- Thưa Trung tướng, năm 1995 ông đang làm việc ở đâu?
- Tôi đang đương nhiệm Giám đốc Sở Công an Đồng Tháp thì được anh Ba Ngộ (nguyên bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Thiện Ngộ) ra quyết định chuyển về làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Từ đầu năm 1995, tôi được điều chuyển về TP HCM với vai trò của thứ trưởng phụ trách theo dõi phía Nam. Đến giữa năm 1995, tôi được điều chuyển ra Hà Nội và có vai trò như Thứ trưởng thường trực.
- Trong thời gian làm việc ở TP HCM, Trung tướng có nhận được thông tin hay tài liệu nào liên quan đến hoạt động của Năm Cam do Công an thành phố gửi lên không?
- Tôi không nhận được bất cứ thông tin hay báo cáo nào, kể cả đơn thư tố giác, cho đến khi Thủ tướng chỉ đạo giao vụ án cho Bộ Nội vụ.
- Trung tướng đã ký công văn ngày 26/12/1996 nêu quan điểm của Bộ Nội vụ về vụ án Năm Cam gửi VKSND Tối cao?
- Khi thực hiện chuyên án hồi đó, quan điểm của lãnh đạo Bộ Nội vụ là bằng mọi cách đưa một đối tượng nguy hiểm như Năm Cam ra tòa, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, VKSND Tối cao không đồng ý, và còn gửi văn bản 1333 “kiến nghị huỷ bỏ quyết định tập trung cải tạo với Năm Cam”. Bội nội vụ đã trả lời, giải thích cho VKSND Tối cao về hành vi vi phạm pháp luật của Năm Cam, việc tập trung cải tạo là hoàn toàn phù hợp Nghị quyết 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và nhằm mục đích giam chân hắn, để phía điều tra củng cố chứng cứ, khởi tố hình sự. Tôi ký công văn này.
Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Tôi không nhận được công văn này. Đáng tiếc là tôi không biết điều đó. Sau này tôi biết, Bộ Nội vụ có gửi báo cáo cho VKSND Tối cao nói rõ quan điểm của mình. Bản báo cáo ấy có gửi Văn phòng Chính phủ, nhưng không phải là báo cáo chính thức. Văn phòng có thể đã coi đó như một thông báo bình thường. Tôi giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Nội vụ. Lẽ ra nếu không đồng ý với VKSND Tối cao, Bộ trưởng phải báo cáo trực tiếp với Thủ tướng. Vừa rồi tôi có nhắc lại bài học này".- Tại sao công văn có gửi tới Văn phòng Chính phủ, mà không tới tay Thủ tướng?
- Thời điểm đó, tôi không trực tiếp tham gia chuyên án bắt Năm Cam. Cơ chế ở Bộ Nội vụ lúc ấy là không có thứ trưởng thường trực, nhưng tôi được giao việc thường trực. Vì thế, khi có công văn này tôi phải ký. Theo nguyên tắc, khi đã được lãnh đạo ký, công văn phải gửi đi. Nhưng tôi không hiểu vì sao thông tin không đến được Thủ tướng. Tôi nghĩ vấn đề này cũng cần xem xét lại.
- Trung tướng nhận xét gì về việc Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp, người trực tiếp chỉ huy chuyên án bắt Năm Cam hồi đó về nghỉ hưu giữa chừng?
- Trong thực tế, thiếu tướng Thiệp đã đến tuổi nghỉ hưu từ năm 1995, nhưng lãnh đạo Bộ Nội vụ xét thấy đồng chí vẫn còn khả năng cũng như kinh nghiệm trong việc đấu tranh chống bọn tội phạm, nên đã yêu cầu giữ đồng chí lại tiếp tục công tác thêm 2 năm nữa. Nhưng thật bất ngờ khi đang thực hiện chuyên án Năm Cam thì đồng chí Thiệp lại có quyết định nghỉ hưu.
(Theo Tiền Phong)