Nga ngày 13/3 không kích vào Trung tâm An ninh và Gìn giữ hòa bình Quốc tế (IPSC), một căn cứ quân sự ở Yavoriv cách thành phố Lviv phía tây Ukraine khoảng 40 km và cách biên giới Ba Lan chưa tới 25 km, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng và 134 người bị thương.
Căn cứ IPSC được biết đến là nơi mà các lực lượng NATO đã huấn luyện lực lượng Ukraine trong nhiều năm trước khi xung đột nổ ra, cũng như gần tuyến đường nối với sân bay Rzeszow, nơi tiếp nhận các vũ khí của phương Tây. Đây cũng là nơi NATO tổ chức các cuộc tập trận.
Cuộc tấn công xảy ra chỉ một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố quân đội nước này sẽ coi việc vận chuyển vũ khí từ các nước NATO tới Ukraine là "mục tiêu hợp pháp".
Thứ trưởng Ryabkov chỉ trích các nỗ lực chuyển giao vũ khí cho Ukraine, trong đó có nhiều tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) và tên lửa chống tăng, là hành động "thiếu suy nghĩ". Ông đồng thời cảnh báo các hoạt động này có thể dẫn đến nhiều hậu quả.
Nghị sĩ Ukraine Lesia Vasylenko, người thuộc phái đoàn ngoại giao ở Strasbourg, Pháp để vận động các nước phương Tây hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine và siết trừng phạt với Nga, nói Tổng thống Vladimir Putin sẽ không dừng lại ở Ukraine.
"Người Nga đang thực sự mở rộng phạm vi và tôi nghĩ sẽ chỉ còn rất ít thời gian trước khi họ bắt đầu tấn công Ba Lan", bà nói ngày 13/3.
Dù một cuộc tấn công bằng tên lửa giáp biên giới quốc gia thành viên NATO có vẻ đáng lo ngại, giới quan sát cho rằng Nga khó có khả năng sẽ tấn công Ba Lan. Mỹ và các đồng minh gần đây đã có nhiều động thái để củng cố và bảo vệ hệ thống phòng không Ba Lan. Trong khi đó, Nga cũng đang gặp những khó khăn trong chiến dịch ở Ukraine.
Thay vào đó, nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc không kích nhằm gửi thông điệp tới phương Tây.
Tổng thống Vladimir Putin trong những bài phát biểu gần đây xem những hỗ trợ của phương Tây với Ukraine là mối đe dọa nhằm làm tổn hại Nga. Nếu ông Putin cảm thấy những thông điệp trước đây của ông chưa đủ rõ ràng về rủi ro khi NATO liên tục hỗ trợ Ukraine, cuộc không kích ngày 13/3 là một lời cảnh báo rõ ràng hơn, theo Henry Foy, nhà phân tích của FT.
Giới chức phương Tây cũng nhận định cuộc không kích vào IPSC cho thấy người Nga coi đây là một cách để khiến liên minh NATO phải cân nhắc lại nguy cơ bị kéo vào cuộc xung đột ở Ukraine.
"Đây là một động thái nghiêm túc và chúng tôi cũng đang xem xét nó một cách nghiêm túc", một quan chức quốc phòng cấp cao của thành viên NATO, nói về cuộc không kích, thêm rằng nó có thể khiến một số thành viên liên minh, những nước đã cam kết hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, "cảm thấy sợ hãi".
"Đó là một tín hiệu rằng ông Putin không muốn chúng tôi tăng cường hỗ trợ", quan chức này nói.
Không kích vào căn cứ huấn luyện quân sự cũng nhấn mạnh một trong những lập luận cốt lõi của Tổng thống Nga về chiến dịch Ukraine, để ngăn chặn những gì mà ông xem là can thiệp không thể chấp nhận của quân đội Mỹ và NATO ở quốc gia láng giềng.
Đồng thời, cuộc không kích vào IPSC cũng đánh dấu đợt tấn công đầu tiên của Nga vào phía Tây Ukraine, sau hơn hai tuần chiến dịch chủ yếu tập trung vào phía nam, phía đông và phía bắc nước này.
Tổng thống Nga hôm 27/2 thậm chí báo động lực lượng hạt nhân, động thái mà nhiều chuyên gia xem là gửi lời cảnh báo châu Âu và Mỹ về nguy cơ khi can thiệp vào xung đột Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 10/3 cho biết quân đội nước này đã thu được những tài liệu cho thấy chi tiết về hoạt động quân sự - sinh học tại Ukraine, bao gồm cả vận chuyển vật liệu sinh học từ Ukraine ra nước ngoài. Ukraine và Mỹ bác bỏ cáo buộc này, cho rằng Nga đang kiếm cớ để sử dụng vũ khí sinh học hoặc hóa học.
"Nếu ông Putin sử dụng bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào thì đây sẽ là một yếu tố thay đổi toàn bộ cuộc chơi", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói hôm 13/3 khi được hỏi về "lằn ranh đỏ" của phương Tây. "NATO sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán và họ sẽ phải thực sự suy nghĩ nghiêm túc về việc cần làm", ông nói.
Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, các thành viên NATO đã gửi hàng nghìn tên lửa chống tăng, vũ khí phòng không, đạn dược và vật tư quân sự khác cho quân đội Ukraine để tăng cường đáng kể sức kháng cự trước đà tiến quân của Nga.
Tuy nhiên, Mỹ và NATO từ chối đóng vai trò trực tiếp trong cuộc xung đột, mà theo hiệp ước phòng thủ chung của liên minh sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu.
"Trách nhiệm cốt lõi của NATO là bảo vệ tất cả các đồng minh. Chúng tôi đã tăng cường phòng thủ tập thể để đảm bảo không có sự hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm nào. NATO sẽ bảo vệ từng tấc đất của lãnh thổ đồng minh", một quan chức NATO cho hay.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích xem cuộc không kích căn cứ quân sự ở gần thành phố Lviv còn là thông điệp cho phương Tây rằng cuộc chiến có thể lan rộng.
Cuộc tấn công vào Yavoriv là "ngón tay thối" gửi cho Mỹ, theo Daniel Szeligowski, người đứng đầu chương trình Đông Âu tại Viện Nghiên cứu Các vấn đề quốc tế Ba Lan, viết trên Twitter.
"Hy vọng cuối cùng chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng nhận được thông điệp này. Đừng nói với Putin những gì bạn không làm, hãy nói với ông ấy những gì bạn sẽ làm", Szeligowski viết.
Thanh Tâm (Theo Guardian, FT)