Thứ sáu, 3/1/2025
Thứ bảy, 25/7/2020, 18:00 (GMT+7)

Không gian nghệ thuật 16.000 m2 trên đồi

Thừa Thiên - HuếKhông gian Lưu niệm Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) nằm trên ngọn đồi ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, với tổng diện tích hơn 16.000 m2.

Lebadang Memory Space là điểm đến của người yêu nghệ thuật và ngưỡng mộ danh họa Lê Bá Đảng (nghệ danh Lebadang) - bậc thầy của hai thế giới Đông Tây. Công trình xây dựng trong bốn năm, hoàn thành vào tháng 4/2019. Khuôn viên rộng hơn 16.000 m2 vốn là ngọn đồi hoang vắng ở ngoại ô thành phố Huế, đất đỏ khô cứng, trơ sỏi đá. Chủ đầu tư Lê Cẩm Tế - từng làm việc với cố họa sĩ hơn 10 năm - cho biết sinh thời, họa sĩ tài danh từng mơ về một không gian có thể tự do sáng tạo và trưng bày tác phẩm của mình với chiều kích thật.

Bà Myshu Lebadang - vợ cố họa sĩ - là cố vấn công trình. Sau cân nhắc nhiều phương án, bà quyết định chọn tác phẩm cắt trên giấy của chồng làm kiến trúc không gian trưng bày chính và yêu cầu tuân thủ nguyên mẫu.

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh (người Huế, sống tại TP HCM) cùng cộng sự đã chuyển hóa tác phẩm cắt trên giấy thành bản thiết kế và xây dựng tòa nhà ba tầng ngay trung tâm ngọn đồi, ở độ cao trên 10 m, xung quanh là núi đồi, rừng cây, suối... Công trình gồm năm phân khu với gam trắng chủ đạo và chức năng khác nhau.

Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng
 
 

Toàn cảnh không gian nghệ thuật. Video: Lebadang Memory Space.

Phân khu chính thiết kế mở, trưng bày hàng trăm tác phẩm cắt giấy, điêu khắc, tranh sơn dầu, Tấn tuồng nhân loại và nghệ thuật sắp đặt... của cố danh họa. Điểm nhấn không gian là giếng trời đón nắng tự nhiên, ở trung tâm "mắt trời" là bức tượng điêu khắc ba chiều.

Hầu hết tác phẩm, kỷ vật của Lê Bá Đảng do phu nhân Myshu trao tặng, một phần là họa sĩ ủy thác cho bà Lê Cẩm Tế từ năm 2009 đến 2012. Nội dung và cách thức trưng bày liên tục thay đổi theo tiêu chuẩn quốc tế.

Người yêu nghệ thuật có thể tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp Lê Bá Đảng ở không gian trưng bày dưới lòng đất. Đường hầm dài 50 m, cổng vào lắp hệ thống kính phản quang, chịu lực tốt, cân bằng ánh sáng và ngăn chặn tia UV gây hại.

Tư liệu về danh họa được biểu hiện dưới nhiều hình thức như thông tin dạng đồ họa, kỷ vật, ảnh... Trong đó nổi bật là phim tài liệu Từ Bích La đến Paris - kể niềm đam mê, ý chí và hành trình thành danh của Lê Bá Đảng, do Đặng Nhật Minh đạo diễn.

Không gian sân thượng tòa nhà được thiết kế như vườn địa đàng, với các tác phẩm điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt. Du khách có thể ngắm trọn vẹn cảnh quan và thảm xanh vùng đồi.

Phân khu sân vườn chiếm phần lớn diện tích, bao bọc không gian nghệ thuật. "Khu vườn là tâm hồn và tình cảm tôi dành cho ông Lê Bá Đảng và bà Myshu", bà Cẩm Tế nói. Các loại hoa, cây ăn trái đều được chọn lọc theo sở thích của danh họa lúc sinh thời.

Đi khắp khu vườn, bạn có thể bắt gặp những bức tượng bằng thép không rỉ, bề mặt phản chiếu khung cảnh thiên nhiên, bầu trời... Kỹ thuật cắt trực tiếp với những phần rỗng, lỗ hổng đặc trưng phong cách Lê Bá Đảng.

Một trong những tác phẩm độc đáo thiết kế theo hình mạng nhện ở khuôn viên.

Khu cà phê, nhà hàng là nơi du khách dừng chân nghỉ ngơi sau tham quan. Hình vẽ trên các bức tường, đồ trang trí đều mang đậm phong cách nghệ thuật Lê Bá Đảng.

Lê Bá Đảng sinh ngày 27/6/1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ông là tượng đài của ý chí, niềm đam mê nghệ thuật và là họa sĩ tài năng đương thời của hội họa thế giới.

Ông tạo ra khái niệm "Không gian Lê Bá Đảng" (Le Ba Dang Espace) trong hội họa; nhận giải thưởng của Viện Quốc tế Saint-Louis, Mỹ năm 1989; được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Cambridge của Anh đưa vào danh mục người nổi tiếng toàn cầu năm 1992. Năm 1994, ông nhận Huân chương Văn học và Nghệ thuật (Chevalier de l’ordre des Arts et des Lettres) từ nhà nước Pháp.

Thiên Lam

Ảnh: Lebadang Memory Space, Thiên Lam