Người gửi: Lê Thanh Phương Nghi,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: phản hồi bài viết của Tố Nga.
Tôi hôm nay lên đọc báo VnExpress, sau khi đọc nhiều bài viết về cuộc thi hoa hậu VN 2004, tôi cảm thấy khá bất bình với bài viết của chị Tố Nga, nên cũng muốn bày tỏ vài điều
Trước hết tôi xin chúc mừng tân hoa hậu Nguyễn Thị Huyền (NTH), cô rất xứng đáng với danh hiệu này. Và tôi cũng xin chúc mừng ban tổ chức đã đem đến cho khán giả một cuộc thi hoành tráng và lộng lẫy.
Trong cuộc thi hoa hậu vừa rồi, tất cả câu hỏi thi ứng xử đều mở, và khi mà câu trả lời phải được đưa ra ngay sau khi đọc câu hỏi xong thì chị sẽ làm thế nào để bao quát hết nội dung cần trả lời trong vỏn vẹn vài phút mà tất cả mọi người đều hài lòng? Trả lời cho một câu hỏi mở, qua đó người xem có thể phần nào biết được sự hiểu biết của một người đến đâu. Hơn nữa trong thời gian ngắn ngủi chị phải bao quát hết vấn đề cho một câu hỏi mở quả là không dễ dàng. Vì vậy chị đừng cho rằng câu trả lời của Trịnh Chân Trân (TCT) là lạc đề.
Chị đã viết: “Về phần thí sinh Trịnh Chân Trân, tôi không cho rằng cô có đủ điều kiện là một á hậu, không phải vì cô "già" so với các thí sinh khác hay ở nước ngoài quá lâu. Cái chính là những gì cô tỏ ra không đủ để chứng minh, cô là một thạc sĩ có năng lực. Thạc sĩ, cũng có rất nhiều cấp, giống như sinh viên đại học, có những người là sinh viên ưu tú, có những sáng kiến giá trị ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nhưng cũng có những người mà chúng ta thường nói "hai ba cũng qua đại học".
Trước hết, chị đã nhầm lẫn, đây là cuộc thi hoa hậu chứ không phải cuộc thi học sinh giỏi, bằng cấp hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến kết quả cuộc thi, và bằng chứng là sự lên ngôi của hoa hậu Nguyễn Thị Huyền. Thứ hai nữa là, danh hiệu á hậu dành cho Trịnh Chân Trân là sự đánh giá và nhận xét của cả một hội đồng ban giám khảo, chị cho rằng BGK chấm sai hay là thiên vị? Vậy xin hỏi chị tiêu chuẩn hoa hậu của chị là như thế nào? Khi nhận xét một người đẹp, chín người mười ý, có người thì nói rằng hoa hậu 2004 đẹp, có người thì nói không xứng đáng. Nếu chị cho rằng Chân Trân không đẹp hoặc không đủ “năng lực” để làm Á hậu thì tôi xin nhắc lại cho chị nhớ, trước khi tham gia cuộc thi này, Chân Trân đã làm người mẫu ở Nhật Bản và Hong Kong, nếu những người có con mắt nghệ thuật không nhìn thấy cái đẹp của Chân Trân, họ bỏ tiền ra mướn làm gì? Còn về trình độ học vấn, Chân Trân đã có bằng thạc sĩ, chứng tỏ rằng cô ấy có một trình độ tối thiểu nào đó. Tóm lại, BGK đã chấm cho Chân Trân làm á hậu vì họ nhìn ra được điều gì đó từ Trân. Hay là chị cho rằng con mắt của chị có thẩm mỹ hơn BGK?
