-
15h19
Con đường của các nhà khoa học sẽ không cô đơn
Để chuyển từ kết quả nghiên cứu khoa học thành sản phẩm ra thị trường cần có sự hợp tác, liên kết giữa chặt chẽ giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp và cả nhà đầu tư. Về phía doanh nghiệp, Tiến sĩ Trịnh Hòa cho biết, để phát triển các dự án nghiên cứu, đồng thời thu hút nhân sự đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học trẻ, doanh nghiệp cần đưa ra nhiều chính sách, trong đó quan trọng nhất vẫn là vai trò của nhà nước, khối công, khối tư...
"Vai trò đầu tiên là vai trò nhà nước trong việc tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, có thể thông qua các cuộc thi hay Bộ giới thiệu khách hàng trong ngoài nước cho doanh nghiệp", TS Trịnh Hòa nói.
Cũng theo nữ tiến sĩ, với doanh nghiệp khoa học công nghệ thì đầu tư vào công nghệ IT cũng rất quan trọng. Với kinh nghiệm của Buyo, công ty sử dụng nhân sự IT thuần việt.
Chia sẻ thêm về chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Bùi Xuân Hương - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank cho biết đến thời điểm hiện tại, mạng lưới của HDBank phủ rộng 63 tỉnh thành, định hướng trở thành ngân hàng, phục vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hàng đầu, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp.
"Chúng tôi liên tục đổi mới, cả về công nghệ sao cho rút ngắn thời gian giao dịch. Ngoài ra có những sản phẩm riêng có cho từng nhóm ngành nghề, như điện mặt trời áp mái, hay nông nghiệp nông thôn, chăn nuôi, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh...".
Năm vừa qua, ngân hàng cũng đã nới lỏng cho vay, dành room khoảng 50.000 tỷ đồng phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ. hiện giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng; lãi suất thì từ 6/2023 cũng giảm từ 0,5 đến 2,5%.
Trong tầm nhìn định hướng xanh, doanh nghiệp có nhiều ưu đãi về lãi suất và nhận được những hợp đồng tài trợ từ các tổ chức tài chính xanh lên đến hơn 700 triệu USD. Ngân hàng đã dành những nguồn này cho khách hàng vừa và nhỏ, có định hướng xanh.
"Nếu chúng ta mong muốn điều gì đó thì cứ làm, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân", kỹ sư Lương Văn Trường - Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương nói thêm.
Còn theo PGS.TS Mai Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Công nghệ, tinh thần khởi nghiệp hừng hực trong trái tim và "hành trình vạn dặm cũng phải có những bước đi chắc chắn". Nhà khoa học tin rằng với hỗ trợ ngày càng tốt của nhà nước, con đường của các nhà khoa học không cô đơn, những ý tưởng sáng tạo, đóng góp sẽ dẫn đến thành công trong tương lai.
-
15h13
'Quy trình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn'
Thực thực tế, nhiều đề tài nghiên cứu được cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích. Nhưng sau khi hoàn thành và nghiệm thu, đề tài bị dừng lại do nhà khoa học phải bàn giao cho cơ quan quản lý. Trong khi đó ở một số nước trên thế giới, đề tài nghiên cứu sau khi hoàn thành, nhà khoa học được phát triển kinh doanh. Tức là khi nghiên cứu thành công, họ có cơ chế thuận lợi để thành lập doanh nghiệp và bán sản phẩm. Với cơ chế này, các bằng sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học có cơ hội phát triển thành các sản phẩm thương mại hóa một cách nhanh chóng.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Mai Anh Tuấn cho biết, đang có sự dịch chuyển của nền khoa học công nghệ tại Việt Nam gần đây; có sự tích lũy nghiên cứu từ cơ bản và sau đó được ứng dụng. Tuy nhiên, rất khó để chuyển giao một sáng chế cho bên liên quan. Một trong những khó khăn trong quá trình thương mại hóa sản phẩm là quy trình. Theo ông, thực tế, trên giấy không có nhiều bước nhưng để đưa ra thị trường phải mất từ 6 tháng tới một năm. Bởi việc xác định tài sản công rất phức tạp. Điều này là nguyên nhân khiến các sáng chế chậm được đưa ra ngoài.
