Mảnh đất có diện tích 500m2 và nhà ở là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của bố mẹ bạn. Do vậy, họ có đầy đủ quyền năng của chủ sở hữu, trong đó có quyền định đoạt tài sản. Điều 195 Bộ luật dân sự quy định: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó”. Theo đó, việc cho ai sử dụng mảnh đất và nhà ở là quyền của bố và mẹ bạn.
Bố và mẹ bạn là đồng sở hữu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà nên có quyền ngang nhau trong việc định đoạt. Vì vậy, việc bố bạn cho ai mảnh đất và nhà phải được sự đồng ý của mẹ bạn, trừ khi bố bạn chỉ quyết định việc tặng cho phần tài sản của mình (1/2 khối tài sản).
Theo quy định của pháp luật thừa kế hiện hành, trường hợp bố mẹ bạn mất không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp,... thì di sản sẽ được phân chia theo pháp luật. Khi đó 4 anh em bạn sẽ được hưởng quyền thừa kế ngang nhau.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự cũng quy định“cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình” (Điều 631) nên bố và mẹ bạn có thể lập di chúc để lại quyền sử dụng mảnh đất và nhà ở cho riêng một người.
Bạn cũng cần chú ý là di chúc chung của bố mẹ bạn phải được lập hợp pháp và chỉ có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm bố, mẹ bạn cùng chết. Nếu bố và mẹ bạn lập hai di chúc riêng rẽ, mỗi di chúc chỉ định đoạt 1/2 khối tài sản thuộc quyền sở hữu của người đó thì mỗi di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm người để lại di chúc đó chết. Phần tài sản được định đoạt trong di chúc đó sẽ được chia cho người được hưởng di sản theo di chúc, phần còn lại vẫn do bố (hoặc mẹ) – người đang còn sống quản lý.
Theo quy định tại Điều 633, “thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết” nên các anh em bạn chỉ được hưởng thừa kế di sản do bố hoặc mẹ bạn để lại sau khi bố và mẹ bạn mất đi. Hiện tại, bố mẹ bạn còn sống nên các anh em bạn không có quyền hưởng di sản cũng như không có quyền can thiệp vào quyền định đoạt tài sản của bố và mẹ bạn.
Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội