Tại buổi chia sẻ kỹ năng tiền lớp 1 được tổ chức ở trường tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội) ngày 4/4, chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Thanh Vân cho biết, từ mẫu giáo, trẻ "vượt vũ môn" lên lớp 1, tất cả mọi thứ thay đổi khiến tâm lý của trẻ không còn như trước. Điều này đòi hỏi phụ huynh phải nắm bắt để giúp con hoà nhập.

Cha mẹ cần tìm hiểu tâm lý và giúp đỡ, động viên trẻ để con làm quen với môi trường mới khi vào lớp 1. Trong ảnh là hai mẹ con cùng chơi trò chơi gắn kết trong Ngày hội cùng con đến trường ở trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ảnh: HT.
42% phụ huynh không nắm được thay đổi tâm sinh lý của con
Theo bà Vân, từ môi trường mẫu giáo chơi là chính, lên lớp 1 trẻ phải ngồi học nghiêm túc từ 30 đến 45 phút; phải động não, quan sát, tư duy, ghi nhớ, rèn luyện kỹ năng ghi chép, ghép vần. Trẻ cũng không được cô giáo quan tâm nhiều như thời mẫu giáo, do đó các suy nghĩ tiêu cực dễ nảy sinh.
Trong giai đoạn trẻ gặp nhiều khó khăn này, một tỷ lệ rất lớn cha mẹ tỏ ra lúng túng. Số liệu điều tra xã hội học cho thấy phần lớn phụ huynh rất lo lắng, 42% không nắm được những thay đổi tâm sinh lý của con, 11% chưa hiểu con cần gì để chuẩn bị, và một bộ phận không nhỏ tạo cho trẻ nhiều kỳ vọng tuyệt vời về môi trường mới.
"Từ thực tế trên, nhiều trẻ không được chuẩn bị tâm lý trước khi đi học nên khi vào lớp một mọi thứ không như kỳ vọng của chúng, dẫn đến tâm lý chán nản, sợ đi học, bị rối nhiễu tâm lý, chống đối, bướng bỉnh, có thể trầm cảm và thiếu tự tin", thạc sĩ Vân cho hay.
Rèn tính tự lập, yêu thích học tập cho trẻ
Điều cần rèn nhất cho trẻ trước khi vào lớp 1, theo thạc sĩ Vân, là khả năng tự lập, yêu thích học tập, yêu thích trường học và thầy cô. Để làm được điều này, vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, phụ huynh phải dạy con cách tập trung lắng nghe, tự tin, mạnh dạn phát biểu và xử lý xung đột với bạn đúng cách.
"Bố mẹ cần dành nhiều thời gian nói chuyện với con, tỉ tê, chuẩn bị cho con tâm lý khi đến học ở môi trường mới, đặc biết chú ý hỏi han và động viên khi trẻ đi học về. Có rất nhiều trường hợp phụ huynh mất kiên nhẫn, cáu giận khi trẻ bị điểm kém, cách ứng xử này dễ làm trẻ mất tinh thần, chán nản", chị Vân khẳng định.
Không cáu giận khi con bị điểm kém
Theo chị Vân, mỗi lần con bị điểm kém, cha mẹ hãy cho trẻ tự ghi vào sổ 2 câu hỏi: Lý do nào khiến con được điểm kém? Bài học con rút ra khi được điểm kém? Chị Vân lưu ý, dùng từ "được" chứ không phải "bị" để giúp trẻ cách nhìn vấn đề tích cực. Điều này rất quan trọng, giúp trẻ có thể tự mình lớn lên và không chán nản khi gặp thất bại.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy đưa con đến trường, nói chuyện với các anh chị lớp trên để con hiểu hơn về trường tiểu học. Phụ huynh cũng có thể giao cho trẻ làm những việc nhỏ tại nhà, nhưng lưu ý, phải để cho con làm từ đầu đến khi hoàn thành công việc, không bỏ dở giữa chừng. Điều này tạo cho trẻ thói quen tự lập.
Một góc học tập đẹp mắt ở nhà cũng là việc mà cha mẹ nên làm, giúp trẻ thích thú với việc ngồi vào bàn học. Cần khích lệ trẻ thường xuyên, lắng nghe trẻ nói, cho trẻ tự tạo thời gian biểu học tập, vui chơi và nghiêm túc thực hiện thời gian biểu ấy.
"Cha mẹ cũng cần biết cách lắng nghe, nhưng lưu ý, trước những vấn đề của trẻ không nên đưa ngay ra giải pháp mà dẫn dắt để trẻ tự tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình", chị Vân nhấn mạnh.
Cùng với giáo viên giúp con làm quen với con số, chữ cái
Chuyên gia tâm lý Thanh Vân cũng nhắn nhủ, phụ huynh cần hợp tác với giáo viên để biết cách dạy trẻ làm quen với các con số, chữ cái.
Một phương châm mà cha mẹ cần nhớ là "thích học quan trọng hơn kết quả học" bởi vì kết quả học cao nhất chính là sự tiến bộ, sự trưởng thành của trẻ mỗi ngày. Thực tế, một số hành vi của trẻ độ tuổi lớp 1 khiến các phụ huynh lo lắng như: lười học, kém tập trung, nhút nhát, khó thích nghi, hay nổi cáu, mải chơi, không nghe lời…
"Tất cả biểu hiện trên đây thực chất đều có ở cả người lớn. Phụ huynh cần lưu ý, đó là hành vi, không phải nhân cách", chị Vân nhấn mạnh, cho rằng, các bậc cha mẹ vẫn thường hay lẫn lộn hai khái niệm này. Chị ví dụ, khi con không sắp xếp đồ chơi ngăn nắp, cha mẹ thường mắng "sao con bừa bộn thế! Sao con lười thế", mà ít nói "con để đồ chơi chưa đúng chỗ, con nên sắp xếp lại cho gọn gàng hơn".
Theo chị, nếu khi còn nhỏ, trẻ nghe nhiều những lời trách mắng của cha mẹ như lười, bừa bộn, khó bảo…, dần dần sẽ hình thành trong trẻ suy nghĩ mình là đưa trẻ lười, bừa bộn, khó bảo. Có thể liên tưởng đến câu chuyện: Một con voi từ nhỏ đã bị xích lại bằng xích sắt. Nó mất rất nhiều thời gian để phá dây xích nhưng không thành công. Dần dần, trong đầu con voi hình thành suy nghĩ: Sợi dây xích quá lớn so với khả năng của nó.
"Khi con voi trưởng thành, trở thành chú voi to lớn, hoàn toàn có thể dùng sức giật tung sợi xích, nhưng nó không bao giờ làm việc này, chính vì suy nghĩ đã in trong đầu từ lúc bé: Việc này nằm ngoài khả năng. Từ đây, cần rút ra bài học đầu tiên là đừng bao giờ gắn hành vi với nhân cách của trẻ", nữ chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.
Hoàng Thuỳ