Để thực hiện thương mại hóa, các nhà khoa học cần chứng minh đội ngũ đi cùng mình đủ năng lực để các nhà đầu tư sẵn sàng cùng đồng hành. Các nhà khoa học cũng cần xác định được những giải pháp hữu ích không trùng với cái cũ. Các giải pháp này cần đưa ra sản phẩm có thể thương mại hóa được. Họ phải chọn giải pháp đáp ứng được nhu cầu của xã hội hoặc cải tiến khâu nào đó trong sản xuất và đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.
-
15h10
'Doanh nghiệp cần có chỗ đứng trên thị trường'
Với 30 năm kinh nghiệm trên thị trường với các doanh nghiệp startup, ông Bùi Xuân Hương - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn thứ nhất về tài chính, thứ hai là kinh nghiệm bán hàng.
"Điều kiện cần là ý tưởng đó phải được cụ thể hoá bằng việc vận hành doanh nghiệp, chứng minh được cho ngân hàng thấy có tiềm năng đưa lại doanh thu và trả nợ. Song song đó dự án cần đáp ứng tiêu chí ESG: sử dụng lao động phải tuân thủ điều kiện bảo vệ môi trường", đại diện HDBank nói.
Ông Hương bày tỏ sự ấn tượng với 2 startup tại sự kiện vì họ đều mới nhưng đã đi đúng hướng ESG, phù hợp "khẩu vị" của nhà băng. Hiện tại, nhà băng này đang hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ đào tạo huấn luyện kinh nghiệm thị trường, kinh nghiệm quản trị...
Đại diện startup, TS. Trịnh Thị Hòa, đồng sáng lập Công ty Nhựa sinh học Buyo cho rằng điều kiện cần là startup cần giải quyết các vấn đề có tính tác động ESG (môi trường - xã hội và quản trị). Như động lực của Buyo là tận dụng cơ hội kinh doanh mảng vật liệu nhựa mới, giải quyết vấn đề xã hội.
Điều kiện đủ liên quan con người, trong đó nguồn nhân lực phải đủ mạnh, tri thức phải mạnh. "Về độ tuổi chúng tôi không còn trẻ nhưng có sự nghiệp cá nhân tương đối thành công, có uy tín huy động những người giỏi, đưa sản phẩm khoa học công nghệ ra môi trường. Ngoài ra doanh nghiệp có thành viên cộng tác giúp tiếp cận mở rộng thị trường", bà Hoài nói.
Theo bà, doanh nghiệp nên có chỗ đứng trên thế giới, chiến thắng trên quốc tế chứ không chỉ sân nhà. "Buyo đi theo ngách hẹp và mới, song chúng tôi tự tin phấn đấu thành doanh nghiệp đi đầu trong cung cấp vật liệu mới. Theo tôi, các bạn trẻ có thể tham gia các giải thưởng, vườn ươm khởi nghiệp, sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm", TS Hoà nói.
-
15h00
Chia sẻ về quá trình đưa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm ra thị trường, PGS.TS Mai Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết những ý tưởng được nung nấu tại giảng đường tới khi thực hiện và đưa ra sản phẩm sẽ gặp nhiều gian truân, đặc biết là ở khâu thủ tục. Trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều cố gắng để gỡ rối vấn đề này như việc thông qua các quỹ để đưa sản phẩm ra thị trường. Đây là bước đột phá giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Hiện nay, sự trầm lắng của nền kinh tế khiến kinh phí dành cho các start-up trầm lắng nhưng điều đó không có nghĩa là tinh thần nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học hay tại các trường đại học giảm. Nhưng để có thể làm cho nó "nóng" trở lại cần có sức khỏe và nguồn lực.