Tôi không biết chị có từng ngồi trong ghế ban giám khảo của một hội đồng chấm thi thạc sĩ nào hay chưa mà nói rằng Chân Trân không có năng lực của một thạc sĩ? Không thể nhận xét hết về một người chỉ qua một câu trả lời, huống hồ câu trả lời của Chân Trân không phải là tồi. Xin hỏi chị như thế nào là một thạc sĩ có năng lực? Xin hỏi chị Nga đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay cao hơn thế chưa? Chẳng lẽ chị có thể đánh giá một người bằng cách nhìn họ và nghe họ nói một vài câu là đủ? (Như vậy chị là bác sĩ tâm lý hay là thầy bói?). Trình độ học thức của một người chỉ là tương đối, một người bác sĩ không nhất thiết phải giỏi về kinh doanh, một tiến sĩ kinh tế không nhất thiết phải giỏi về văn học. Đây là cuộc thi hoa hậu, chứ không phải là công việc hay nghề nghiệp của các thí sinh dự thi, vì vậy chị đừng cho rằng “những gì cô tỏ ra không đủ để chứng minh, cô là một thạc sĩ có năng lực”.
Hơn nữa chị hiểu biết về hệ thống giáo duc nước ngoài được bao nhiêu mà cho rằng: “hai ba cũng qua đại học”? (Trịnh Chân Trân tốt nghiệp đại học ở Singapore và làm luận án thạc sĩ ở Anh Quốc) hay là chị đang chê nền giáo dục Việt Nam? Chị hãy hỏi những vị thạc sĩ ở Việt Nam coi có ai “hai ba cũng qua đại học” không? Tôi không biết chị Tố Nga lấy câu nói đó ở đâu? Từ kinh nghiệm của bản thân hay từ những người mà chị quen biết?
Chị còn giải thích: “Chúng ta không nên nghĩ rằng, cứ thạc sĩ là sẽ hiểu biết hơn sinh viên đại học, bởi cuộc sống dạy cho chúng ta nhiều hơn so với tất cả những gì chúng ta học được ở trong trường học, những người biết hấp thụ những bài học mà cuộc sống đem lại sẽ là người hiểu biết hơn”.
Khoan hãy nói về bằng cấp, xét về tuổi đời thì Trịnh Chân Trân cũng lớn tuổi hơn Nguyễn Thị Huyền, lại đi ra nhiều hơn, kinh nghiệm cuộc sống nhiều hơn Huyền là điều đương nhiên. Vì vậy không có gì lạ, nếu cho rằng Trân hiểu biết hơn. Chính vì thế mà chúng ta tự hào khi một hoa hậu ở tuổi 19 có thể trả lời một cách xuất sắc như vậy.
Nhưng có lẽ chị Tố Nga đây mới là người hiểu biết hơn cả khi phát biểu: “Có nhiều người cho rằng câu hỏi dành cho thí sinh Trịnh Chân Trân khó hơn cho Hoa hậu, tôi lại cho là ngược lại. Vấn đề mà thí sinh Trịnh Chân Trân cần trả lời là một vấn đề thời sự, nghe ra có vẻ to tát, xong lại rất dễ trả lời, vì mọi từ ngữ đã được "biên soạn" sẵn trong các bản tin thời sự, các bài báo hằng ngày rồi. Chỉ cần bạn bật tivi lên trong lúc tranh thủ làm một việc gì đó, bạn cũng có thể bắt gặp được rất nhiều ý có thể trả lời cho câu hỏi này.”
Tôi không muốn bình luận về phần này, vì dễ hay khó thì tùy vào mỗi người. Nhưng điều tôi muốn nói là: ai cũng có thể mở Tivi lên để coi, ai cũng có thế đọc báo hằng ngày nhưng vận dụng nó cho hiệu quả mới đáng khen ngợi. Có lẽ chị Tố Nga làm việc cho đài truyền hình, chuyên mục bình luận thời sự nên biết rõ là những từ ngữ được “biên soạn” sẵn như thế nào?
Trên đây là một chút ý kiến của tôi về bài viết của chị Tố Nga.
Cuối cùng, tôi hoàn toàn đồng tình với đánh giá của BGK về việc chọn Nguyễn Thị Huyền làm hoa hậu, riêng tôi thì tôi yêu thích cả Trân và Huyền. Nói như bạn Thúy Hằng, tiếc rằng "Trời đã sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng".