Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống rất trăn trở trước con số mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị tai nạn giao thông, trong đó quá nửa không đội mũ bảo hiểm.
"Tại sao có những phụ huynh trang bị đầy đủ mũ bảo hiểm, kính mắt, áo chống nắng... cho mình mà để con đầu trần? Khi ngã xe, phụ huynh có thể chống chân, đỡ tay để giảm thiểu va đập, nhưng con trẻ thì sao? Nếu không có mũ bảo hiểm, con có thể bị va đập vùng đầu dẫn đến thương tích cao. Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ vừa đảm bảo an toàn tính mạng mà còn giúp học sinh có ý thức chấp hành luật pháp. Đây là việc làm nhân văn, cần thực hiện", ông Thống nói.
Thực hiện nghiêm quy định về đội mũ bảo hiểm, ông Thống cho biết, Sở Giáo dục Hà Nội đã thông báo đến tất cả trường phổ thông trên địa bàn để tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh. Sở đề nghị các trường bố trí địa kiểm, nơi treo, giữ mũ bảo hiểm, tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh thực hiện quy định về an toàn giao thông.
Với học sinh vi phạm, bị công an thông báo về trường, Sở Giáo dục Hà Nội đề ra hình thức xử lý như sau: Tuỳ mức độ sẽ phê bình trước lớp, trường (vi phạm lần 1) đến viết kiểm điểm, gọi phụ huynh lên trao đổi (lần 2) và tái phạm nhiều lần sẽ hạ hạnh kiểm một tháng, một kỳ. Trường nào để công an thông báo có nhiều học sinh vi phạm sẽ bị đánh giá thi đua.
Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội cho rằng, để phụ huynh đồng loạt chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không thể ngày một ngày hai mà cần tuyên truyền thuyết phục, cũng không thể kỳ vọng ngày mai (10/4) khi cảnh sát giao thông đồng loạt xử lý thì 100% phụ huynh, học sinh chấp hành ngay.
Quy định về xử lý học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của Sở Giáo dục Hà Nội nhận được sự ủng hộ từ cả phụ huynh lẫn học sinh. Chị Thu Hương (có con học tại tiểu học Khương Thượng, Hà Nội) cho biết, rất bức xúc khi thấy có nhiều học sinh cấp 3 hoặc một số phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con. "Tất cả vì sự an toàn của trẻ nên hình thức xử lý nặng một chút mới có tính răn đe cả học sinh lẫn bậc cha mẹ", chị Hương nói.
Trần Ngân Hà (THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ đầu tuần (6/4) đã được trường thông báo quy định đội mũ bảo hiểm trên đường đến trường kèm hình thức xử phạt: phê bình, kiểm điểm, hạ hạnh kiểm. "Hình thức hạ hạnh kiểm có thể khá nặng, nhưng chúng em đều thấy hợp lý bởi như thế mới khiến mọi người không vi phạm. Cả lớp em đều ủng hộ quy định này. Riêng em còn thích đội mũ bảo hiểm vì nhờ nó mà tóc không bị gió thổi rối tung", Ngân Hà dí dỏm nói.
Số ít phụ huynh thì cho rằng, với học sinh tiểu học, việc hạ hạnh kiểm hay chỉ đơn giản là phê bình trước toàn trường là quá nặng. "Hôm trước tôi quên không đội mũ bảo hiểm cho con. Dù biết mình có lỗi, nhưng khi nghe cô giáo thông báo con sẽ bị đứng dưới cờ để nhà trường nhắc nhở, tôi thấy rất phản cảm và có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Lỗi của bố mẹ mà con bị xử lý, xót xa quá", một phụ huynh cho biết.
Từ 10/4, cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ đồng loạt xử lý phụ huynh, học sinh không đội mũ bảo hiểm. Trẻ 6 tuổi trở lên, nếu không đội mũ bảo hiểm sẽ bị nhắc nhở, bất kỳ ai chở các em cũng bị xử lý và phải chịu trách nhiệm nộp phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Quỳnh Trang