Về phía các nhà khoa học, kỹ sư Lương Văn Trường - Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương chia sẻ thêm về những thuận lợi và khó khăn mà các nhà khoa học thường xuyên gặp phải trong quá trình khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu. Từ góc độ cá nhân, kỹ sư Trường cho rằng, một nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu ra một sản phẩm nhưng thương mại hóa được sản phẩm lại là câu chuyện khác. Kinh doanh không phải chỉ có sản phẩm mà cần nhiều thứ khách như marketing, quản trị, nhân sự. Vì vậy bên cạnh thuận lợi là hiểu rõ về sản phẩm, thì để khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu, nhà khoa học cần tìm hiểu rất nhiều yếu tố khác.
-
14h55
Nhà khoa học và doanh nghiệp tìm cách thương mại hoá sản phẩm
Phần hai của chương trình là tọa đàm "Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khới nghiệp từ kết quả nghiên cứu". Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS Mai Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Bùi Xuân Hương - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank; TS Trịnh Hòa - Đồng sáng lập Công ty nhựa sinh học Buyo; kỹ sư Lương Văn Trường - Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương.
-
14h50
Thách thức khi ngân hàng theo đuổi chiến lược bền vững
Ông Bùi Xuân Hương - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cho rằng, kinh tế xanh kiến tạo không gian phát triển bền vững. Việc phục hồi tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng Covid-19 theo hướng xanh hóa đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới, trở thành một ưu tiên trong định hướng phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chọn lựa xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng, phục hồi xanh - phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho phát triển nhanh, bền vững.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt ngay trước thềm COP26 đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và hành động khí hậu, tiếp tục được khẳng định bằng cam kết về phát thải ròng bằng "0" của Thủ tướng tại Glasgow tháng 11/2022.
Có nhiều khó khăn, thách thức, song theo đại diện nhà băng, việc theo đuổi mục tiêu PTR0 sẽ tạo động lực chuyển đổi (chuyển đổi xanh) các ngành, các doanh nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ mới và sạch; đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, quy trình, tổ chức - mô hình quản lý, sản xuất; mở thị trường mới, cấu trúc lại thị trường ngành, triển khai các hoạt động marketing mới.
Tuy nhiên, ông Hương cho rằng thách thức với chuyển đổi xanh là nguồn vốn. Bởi theo WB, đến 2040, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để đạt Net Zero. Đến 31/12/2023, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 620.984 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (theo Ngân hàng Nhà nước).
Ngoài ra, thách thức lớn về năng lực đổi mới còn là: hạ tầng và các điều kiện sản xuất, các mô hình hoạt động kinh doanh truyền thống, đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin.
"Quá trình chuyển đổi cần thời gian và sự quyết tâm của doanh nghiệp, vì không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành", đại diện nhà băng nói.
Đại diện nhà băng cũng chia sẻ cơ hội từ chuyển đổi xanh:
Thứ nhất, tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi: Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới như ADB, IFC, DEG, cùng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh.
Thứ hai, giảm thiểu chi phí trong tương lai khi thực thi các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững.
Thứ ba, thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp.
Thứ tư, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và năng suất lao động, nâng cao các chuẩn mực quản trị điều hành.
"Tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, đặc biệt các thị trường yêu cầu có chứng chỉ xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động", đại diện HDBank nói.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, cùng các Chương trình hành động. Do đó, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng thương mại phải xây dựng quy định về quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đẩy mạnh hoạt động cấp tín dụng xanh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước định hướng mục tiêu đến cuối 2025, tỷ trọng tín dụng Xanh trong nền kinh tế đạt 10% từ khoảng 4,5% hiện nay.
Trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại vẫn thường được nhìn nhận ở vai trò cung ứng vốn và các dịch vụ tài chính. Đồng thời, vai trò thẩm định và tư vấn cũng rất quan trọng, bởi qua đó ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá rõ hơn định hướng và hướng tới nắm bắt tốt hơn những cơ hội kinh doanh.
Thứ nhất, cơ hội tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có các cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để tăng cung nguồn vốn ưu đãi cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ thương mại trong lĩnh vực này.
Thứ hai, chính chuyển đổi xanh giúp các doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí trong tương lai qua kiểm soát và thực thi các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững.
