Chiều 16/5, cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024 do VnExpress tổ chức đã công bố và trao giải cho các tác giả thắng cuộc tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ ở Hà Nội.
Năm thứ 3 tổ chức, cuộc thi Sáng kiến Khoa học tiếp tục tìm kiếm các sản phẩm/giải pháp xuất sắc trong các lĩnh vực có tính ứng dụng rộng bao gồm: Y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường. Đặc biệt năm nay cuộc thi có thêm một lĩnh vực mới là Vật liệu vi mạch/bán dẫn. Đây là sân chơi cho những người yêu khoa học công nghệ với các ý tưởng và sản phẩm có giá trị sử dụng trong cuộc sống.
Từ chiều 15/5, một số đội thi từ các tỉnh, thành phố đã tề tựu về Hà Nội. Nhiều tác giả cho biết họ rất hồi hộp khi nhận được lời mời dự lễ trao giải của Ban tổ chức.
Phát biểu mở màn lễ trao giải, bà Bùi Thanh Vân, Thư ký tòa soạn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ sau 2 năm thực hiện, giải thưởng thực sự có ý nghĩa với các thí sinh tham gia khi nhận được góp ý tận tình từ cách triển khai đến từng bước phát triển sản phẩm ra thị trường. Bà dẫn các dự án như giải pháp Thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật bằng hệ thống cáp treo di động của thí sinh Đinh Văn Trung (Nghệ An) được giải Khuyến khích năm 2023, đã dùng tiền thưởng để thay máy bơm áp lực cao hơn, trang bị thêm chân đóng cọc gia cố cho giàn phun thuốc. Dự án giải Nhất năm 2023 - TIR lens mới cho đèn LED công suất cao của nhóm TS Nguyễn Đoàn Quốc Anh (Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM) sử dụng toàn bộ số tiền thưởng để phát triển TIR lens mới cho đèn LED chiếu sáng các tàu khai thác hải sản.
Theo bà Vân, giải thưởng là tiền đề đưa các sản phẩm nghiên cứu ra thị trường như sáng chế của kỹ sư Lương Văn Trường đã chuyển giao kỹ thuật cho 30 hộ gia đình nông nghiệp, áp dụng công nghệ này cho 400 ha diện tích trồng lúa. Sản phẩm Trà định tâm Assamica của nhóm MedTech (Đại học Bách Khoa TP HCM) nhận được lời mời cộng tác từ 3 quỹ. "Tôi nhìn thấy sự đam mê nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng dụng không giới hạn của các nhà khoa học không chuyên", bà nói.
Đại diện Ban giám khảo, PGS.TS Mai Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ấn tượng với nhiều nhà khoa học không chuyên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia, gồm cả các bác nông dân ở khu vực hẻo lánh. Bên cạnh đó là sự dịch chuyển tích cực từ các trường đại học, điều này tạo niềm tin và nhẹ gánh cho ban giám khảo, bởi nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học đều phải trải qua quá trình kiểm duyệt gắt gao. "Những ý tưởng có thể tiếp cận đến thị trường hoặc giải quyết được vấn đề nào cho cuộc sống đều là tín hiệu mừng", ông Tuấn nói.
Ông cũng mong muốn các nhóm nghiên cứu của các trường đại học trên toàn quốc tham gia tích cực hơn vào năm sau và chứng minh những sản phẩm của mình hữu ích, có thể chuyển giao được cho nền kinh tế và sản xuất.
Sau phần đánh giá của Trưởng ban giám khảo, cả hội trường đều "nín thở" trong giây phút chương trình bước vào phần công bố giải thưởng.
Hạng mục "Giải sáng kiến" được trao đầu tiên. Đây là giải dành cho các công trình nghiên cứu đặc biệt phục vụ đời sống vùng sâu, vùng xa và miền núi do quỹ HOPE trao tặng. Nhóm Thủy Sơn Năng (Quảng Nam) với sản phẩm Bếp nước ấm vùng cao đã giành chiến thắng. Bếp nước nóng đã tận dụng triệt để lượng nhiệt thừa của bếp củi để tạo nước nóng, lưu trữ và sử dụng. Sau gần 5 năm lắp đặt hệ thống tại các điểm trường, các hộ làm vườn dược liệu, hệ thống mang lại giá trị thiết thực giúp nâng cao chất lượng cuộc sống vùng núi.
