Theo kế hoạch Giáo dục phổ thông mới, chương trình lớp 10 chỉ yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các em chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).
Việc đưa Lịch sử vào nhóm môn lựa chọn ở cấp THPT vấp nhiều tranh cãi, dù chưa đầy bốn tháng nữa, chương trình sẽ triển khai.
Là tổng chủ biên xuyên suốt sách giáo khoa Lịch sử (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, nhận định những ý kiến tranh cãi cho thấy sự quan tâm đáng trân trọng của xã hội đến việc dạy và học môn Sử. Mặt khác, ông cho rằng các quan điểm cần thấu đáo hơn.
GS Giang nhận định môn Sử không bị xem nhẹ hay xóa sổ trong chương trình mới. Chương trình giáo dục phổ thông mới chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở) trang bị tri thức phổ thông nền tảng. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông.
Trong giai đoạn cơ bản, Lịch sử là môn bắt buộc. Ông Giang cho biết toàn bộ kiến thức cốt lõi, sự phát triển từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại (gọi là thông sử) của thế giới và Việt Nam sẽ được dạy trong giai đoạn này.
Đến bậc THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, Lịch sử là một môn thuộc nhóm khoa học xã hội. Kiến thức Sử ở giai đoạn này được chia thành các chuyên đề mang tính phân tích, tổng hợp theo định hướng khoa học xã hội nhân văn, không dạy thông sử như trước. Chương trình mới cũng dành 20% thời lượng cho lịch sử địa phương. Ngoài ra, nhiều môn và hoạt động bắt buộc như quốc phòng an ninh... đều liên quan đến lịch sử.
Về thời lượng, ngay cả khi học sinh không chọn Lịch sử ở bậc THPT, chương trình mới vẫn nhiều hơn chương trình cũ 71 tiết Sử. Còn nếu chọn môn này, các em học nhiều hơn 176 tiết. Do đó, theo ông Giang, những học sinh chỉ học hết lớp 9 hoặc không chọn Sử ở bậc THPT cũng không gặp thiệt thòi về kiến thức thông sử.
Trước nhận định "Lịch sử thành môn lựa chọn sẽ ảnh hưởng tới giáo dục lòng yêu nước", các chuyên gia không đồng tình.
GS Giang nêu thực trạng học sinh từng ăn mừng hoặc xé sách, xé đề cương Lịch sử khi biết không phải thi môn này trong một kỳ thi nào đó. "Nếu bắt buộc học Sử thì chúng ta quay lại thời kỳ trước, nhưng giai đoạn đó học sinh có yêu sử không? Học Sử mà không yêu sử thì cũng là không yêu nước ư?", ông nói.
Chung quan điểm, PGS Vũ Quang Hiển, khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đặt câu hỏi "Nếu nói không học Lịch sử là quên quá khứ, vậy những em không có điều kiện học THPT theo chương trình mới, những người học nghề, học giáo dục thường xuyên, cũng không yêu nước hay sao?".
Ông Hiển chỉ ra thực tế, Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình cũ nhưng trong nhiều trường hợp, chỉ mang tính hình thức. Chẳng hạn, học sinh theo tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), hầu hết không học các môn xã hội, trong đó có Sử. "Không chỉ tạo điều kiện để các em chỉ tập trung học tổ hợp thế mạnh, phục vụ thi tốt nghiệp và xét đại học; nhiều trường còn nâng điểm các môn còn lại, giúp học sinh làm đẹp học bạ. Đây là một thực tế cay đắng, cho thấy dù là môn bắt buộc, chất lượng dạy và học Sử theo chương trình cũ vẫn rất kém", ông Hiển nói và cho rằng giáo dục lòng yêu nước là trách nhiệm của cả xã hội, không riêng ngành giáo dục.
PGS Hiển chỉ ra sự bất hợp lý nếu Lịch sử trở thành môn "lựa chọn bắt buộc" trong chương trình mới, nghĩa là tổ hợp nào cũng có môn này. Ông cho rằng mỗi giai đoạn của chương trình mới có mục tiêu riêng, hướng đến các nhóm học sinh có tố chất, khả năng khác nhau. Các chủ đề Lịch sử ở bậc THPT sẽ chuyên sâu và khó hơn, không thể dạy đại trà. Nếu ép học sinh sẽ gây phản tác dụng và tạo ra hậu quả còn nặng nề hơn giai đoạn trước.
Để được thông qua vào năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới đã trải qua thời gian dài xây dựng dự thảo, lấy ý kiến và sửa đổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng gửi công văn tới các địa phương, trường học và lấy ý kiến toàn dân. Các chuyên gia khẳng định, vấn đề không nằm ở việc lựa chọn hay bắt buộc với môn Sử. Điều cần bàn thời điểm này là nên dạy Sử như thế nào.
GS Giang nhận định giáo dục đang đi đúng lộ trình để giải quyết việc này, từ việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học, sau đó là cách thi. Mục đích của sự đổi mới là thay đổi cách học và tiếp cận truyền thống. Thay vì nhấn mạnh, bắt học sinh thuộc lòng các mốc thời gian, chương trình mới tập trung vào ý nghĩa của các sự kiện.
"Khi làm sách giáo khoa, tôi yêu cầu cộng sự tạo ra một bộ sách khiến học sinh thích, dạy những cái các em cần. Một khi học sinh đã thích, các em sẽ tự tìm hiểu, không cần bắt buộc", ông Giang nói.
PGS Hiển cũng cho rằng lựa chọn hay bắt buộc học Lịch sử không phải gốc của vấn đề. "Tìm cách nâng cao chất lượng dạy và học Sử là vấn đề cốt lõi và quan trọng, cần được quan tâm đúng mực và lâu dài", ông Hiển bày tỏ.
Sáng 12/5, tại buổi tham vấn ý kiến chuyên gia, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ sẽ cân nhắc các phương án dạy môn Lịch sử cấp THPT trong thời gian tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Dự kiến ngày 22/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp toàn thể để thảo luận vấn đề này.
Thanh Hằng - Bình Minh