Thứ ba, đáp ứng được các chuẩn mực xanh, cơ hội trực tiếp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi mở rộng hơn và chủ động hơn, thu hút nguồn đầu tư gián tiếp. Cũng lưu ý rằng, tiêu chuẩn xanh không chỉ trong sản xuất và thương mại, mà còn là điểm cộng trong thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào doanh nghiệp, cũng như đối với nền kinh tế.
Thứ tư, chuyển đổi xanh tạo cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và chất lượng lao động, các chuẩn mực quản trị điều hành; qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh, hội nhập và mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây là những cơ hội thay đổi về chất, giá trị nền tảng cho phát triển bền vững.
Thời gian qua, HDBank chú trọng chuyển đổi xanh và thực thi các chuẩn mực ESG
HDBank đã sớm xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh toàn diện và phát triển bền vững. Năm 2019, HDBank là ngân hàng duy nhất trong các ngân hàng thành viên trên toàn cầu của Chương trình TFP được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trao giải thưởng Ngân hàng Xanh - "Green Deal Award"
Nhà băng chú trọng thực thi ESG, phát hành báo cáo Phát triển bền vững, được The Asian Banking and Finance (ABF) vinh danh là ngân hàng bán lẻ duy nhất tại châu Á và khu vực Trung Đông ở hạng mục "Ngân hàng có nhiều hoạt động về phát triển bền vững nhất năm 2023".
Nguồn vốn tín dụng xanh từ định chế tài chính phát triển (DFIs) bao gồm:
Proparco cấp tín dụng xanh cho HDBank 100 triệu USD, kỳ vọng đến năm 2025 đạt 200 triệu USD. IFC đã giải ngân khoản vay tín dụng xanh là 70 triệu USD, kỳ vọng tổng quy mô cấp tín dụng hơn 200 triệu USD đến năm 2025. Với ADB, quy mô cấp tín dụng cho HDBank là 150 triệu USD cho các giao dịch tài trợ thương mại thông qua ESMS. Mục tiêu mở rộng khoản tài trợ xanh tổng cộng trên 100 triệu USD.
Ngoài ra, HDBank đang trao đổi tài trợ tín dụng, trái phiếu xanh với các định chế tài chính DFC (Mỹ), BII (Anh), AIIB...
Định hướng phát triển tài chính xanh của HDBank là tiếp tục phát triển sản phẩm tín dụng xanh: điện mặt trời, điện áp mái, điện gió thông qua việc cải thiện sản phẩm phù hợp với thị trường.
Bên cạnh đó, nhà băng mở rộng phát triển sản phẩm tín dụng xanh trong các lĩnh vực: thay đổi phương thức giao thông đô thị: xe điện hay phương tiện vận tải công cộng bằng xe điện; hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu công nghiệp, khu thương mại và dân cư bằng việc lắp đặt thiết bị hiệu quả hơn, giảm thất thoát nhiệt; nông lâm ngư nghiệp và sử dụng đất: các dự án nông nghiệp không làm cạn kiệt trữ lượng carbon.
HDBank cũng chú trọng nghiên cứu và tài trợ các dự án tạo ra giá trị chuyển đổi thành chứng chỉ carbon phục vụ cam kết quốc gia đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. HDBank sẽ phát hành trái phiếu xanh, cấp vốn xanh điều hướng dòng vốn đến các dự án giảm phát thải, tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp xanh. Nhà băng hướng tới mục tiêu trở thành một trong những "ngân hàng xanh" hàng đầu ở Việt Nam trong những năm tới.
-
14h45
Kỹ sư trẻ với sáng kiến từ tuổi thơ gắn với cây lúa
Kỹ sư Lương Văn Trường - Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương có phần chia sẻ về quá trình nghiên cứu và sáng chế ra giải pháp sản xuất hạt giống nảy mầm sẵn.
Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, tuổi thơ gắn liền với cây lúa, thấu hiểu được vất vả của người nông dân, anh Trường luôn ấp ủ giấc mơ, tìm kiếm giải pháp giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí, nhân công và giảm giá thành trong việc canh tác. Năm 2007 vị kỹ sư trẻ bắt tay nghiên cứu.
