Phòng thực hành, thí nghiệm ở trường học có thể ươm mầm cho những đề tài, sáng chế của học sinh, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu người sử dụng không tuân thủ quy trình. Vụ tai nạn tại trường THCS Phan Đình Phùng (Vũ Quang, Hà Tĩnh) khiến nữ sinh 14 tuổi bị rách giác mạc, lộ tổ chức nội nhãn là ví dụ.
Ông Trương Bá Năng, Hiệu phó trường THCS Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), kể trong giờ thực hành Hóa ngày 22/2, nhóm học sinh đã tự ý trộn các chất hóa học với nhau, dẫn tới phản ứng gây nổ bình dung dịch, khiến nữ sinh bị thương. Sau tai nạn, ba phòng thí nghiệm được niêm phong để nhà chức trách điều tra.
Trước đó ngày 5/1/2017, khi dọn dẹp sau tiết thực hành Hóa của lớp 12A2 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), hai nam sinh nghịch đốt mẩu giấy phenolphtalein cho vào chiếc cốc khô, bên trong không đựng gì. Một học sinh khác đã lấy lọ đựng C2H5OH-ancol etylic (dù lọ này đã được cất ra chỗ khác) để làm thí nghiệm ngoài chương trình học.
Do không để ý bên trong lọ còn tàn giấy phenolphtanlein, nam sinh đổ cồn rượu vào và làm nổ chai nhựa. Ba học sinh ở gần hiện trường bị bỏng, trong đó một nữ sinh bị bỏng độ 3, từ mặt đến bụng, phải điều trị nhiều tháng.
Nhìn nhận về tai nạn ở phòng thí nghiệm, thầy Trương Bá Năng cho rằng sự cố để lại nhiều bài học trong công tác dạy học, mua sắm hóa chất, thiết bị phục vụ cho giờ thực hành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học khối lớp 8 và 9.
"Trường không có kinh phí, tiền mua sắm trích vào ngân sách nên mỗi năm chỉ có thể chi khoảng 20 triệu đồng mua một số loại hóa chất thông thường biểu diễn cho học sinh xem", thầy Năng nói và đánh giá hệ thống cơ sở vật chất phòng thí nghiệm của trường chỉ đáp ứng ở mức độ trung bình.
Một giáo viên dạy môn Hóa học tại trường THCS Phan Đình Phùng chia sẻ, giờ thực hành, thầy cô và học sinh không được trang bị quần áo, găng tay bảo hộ. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng không có lớp tập huấn nào cho giáo viên hệ THCS trong dạy thí nghiệm, khi xảy ra sự việc ai cũng lo lắng.
"Chúng tôi rất hoang mang khi không có quy định chung nào trong phòng thí nghiệm về giảng dạy cũng như xử lý tình huống khi có sự cố. Khi xảy ra rủi ro, giáo viên bộ môn bị quy trách nhiệm đầu tiên", thầy giáo nói.
Việc không được đầu tư cũng là thực trạng chung tại phòng thí nghiệm của nhiều trường THCS, THPT ở Hà Tĩnh. Các trường muốn sắm mới song thiếu tiền, chỉ có thể sắm lẻ tẻ theo từng năm. Giáo viên và học sinh do đó vẫn thấp thỏm lo âu mỗi khi đến giờ thực hành.
Tại trường THPT Hương Khê có ba phòng chức năng, mỗi phòng rộng 80 m2, các dãy bàn được gắn vòi rửa để vệ sinh trong giờ thực hành. Ngoài ra, trường còn có hai phòng nhỏ bảo quản hóa chất, rộng 18 m2. Theo Hiệu trưởng Phan Thanh Toàn, trước kia việc học thí nghiệm ít được quan tâm. Gần đây, kỳ thi học sinh giỏi tỉnh đưa nội dung thí nghiệm vào sát hạch nên các trường chú ý hơn.
"Dù được sắm mới, các phòng thí nghiệm của trường mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Ban giám hiệu muốn mua sắm, nhưng chi phí rất cao. Chẳng hạn chiếc kính hiển vi cũng tốn 20 triệu đồng, ngân sách trường không đủ", thầy Toàn nói.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh thông tin, các trường đã được giao tự chủ nên phải tự kiểm tra hóa chất, thiết bị hư hỏng, tự liên hệ với nhà cung cấp để đảm bảo cho việc dạy và học. Hàng năm Sở chỉ có kế hoạch hỗ trợ một số thiết bị lớn như tivi, máy chiếu để học ngoại ngữ.
"Với các trường THPT kinh phí mua sắm không khó khăn lắm, quan trọng là họ phải biết cân đối. Ở hệ thống THCS, ngân sách do huyện phân bổ nên gặp nhiều vướng mắc", một lãnh đạo Sở Giáo dục nói.