Dựa trên lượng bụi siêu vi PM2.5 trong không khí, Tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual vừa công bố danh sách các quốc gia và thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2018, CNN đưa tin.
So với năm 2017, chất lượng không khí ở Hà Nội đã được cải thiện, lượng PM2.5 giảm từ 45,8 µg/m3 xuống 40,8µg/m3. Thế nhưng, thủ đô Việt Nam vẫn đứng thứ hai danh sách các thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á (sau Jakarta) và thứ 12 danh sách các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.
Trong khi đó, chất lượng không khí ở TP.HCM có dấu hiệu đi xuống, nồng độ PM2.5 từ 23,6 µg/m3 năm 2017 lên 26,9 µg/m3 năm 2018. TP.HCM đứng thứ 15 danh sách các thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.
Với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 trung bình 32,9 µg/m3, Việt Nam nằm gần cuối nhóm "quốc gia có chất lượng không khí trung bình" trên thế giới, cách nhóm "gây nguy hiểm cho người nhạy cảm" một nước.
Tính riêng khu vực Đông Nam Á, mức độ ô nhiễm không khí của Việt Nam xếp thứ hai, chỉ sau Indonesia.
Theo báo cáo của AirVisual, thành phố ô nhiễm nhất thế giới là Gurugram (Ấn Độ) với nồng độ PM2.5 135,8 µg/m3 còn quốc gia ô nhiễm nhất thế giới là Bangladesh với nồng độ PM2.5 97,1 µg/m3.
Hiện Iceland là nước có chất lượng không khí tốt nhất hành tinh với lượng PM2.5 là 5,0 µg/m3, thấp hơn một nửa so với tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra.
Theo WHO, mức PM2.5 lý tưởng nhất trong không khí là 10 µg/m3. Mỹ chia chất lượng không khí ra làm 5 mức, trong đó lượng PM2.5 từ 0-12,0 là tốt, 12,1-35,4 là trung bình, 35,5-55,4 là nguy hiểm cho người nhạy cảm, 55,5-150,4 là nguy hiểm, 150,5-250,4 là rất nguy hiểm, từ 250,5 trở lên là độc hại.
Bụi siêu vi PM2.5 là các hạt trong không khí có kích thước từ 2,5 micron trở xuống. PM2.5 gây nguy hiểm đến sức khỏe con người vì có thể dễ dàng xâm nhập sâu vào cơ thể thông qua hệ hô hấp.
Tiếp xúc lâu dài với không khí bị ô nhiễm dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe như đột quỵ, đau tim, bệnh phổi (bao gồm ung thư phổi). Theo thống kê của Viện Tác Động Sức khỏe Mỹ (HEI), năm 2016, thế giới có hơn 6,1 triệu người chết vì ô nhiễm không khí.
Phúc Lương