Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ do Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 12/4, tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, nêu thực trạng nhiều sản phẩm, hàng hóa của người Việt bị tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Để tránh tình trạng trên, ông Chức cho rằng luật sửa đổi phải hoàn thiện thể chế, bảo đảm các tổ chức, cá nhân làm ra, sáng tạo ra sản phẩm phải đi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải tạo thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Câu chuyện quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm của Việt Nam rơi vào tay nước ngoài được đặc biệt chú ý trong năm 2021. Khi đó, gạo ST24, ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo, trong đó ST25 đã đạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines năm 2019 và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ. Tuy nhiên đến tháng 5/2021, bốn doanh nghiệp ở Mỹ đã xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này.
Tại Australia, gạo ST25 cũng đang bị một doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trường hợp doanh nghiệp Mỹ được cấp chứng nhận thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hai loại gạo này sang Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ở nước này.
![Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức phát biểu tại Hội nghị.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/12/img3268-xdch-2818-1649759584.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5-pGiEqE7jgrMZjmwvHo0Q)
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức phát biểu tại hội nghị ngày 12/4. Ảnh: Hoàng Phong
PGS Quách Sỹ Hùng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, cũng cho rằng phát triển đất nước cần có quyền lực kinh tế và quyền lực trí tuệ, trong đó quyền lực trí tuệ rất quan trọng. Sửa luật lần này cần chú trọng bảo vệ quyền lực trí tuệ đó.
Lấy ví dụ về quyền sở hữu trí tuệ lĩnh vực nghệ thuật, ông Hùng nêu thực tế nhạc sĩ thấy ca khúc của mình được biểu diễn tràn lan, không ai bảo vệ sẽ bức xúc. Vì vậy, Hội bảo vệ quyền tác giả phải được xây dựng đủ mạnh, đủ cơ sở pháp lý chắc chắn tương tự như Hội bảo vệ người tiêu dùng.
Người tham gia Hội bảo vệ quyền tác giả phải có năng lực, am hiểu pháp luật chuyên sâu để thực thi tốt nhiệm vụ; đồng thời phải có tòa án chuyên xử lý các vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, tương tự tòa án về hôn nhân và gia đình.
PGS Hùng cũng đề nghị xây dựng quy chế xử phạt nghiêm khắc những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kể cả hình sự, nhất là trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, làm tổn hại người tiêu dùng và nền sản xuất.
Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, qua 16 năm thi hành, Luật Sở hữu Trí tuệ đã phát huy vai trò quan trọng trong điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước sử dụng tài sản trí tuệ mà đang chuyển sang tạo ra tài sản trí tuệ để phục vụ tăng trưởng bền vững.
"Luật Sở hữu trí tuệ được chỉnh sửa, bổ sung hai lần vào năm 2009 và 2019, nhưng chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới sáng tạo", ông Dũng nói.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021). Dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba, khai mạc tháng 5.