Thông tin Bằng tốt nghiệp đại học sẽ không ghi xếp loại gây nhiều tranh luận, một số độc giả cho rằng tấm bằng chỉ mang tính hình thức, quan trọng là năng lực:
Bằng cấp chỉ mang tính hình thức, quan trọng là phải làm được việc. Không phân loại bằng cấp càng đỡ tiêu cực về điểm. Bạn nào có năng lực thì khi làm thực tế sẽ bộc lộ và được hưởng lương xứng đáng, sao mọi người phải lăn tăn về việc đánh đồng bằng cấp thế nhỉ người giỏi sẽ vẫn giỏi, người kém nếu không chịu nỗ lực học hỏi thì sẽ vẫn kém thôi.
Tôi ủng hộ, sẽ dẹp được tiêu cực chạy điểm, chạy thành tích nhức nhối bấy lâu, nhiều em học thật nhưng điểm không cao, nhiều đứa lười nhưng chạy chọt gây phát sinh tiêu cực.
Chỉ hơi mất thời gian cho bên tuyển dụng lọc hồ sơ và dành thời gian phỏng vấn nhiều hơn. Trình độ năng lực sẽ lòi ra ngay khi phỏng vấn nếu tuyển dụng công ty đó thật sự giỏi để nhìn người. Tuyển dụng cũng đâu phải vào chính thức ngay, giỏi hay dốt vào một tuần là biết ngay, hơi mất thời gian khoản này.
Nhiều bạn bị nhầm lẫn rồi. Đây không phải là cào bằng, mà chỉ là thay đổi hình thức ghi trên tấm bằng tốt nghiệp thôi. Tức là vẫn có xếp loại học lực, nhưng không ghi vào bằng nữa, chứ không phải bỏ.
Vậy nên các bạn nói nếu thay đổi như vậy thì ai còn nỗ lực cố gắng nữa là không đúng. Quá trình học sẽ được ghi lại hết trong bảng điểm. Và nhà tuyển dụng muốn đánh giá các bạn, nói thật chỉ cần nhìn qua thái độ và cách bạn trả lời trong khi phỏng vấn là họ biết có phù hợp không rồi.
Bạn có trưng cái bằng giỏi hay trung bình ra thì vẫn thế. Mà thực tế là họ đâu có hỏi bằng. Còn mình nghĩ, đã là học, thì không nên phân biệt chính quy hay tại chức hoặc thậm chí là online. Học tốt hay không là do chính bản thân mình. Các bạn cũng đừng kêu học tại chức thì không tốt so với học chính quy.
Hãy nhìn lại vấn đề, đó là trách nhiệm của giáo dục. Giáo dục phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng của tất cả các hình thức đào tạo. Chứ không thể mặc định học chính quy là tốt, còn tại chức là dở. Đã là giáo dục thì phải công bằng với mọi đối tượng.
Bằng không quyết định tất cả và cộng thêm khi nhận bằng sẽ không có sự phân biệt làm cho mọi người thấy mình luôn thấp kém, tự ti đi. Khi làm việc xin việc, chúng ta sẽ cho họ cơ hội thử việc, điểm số khác việc thực hành lại khác nhau, có nhiều người học giỏi nhưng việc khả năng truyền đạt kém thì sao? Đúng không. Thật sự mọi người cứ đề cao thành tích hơn, nghe nó sĩ hơn à. Hay hãnh diện hơn? Nguyên nhân thụt lùi và phát triển nhận thức là các bạn đấy
Ở chiều ý kiến còn lại, một số độc giả cho rằng việc không ghi xếp loại sẽ khiến các sinh viên bị cào bằng năng lực, trình độ.
Vậy thì người ta tiến phỏng vấn xin việc và thử việc để làm gì? Tôi là quản lý trong một doanh nghiệp nước ngoài, thường chúng tôi cũng không nhìn vào bằng cấp để đưa ra quyết định tuyển dụng. Tuy nhiên, tôi thấy không công bằng cho các bạn sinh viên đã nỗ lực học tập và không được ghi nhận trên tấm bằng.
Cá nhân tôi từng học, từng cố gắng, giỏi có, khá có, trung bình có, đã có bằng trường công, trường tư; chính quy và tại chức đầy đủ, nhưng tôi không đồng tình kiểu bằng cấp cào bằng, không phân biệt gì như thế này.
Tôi vẫn ủng hộ việc bằng cấp, học tập cần có đánh giá, xếp loại hẳn hoi để người học cố gắng. Còn việc coi trọng bằng cấp mà không chú trọng thực lực không có là do người sử dụng và người đánh giá. Mong rằng giáo dục thay đổi nhưng không nên lẫn lộn vấn đề này.
Người ta hướng chất lượng đi lên chứ có ai theo xu hướng đảo chiều như này bao giờ. Phải tạo ra sự khác biệt và có điểm đích để người ta còn phấn đấu, rèn luyện, trau dồi. Nếu đánh đồng thì chất lượng chỉ đi xuống không bao giờ đi lên. Bằng là một sự ghi nhận nỗ lực trong một quá trình của một cá nhân vậy lý do gì đánh đồng học lực Trung bình và Học lực giỏi? Còn khả năng làm được việc hay không thì lại là một quá trình tiếp theo chứ nó không có nghĩa phủ bụi mọi nỗ lực của người ta trước đó.
Không ghi xếp loại bằng thì cũng không sao vì mọi thông tin về điểm số đã có trong bảng điểm, nhưng hình thức đào tạo thì nên ghi rõ, không phải để phân biệt bằng nào giỏi hơn bằng nào nhưng cào bằng hệ đào tạo chính quy với hệ đào tạo tại chức, từ xa thì thật là phi lý. Trên nhãn hiệu hàng hóa còn ghi rõ tên và địa chỉ nhà máy sản xuất, ngày và và lô sản xuất và thông tin đầy đủ khác liên quan đến sản phẩm, mã số mã vạch của sản phẩm.
Theo tôi, nếu quy định này được áp dụng, các hình thức đào tạo không chính quy sẽ mọc lên như nấm.
Xem nhiều trong ngày:
> Tôi 'đơ người' với bài tập Toán của học sinh lớp 8
> 'HLV Park Hang-seo cần sự ổn định'
> Nhiều thiết kế 'ngớ ngẩn' ra đời vì người Việt xuề xòa
> Thuốc '3 phần độc, một phần chữa bệnh'
> Trả 99% tiền mua nhà rồi nhưng không được sang tên
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.