những người bước ra từ nhà hàng, quán nhậu?”
Không những thế, bạn đọc có nickname Mylove83coltd còn bổ sung: “Chặn ở các nhà hàng thì ra quán cóc, sao chặn được?”.
>> Xem thêm: 'Đàn ông không nhậu thì về mặc váy với vợ' |
Sau những ý kiến đồng tình và phản đối, nhiều độc giả lại điềm tĩnh nhìn nhận hiện trạng giao thông Việt Nam và đưa ra những giải pháp khác nhau. Bạn Thu Phuong cho rằng: “ Cần phải tăng hình phạt nặng hơn nữa thì mới có hiệu quả, nếu đối tượng tham gia giao thông có nồng độ rượu vượt mức cho phép thì phải tiến hành giữ xe ngay tại thời điểm đó, chứ nếu chỉ phạt tiền rồi lại cho tham gia giao thông thì vẫn có tai nạn xảy ra”.
Bạn Duy Tuấn thì đề xuất: “Theo tôi cần phải đánh thuế thật cao mặt hàng rượu, bia, mặt khác phạt thật nặng, thậm chí tịch thu phương tiện và bỏ tù với những trường hợp sử dụng rượu bia mà vẫn lái xe”.
Cùng quan điểm đánh thuế cao các mặt hàng bia rượu của bạn Duy Tuấn, độc giả Caotienluan phân tích thêm : “ Thử hỏi có nơi nào trên thế giới giá bia rẻ bèo như ở VN không? dưới 10.000 đồng/chai bia thì ai mà không uống được? Tại sao không đánh thuế gấp 4, 5 lần? Nếu 1 chai bia giá 50.000 đồng trở lên thì chắc chắn số người uống bia sẽ giảm. Cảnh sát giao thông không cần thiết phải đứng chặn đường ở các quán nhậu để phạt, thực tế thành phố cũng không đủ số lượng cảnh sát giao thông đi kiểm tra hàng ngàn quán nhậu để mà phạt!”.
Những ý kiến, giải pháp độc giả đưa ra dù được thực hiện bằng biện pháp, cách thức khác nhau thì đều nhằm đến mục đích cuối cùng là giảm thiểu tai nạn giao thông do say xỉn. Vậy mấu chốt vấn đề phải nằm ở ý thức của người điều kiển phương tiện giao thông.
Bởi thế, độc giả Anhtuanvihaco kết luận: “ Trước hết nên giáo dục, tuyên truyền cho người dân có ý thức khi tham gia giao thông, cơ chế đào tạo sát hạch thi lấy bằng nên đúng quy chế. Như thế ắt hẳn đại bộ phận người dân sẽ có kiến thức khi tham gia giao thông. Lúc đó, tai nạn giao thông sẽ giảm đi”.
>> Xem thêm: Chàng trai say rượu thoát chết nhờ người bay trên ô tô
Bích Thảo tổng hợp
Chia sẻ những bài viết của bạn về giải pháp giao thông tại đây