Trong phần chia sẻ, anh Dương Quang Kiều, đại diện nhóm Thủy Sơn Năng xúc động, có lúc nghẹn lời, phải dừng vài giây. Anh cho biết ý tưởng bếp ấm vùng cao bắt đầu từ năm 2019 khi nhóm tác giả đến vùng núi Nam Trà My (Quảng Nam) trải nghiệm cuộc sống. Qua đó, đội ngũ cảm nhận sự khó khăn, thiếu thốn mà người vùng núi gặp phải, đặc biệt hình ảnh em nhỏ đầu trần, chân đất "ghi dấu trong tim". Ở đây, mùa đông chỉ có bếp củi, cũng là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của các thành viên. Cảm hứng đó giúp nhóm phát triển sản phẩm. "Trong quá trình triển khai, nhóm gặp nhiều khó khăn do nguồn nước vùng cao kém chất lượng, biến động theo mùa, do đó nhóm đã cố gắng tạo ra bộ lọc bếp sạch hơn để cung cấp đồng bào vùng cao", đại diện nhóm tác giả cho biết.
Ba giải khuyến khích được trao cho sáng kiến Ô cửa học tập thông minh cho học sinh mầm non miền núi, dự án của các thầy cô Trường Mầm non Hoa Sen (TP Tuyên Quang); Chẩn đoán, tiên lượng và dự đoán điều trị ung thư gan dựa vào gene F12 của nhóm: MedVNU Oncology, ThS Bùi Thị Phường cùng cộng sự tại Đại học Quốc gia TP HCM; dự án Bảng viết theo độ tuổi cho học sinh vùng khó khăn của tác giả Phạm Thu Trang.
Sản phẩm bê tông xanh truyền sáng, cường độ cao của nhóm: Bê tông Xanh - Trường Đại học Mỏ - Địa chất với 2 thành viên TS. Tăng Văn Lâm, Võ Đình Trọng, đã đoạt giải Ba. Nhóm nhà khoa học đã phát triển công nghệ tái sử dụng triệt để hơn các loại phế thải tro bay-xỉ đáy lò của nhà máy điện đột rác kết hợp với thủy tinh phế thải để chế tạo sản phẩm bê tông "xanh" truyền sáng.
Giải Nhì của cuộc thi được trao cho PGS. TS Vũ Ngọc Ánh cùng cộng sự tại trường Đại học Bách khoa TP HCM với dự án Máy nông nghiệp Airboots nhằm hỗ trợ người nông dân nâng cao hiệu suất lao động, giảm thiểu tác hại của thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác.
Phần hồi hộp nhất được cả hội trường chờ đợi đó là tên đội thi được xướng tên cho hạng mục giải Nhất. Nhóm nghiên cứu Biomass Lab, đại diện là PGS.TS Nguyễn Đình Quân trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP HCM vỡ òa khi thắng giải. Nghiên cứu 'Công nghệ chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn' của nhóm chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn (một dạng cellulose có hình thái nano cấu trúc 3D) bằng phương pháp hóa sinh kết hợp. Sản phẩm cellulose vi khuẩn là một nguyên liệu sinh học giá trị, tiềm năng có thể được tạo ra với số lượng lớn từ nguồn phế thải khổng lồ của ngành công nghiệp giấy, được ứng dụng đa dạng trong lĩnh vực nhựa sinh học, dệt may, màng lọc nano, da/gỗ nhân tạo, áo giáp chống đạn và sản xuất giấy.
Trên sân khấu nhận giải PGS.TS Nguyễn Đình Quân xúc động. Anh cho biết nghiên cứu của nhóm bắt nguồn từ một sáng kiến đơn giản nhưng phải vượt qua nhiều thử thách trong mảng kỹ thuật. Anh nhắc đến sự góp sức của các em sinh viên, đồng thời, nhóm may mắn nhận được sự hỗ trợ, động viên của Ban giám hiệu nhà trường cũng như một số đơn vị sản xuất ngành giấy. "Nhóm sẽ triển khai ứng dụng nghiên cứu này không chỉ trong ngành giấy mà còn nhiều ngành khác, tận dụng sản phẩm để tạo ra giá trị gia tăng trong ngành sản xuất cũng như nhân rộng nghiên cứu", anh nói.
Năm nay Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo không trao giải đặc biệt, lý do không có sáng kiến xuất sắc đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi. Chương trình cũng trao 3 giải khuyến khích, thay vì 2 giải như cơ cấu ban đầu.
Phát động từ tháng 12/2023, cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024 nhận được 135 hồ sơ gửi về với 124 bài thi hợp lệ bước vào vòng loại. Các bài thi đã trải qua vòng loại và bình chọn của độc giả, kết quả 30 bài thi đạt điểm bước vào chung kết. Trong số này có 7 sáng kiến được lựa chọn trao giải.
Toàn bộ tiền thưởng do Quỹ Hy vọng (Hope Foundation) tài trợ. Đây là quỹ xã hội hoạt động vì cộng đồng, không vì lợi nhuận, được vận hành bởi Báo VnExpress và Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.
Như Quỳnh
Xem diễn biến chính