Theo anh Trường, thời điểm mới bắt đầu, mọi thứ khá thuận lợi vì quy mô nhỏ (7 ha), lợi nhuận một mùa vụ bằng lương anh làm nhà nước một năm. "Tuy nhiên, khi quy mô lớn thì bắt đầu có phát sinh, rủi ro lớn nhất là thiên tai", kỹ sư nói.
Bước ngoặt quan trọng là năm 2018, mưa liên tục trong 22 ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuống lúa. Cụ thể, lúa xuống đến đâu chết đến đó, toàn bộ mùa vụ thất bại. Trong quá trình đó, anh Trường nhận ra có những hạt giống để lâu nhưng nếu có điều kiện thuận lợi vẫn hồi sinh bình thường. Từ phát hiện đó, anh tiến hành nghiên cứu ra hạt giống nảy mầm sẵn. Giải pháp của vị kỹ sư đã giúp người nông dân không cần ngâm ủ hạt giống, hạt nảy mầm sau 30 phút; hạt khô, bền vật lý, dễ sử dụng cho các máy gieo công suất lớn; áp dụng được cho nhiều loại hạt giống khác nhau, đặc biệt chi phí sản xuất thấp. Với nhiều ưu điểm, giải pháp nhận giải Ba cuộc thi Sáng kiến Khoa học năm 2023.
Hiện giải pháp đến với người nông dân trên nhiều tỉnh thành: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Sơn La, Hải Dương... Thậm chí đã có đơn vị quốc tế đàm phán chuyển giao công nghệ, như Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Indonesia.
-
14h30
'Sáng chế sản phẩm thay thế nhựa từ rác hữu cơ'
TS. Trịnh Thị Hòa, đồng sáng lập Công ty Nhựa sinh học Buyo trình bày tham luận với chủ đề "Khởi nghiệp sáng tạo công nghệ: Bài học từ Buyo". Bà cho biết rác thải nhựa là vấn đề môi trường toàn cầu. Những năm gần đây, VIệt Nam là một trong những nơi phát thải nhựa nhiều nhất trên thế giới.
Trước khi thành lập công ty vào tháng 9/2022, TS Hòa cùng các cộng sự tại Buyo đã có nhiều nghiên cữu về sản phẩm thay thế nhựa. Việt Nam được biết đến là nơi giàu nguyên liệu hữu cơ và đội ngũ của công ty đã tận dụng điều này để tìm ra sản phẩm thay thế nhựa từ rác hữu cơ (nguồn gốc từ sản xuất thực phẩm, đồ uống như bã bia, phế phẩm (rác hữu cơ), hoàn toàn không chứa nhựa, an toàn cho sức khỏe.
Trong quá trình sản xuất, đơn vị cũng ưu tiên về tuần hoàn nhiên liệu, tuyệt đối không xả rác thải ra ngoài, giúp bảo vệ môi trường và hướng tới phát thải bằng 0. Giá thành hiện nay đối với nhựa sinh học không thể như nhựa thông thường nhưng đã được thương mại hóa để không quá đắt đỏ. Công nghệ này đã nhận được nhiều giải thưởng từ cộng đồng khoa học cũng như thị trường đối với sản phẩm. Nhà máy Buyo đang ở TP HCM. Về gọi vốn, trong năm nay, trong hai năm qua, doanh nghiệp thu hút 800.000 USD của các nhà đầu tư quốc tế.
Trong tương lai, doanh nghiệp mong muốn đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích vật liệu mới thay thế nhựa tương tự như khuyến khích nhựa tái chế, ưu tiên phát triển doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn.
-
14h15
'Việt Nam sẽ có nhiều nhà khoa học trẻ thành công'
Phát biểu chào mừng hội nghị, Thứ trưởng Giang cho biết, ông cảm nhận được sự nhiệt huyết, đam mê cống hiến những người trẻ trong không khí ngày hội của những người làm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sự kiện có 2 hoạt động: Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2024 và Lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024. Trong đó chủ đề "Nhà khoa học trẻ và khởi nghiệp sáng tạo" đang được các cơ quan quản lý quan tâm, xây dựng các chính sách tạo môi trường thuận lợi giúp người trẻ phát huy sức sáng tạo, đam mê nghiên cứu, làm ra sản phẩm thiết thực, phục vụ phát triển kinh tế và cuộc sống hàng ngày.
