Theo AirVisual (tổ chức đo chất lượng không khí thế giới), chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội, Thái Nguyên những ngày qua ở mức xấu, có hại cho sức khỏe người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Trong sáng 7/11, Thái Nguyên là thành phố ô nhiễm nhất nước, xếp thứ hai là Hà Nội với chỉ số AQI 176; nhiều nơi ở thủ đô có chỉ số AQI trên 200 (0-50 là chỉ số tốt). Ba địa điểm khác xếp sau là TP HCM (137), Thanh Hóa (134), thị trấn Thứa - Bắc Ninh (128). Đây là tình trạng ô nhiễm ở mức nguy hại, ảnh hưởng đến người già, trẻ nhỏ, gây bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp. Dự kiến trong những ngày tới, các chỉ số vẫn tiếp tục ở mức nguy hại, đặc biệt là sáng sớm.
Tương tự, trên ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PamAir (mạng lưới theo dõi chất lượng không phủ khắp 63 tỉnh thành Việt Nam), nhiều điểm đo tại thủ đô có chỉ số chất lượng không khí màu đỏ và tím (mức nguy hiểm).
Đặc biệt, chỉ số bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội dao động khoảng 50 µg/m³, cao hơn gấp 10 lần quy chuẩn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (5 µg/m3).
Bụi mịn hay bụi PM 2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Bụi mịn cản trở giao thông và tầm nhìn của các phương tiện di chuyển vào buổi sáng.
Bác sĩ Lê Hoàn, Phó trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đây là bụi siêu mịn, có thể xâm nhập sâu vào phổi, dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh ở tim, mắt... Cụ thể, bụi mịn có thể đi sâu vào các phế nang, nơi tận cùng của cơ quan trao đổi khí, làm viêm, xơ hóa phế nang dẫn đến bệnh lý hô hấp.
Nếu tiếp xúc ngắn, bụi mịn có thể là tác nhân khởi phát các đợt cấp của bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc biệt với người có tiền sử mắc bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc các bệnh lý viêm mũi xoang dị ứng... Trường hợp làm việc trong môi trường ô nhiễm, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính.
Lý giải nguyên nhân không khí ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đang ô nhiễm nặng nề, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng chủ yếu do người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa, đặc biệt vào chiều tối và sáng sớm. Khói mù còn ảnh hưởng đến hoạt động hàng không khu vực sân bay Nội Bài. Ngoài ra, ô nhiễm còn do giao thông, xây dựng, hoạt động của các khu công nghiệp và hoạt động dân sinh...
Để phòng ngừa và giảm tác động của ô nhiễm không khí, bác sĩ Hoàn khuyên mọi người cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi họng hàng ngày. Đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Hạn chế lưu thông lúc đường đông hay đi vào khu ô nhiễm như khu công nghiệp.
Tăng cường tập thể dục nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Hạn chế tập sáng sớm do thời điểm này dễ dẫn đến đột quỵ. Hạn chế đeo kính áp tròng, rửa tay khi về nhà, uống đủ nước.
Trẻ em có sức đề kháng yếu, hệ tai mũi họng dễ mẫn cảm và dị ứng, nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước, tránh tiếp xúc môi trường bụi bẩn, khói thuốc. Bổ sung thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu... Giữ ấm, không tự ý dùng thuốc hay kê kháng sinh uống tại nhà.
WHO nhận định ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.
Minh An