Với tư cách là một giáo viên môn Toán THPT, qua đề thi THPT quốc gia môn Toán vừa rồi, tôi xin có một vài ý kiến về chuyện dạy thêm, học thêm.
Với chương trình học như hiện nay, minh họa sinh động nhất là đề thi THPT môn Toán năm nay thì với 3 câu cuối (8, 9, 10) chúng ta vẫn gọi là để phân loại học sinh, nếu không đi học thêm, học sinh sẽ rất khó khăn để làm được, ngay cả với em khá giỏi. Bởi vậy, việc cấm dạy thêm, học thêm là không hợp lý, có phần duy ý chí vì nó chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
Xem đề Toán kỳ thi THPT quốc gia 2016
Quan sát nền giáo dục Pháp, có người đã nhận xét học sinh phổ thông của Pháp được học một cách thoải mái, học như là chơi, tuy nhiên khi đã đến ngưỡng cửa trưởng thành nghĩa là vào trường đại học thì phải học hết mình, học ra học - “học chết thôi” luôn. Chúng ta cũng nên tiệm cận những nền giáo dục tiên tiên như vậy.
Muốn học sinh phổ thông học hành thoải mái, học như chơi, muốn hạn chế chuyện học thêm, dạy thêm trong trường phổ thông thì ngoài những chuyện như cần phải cải thiện thu nhập cho giáo viên (điều này là không đơn giản vì đất nước còn nghèo, số lượng biên chế quá lớn) thì điều quan trọng nhất mà có thể thực thi được dễ dàng hơn là hãy giảm tải chương trình học.
Khi chương trình được giảm tải, việc học của học sinh sẽ như là chơi, rất nhẹ nhàng, thú vị; chuyện học thêm, dạy thêm chắc sẽ có nhưng hạn chế nhiều. Hơn nữa, nghề dạy học là một nghề dịch vụ, hãy để cho cơ chế thị trường quyết định (không nên can thiệp bằng những quyết định hành chính cứng nhắc), có cầu ắt có cung. Học sinh cần mở mang kiến thức nên cần phải học thêm; giáo viên muốn có học sinh thì phải dạy tốt.
Trong “Thế giới phẳng” nhà báo Thomas Friedman có nhắc đến việc có những giáo viên, sinh viên người Ấn Độ dạy thêm cho nhiều học sinh Mỹ qua Internet. Khi thị trường điều tiết thì việc dạy và học (dạy thêm, học thêm) sẽ trở nên chuyên nghiệp. Hơn nữa cần phải có sự phân công lao động: người giáo viên hãy dạy học thật tốt, người công nhân hãy là người công nhân lành nghề…, điều này là rất cần thiết.
Phụ huynh có thể làm nhiều việc khác để tạo ra của cải cho xã hội, việc dạy học con em họ sẽ được giao cho các giáo viên, những người có kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy (thực tế đa số phụ huynh học sinh đều phó mặc việc dạy dỗ học sinh cho nhà trường). Khi chuyên nghiệp hóa thì việc dạy và học sẽ trở nên tốt hơn, nền giáo dục sẽ phát triển, đất nước phát triển.
Đối với người thầy, khi nền giáo dục vận hành theo cơ chế thị trường cũng sẽ phải tự điều chỉnh để “nâng cao chất lượng bản thân”, không thì sẽ bị đào thải. Thực tế không phải thầy giáo cứ dạy thêm là đánh mất đi hình ảnh người thầy. Nếu kiến thức tốt, nhân cách đàng hoàng thì dù có dạy thêm giáo viên vẫn được tôn trọng, phụ huynh và ngay cả học sinh cũng nghĩ như vậy. Người xưa có nói: “Người dạy chữ thì nhiều, người dạy người thì hiếm”, điều này bây giờ vẫn đúng. Thầy giáo mà chỉ biết dạy chữ, bắt học sinh đi học thêm nhiều để kiếm tiền nhưng không biết dạy người thì ai tôn trọng đây?
Một điều vô cùng lo ngại cho nền giáo viên nước nhà là thực tế trình độ giáo viên so với nhiều ngành nghề khác không được cao lắm, trước kia có câu "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", ngày nay dù có chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm thì học sinh giỏi thay vì vào sư phạm lại vào Kinh tế, Ngoại thương… Đã thế nhiều giáo viên lại không chịu khó học tập hàng ngày để nâng cao trình độ, có giáo viên Văn mà cả năm không đọc nổi một cuốn sách thì bồi đắp tâm hồn và kiến thức ở đâu đây?
Với đội ngũ có nhiều giáo viên kém, để nâng cao chất lượng nền giáo dục nước nhà tiệm cận với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì chúng ta phải làm như thế nào đây? Câu hỏi làm thế nào để thu hút được người tài vào ngành giáo dục, làm giáo viên có lẽ quan trọng hơn câu hỏi làm thế nào để cấm dạy thêm, học thêm.
Phạm Xuân Anh