Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, không khí lạnh sẽ gây rét đậm, trung bình ngày từ 15 độ C trở xuống, ở miền Bắc trong các ngày 16-19/1, vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá, mưa tuyết.
Sau đó nhiệt độ nhích dần trong những ngày đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trước khi giảm trở lại do không khí lạnh tăng cường.

Băng giá trên đỉnh Fansipan ngày 6/1. Ảnh: Lan Hương
Trang Accuweather của Mỹ dự báo, Hà Nội hôm nay 18-30 độ, ngày mai giảm còn 11-21 độ, đầu tuần sau tiếp tục giảm còn 10-15 độ, sau đó tăng dần đến cuối tuần là 12-22 độ C.
Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) tuần tới nhiệt độ ban ngày dưới 10 độ, đêm xuống dưới 4 độ C. Trung bình cứ lên cao 100 m nhiệt độ giảm 0,6 độ C, khả năng đỉnh núi cao ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sìn Hồ (Lai Châu), Đồng Văn (Hà Giang) có thể xuất hiện băng giá, mưa tuyết.
Các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ cũng chịu tác động của không khí lạnh từ ngày mai. Nhiệt độ Bắc Trung Bộ phổ biến 11-14 độ, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế 14-17 độ C.
Ảnh hưởng của không khí lạnh, đêm 14 ngày 15/1, miền Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa. Từ ngày 15 đến 18/1, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có nơi mưa to và giông.
Trên đất liền có gió đông bắc mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7. Vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng đông bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-3,5 m. Bắc Biển Đông (gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao 3-5 m.
Từ chiều tối 15/1, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-5 m. Từ 16/1, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, giữa và nam Biển Đông (gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 3-5 m.
Dự báo các tháng đầu năm 2023 nền nhiệt cả nước có xu hướng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, các tháng cuối năm cao hơn. Nắng nóng sẽ nhiều và gay gắt hơn so với năm 2022. Các đợt nắng nóng xuất hiện từ tháng 4 đến 8 tại Bắc Bộ và Trung Bộ.