Những ngày gần đây, miền Bắc có mưa nhỏ, mưa phùn vào đêm và sáng do không khí lạnh di chuyển lệch đông, tạo đà cho đới gió đông bắc đưa ẩm từ biển vào. Nhiệt độ Hà Nội cao nhất lên 19, điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) 15 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nền nhiệt miền Bắc sẽ nhích dần lên 22 độ C vào trưa 18/2, sau đó giảm sâu. Vùng núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C và khả năng cao xảy ra băng giá, mưa tuyết.
Ngoài tác động của không khí lạnh, miền Bắc còn chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp trên độ cao 5.000 m di chuyển từ Thượng Lào sang, gây mưa giông với lượng 30-60 mm/24 giờ, có nơi trên 80 mm. Đây sẽ là đợt không khí lạnh mạnh nhất tràn xuống miền Bắc từ đầu mùa đông xuân 2021-2022.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nói về đợt rét mạnh sắp tới. Video: CTV
Trang Accuwearther của Mỹ dự báo, Hà Nội ngày 18/2 khoảng 12-22 độ, hôm sau hạ xuống 9-12 độ và thấp nhất là ngày 20/2, chỉ 8-10 độ C. Sau đó mỗi ngày nền nhiệt tăng 1-2 độ, đến cuối tuần sau đạt 16-20 độ C.
Sa Pa đầu tuần sau nhiệt độ sẽ xuống thấp nhất - chỉ 2-5 độ C.
Miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng của không khí lạnh từ ngày 20/2, trong đó Thanh Hóa chỉ 9-11 độ C vào ngày 20/2. Đà Nẵng nhiệt độ ban đêm cũng xuống dưới 20 độ vào cuối tuần này và đầu tuần tới, ban ngày 23-24 độ C.
Từ tháng 12/2021 đến nửa đầu tháng 2/2022, Việt Nam chịu ảnh hưởng của 9 đợt không khí lạnh. Trong đó có hai đợt mạnh vào cuối tháng 12/2021 và đợt 29/1-8/2/2022, gây rét đậm, rét hại cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với nhiệt độ thấp nhất tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là 1 độ, Sa Pa 4 độ, Fansipan (Lào Cai) -2 độ C.
Dự báo tháng 3-4, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C; riêng tháng 3 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ thấp hơn 0,5-1 độ C.