Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết rét sẽ chia làm hai đợt. Đợt rét ẩm từ ngày 7/1 đến 10/1, nhiệt độ ban đêm và ban ngày đều thấp, vùng núi thấp nhất 5-7 độ, đồng bằng 8-10 độ, cao nhất khó vượt quá 15 độ C, trời mưa nhỏ. Đợt rét khô từ ngày 11 đến 13/1, thời tiết sẽ giống đợt rét Tết Dương lịch, trời nắng hanh.
Lý giải về nguyên nhân rét ẩm, ông Năng cho biết dưới độ cao 1.500 m là khối không khí lạnh mạnh gây rét khô; trên độ cao 1.500 m là đới gió đông bắc đến đông cung cấp hơi ẩm, gây mưa. Ngoài ra, trên mực 3.000-5.000 m là dòng gió mạnh, làm gia tăng sự giảm nhiệt ở miền Bắc.
Trọng tâm đợt rét này là các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Nhiều khả năng các đỉnh núi của hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu sẽ xuất hiện mưa tuyết, băng giá.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo, ngày 7/1 nhiệt độ Hà Nội còn 14, đêm giảm xuống 8; ngày 8/1 dao động 8-11 và duy trì đến hết tuần. Đến ngày 12/1, nền nhiệt mới tăng lên 8-18 độ C.
Không khí mạnh tràn đến miền Trung từ chiều 7/1 gây mưa, một số nơi mưa to (50-100 mm/24 giờ). Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét đậm, trung bình ngày từ 15 độ trở xuống. Nhiệt độ Vinh (Nghệ An) ngày 8/1 dao động 9-14, Huế 13-19, TP Đà Nẵng từ 18-22 độ C.
Nam Bộ cũng chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh từ ngày 9/1, nhiệt độ xuống 20 độ C về đêm và sáng.
Miền Bắc vẫn đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh tràn xuống từ ngày 29/12/2020. Nhiệt độ thấp nhất ở Ba Vì (Hà Nội) xuống 5, Hà Đông 7 độ C. Do đặc tính rét khô, ban ngày nắng hanh nên người dân cảm nhận trời ấm hơn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định, tháng 1-2, miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C. Các đợt rét đậm, rét hại xảy ra từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 và có khả năng kéo dài 5-7 ngày.