"Tôi kỳ vọng tại diễn đàn này các bạn sẽ chia sẻ những câu chuyện từ thực tế, nêu những bài học, khó khăn để cùng nhau nhìn nhận. Qua những trải nghiệm thực tế, các nhà khoa học, diễn giả khách mời đề xuất giải pháp, định hướng giúp quá trình nghiên cứu của nhà khoa học thuận lợi hơn, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới", ông Giang nói.
Với cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024, là năm thứ ba Báo VnExpress tổ chức cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho người yêu khoa học, công nghệ, thu hút nhà khoa học sáng tạo giải pháp và sản phẩm có giá trị ứng dụng trong cuộc sống.
Năm nay, số lượng hồ sơ gửi về nhiều hơn so với hai năm trước, đạt hơn 130 hồ sơ. Các bài dự thi trải đều các lĩnh vực y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Đặc biệt, cuộc thi năm nay có thêm hạng mục mới là vật liệu vi mạch bán dẫn.
Các tác giả có nhiều người là nhà khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học, và người dân, những em học sinh đưa ra các sáng kiến giải bài toán từ chính cuộc sống họ đang gặp phải.
Ông Giang cho biết, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua. Năm 2023, Việt Nam xếp 46/132 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Điều đó cho thấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống.
"Hội nghị các nhà khoa học trẻ và Cuộc thi Sáng kiến Khoa học không chỉ tạo diễn đàn, là nơi chia sẻ các vấn đề quan tâm mang tính thời sự, mà đây còn là sân chơi để nhà khoa học trẻ trao đổi ý kiến, giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới, những sáng tạo hữu ích tới cộng đồng", ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều chương trình, xây dựng, sửa đổi các chính sách nhằm tạo điều kiện để các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo; kích cầu công nghệ từ khu vực doanh nghiệp, tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, thành lập cơ sở R&D, doanh nghiệp khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Hiện, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) cũng có nhiều thay đổi, tạo thuận lợi hơn để các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm chủ nhiệm đề tài, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế.
"Tôi hy vọng những nỗ lực đó sẽ được chuyển hóa trong thực tế, Việt Nam sẽ có nhiều nhà khoa học trẻ thành công. Mong rằng qua các sự kiện, VnExpress thông tin nhanh nhất về các cơ chế, chính sách khoa học công nghệ, truyền cảm hứng để cộng đồng khoa học cùng sẻ chia với các bài toán lớn của đất nước", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói.
-
14h00
Tiếp nối các hoạt động của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (113 Trần Duy Hưng, Hà Nội), chiều nay (16/5), hội nghị các nhà khoa học trẻ diễn ra với chủ đề: "Nhà khoa học trẻ và khởi nghiệp sáng tạo". Đây là không gian cho các nhà khoa học chia sẻ góc nhìn về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, cách đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, tầm nhìn xanh...
Chương trình với sự tham gia của các nhà khoa học trẻ, như TS Trịnh Hòa - Đồng sáng lập Công ty nhựa sinh học Buyo, Kỹ sư Lương Văn Trường - Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương. Về phía doanh nghiệp có sự tham gia của ông Bùi Xuân Hương - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank. Sau phần tham luận, các nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ cùng chia sẻ, trò chuyện chủ đề: "Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu?", tìm giải pháp đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm ra thị trường.
Trước đó, sáng 15/5, tại Lễ chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian đi 15 gian trưng bày các ứng dụng, sản phẩm của các viện nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng khu vực ôn lại thành tựu của ngành. Ông hỏi thăm và động viên các đơn vị tham gia. Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng trong mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Theo Thủ tướng, sự quyết tâm của các nhà khoa học, sự quản lý của các lãnh đạo giúp "biến cái không thể thành có thể", "biến khó thành dễ"...
Cũng trong sáng qua, giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 đã được trao cho PGS.TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh. Hai nhà khoa học được tôn vinh vì có nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực hoá học và vật lý.
Thủ tướng: 'Khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất đạt các mục tiêu'