Có một thời gian, Ngân hàng Nhà nước quá ưu ái cho các ngân hàng thương mại ( NHTM ): cho các ngân hàng thỏa thuận lãi suất cho vay. Từ đó, các NHTM cứ tăng lãi suất cho vay một cách vô tội vạ, khiến cho các doanh nghiệp (DN) điêu đứng.
Trước thực trạng này Ngân hàng Nhà nước mới đặt trần lãi suất huy động nhằm khống chế đầu vào của các ngân hàng với kỳ vọng các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay.
Nhưng không ngờ, các ngân hàng thương mại gây nên những biến tướng và xé rào lãi suất huy động đến mức độ không kiểm soát được, làm cho vài chục ngàn DN phải trả giấy phép kinh doanh.
Có phải bỏ trần lãi suất là chữa được thanh khoản? Thật ra, khó khăn thanh khoản của một số ngân hàng thương mại là do họ đã dùng vốn huy động ngắn hạn để đưa vào những khoản vay trung, dài hạn (BĐS, chứng khoán).
Không may, chứng khoán xuống dốc, BĐS đóng băng. Như vậy, lập luận “bỏ trần lãi suất để chữa thanh khoản” là không có sức thuyết phục.
Nên chăng để cho cơ chế thị trường quyết định lãi suất?
Các chuyên gia tài chính dùng công cụ lãi suất để điều hành thị trường (nền kinh tế), chứ đâu có ai dùng cơ chế thị trường để quyết định lãi suất? Ví dụ: chủ tịch FED Bernanke dùng lãi suất ngân hàng gần bằng 0 để phục hồi nền kinh tế Mỹ.
Thị trường tài chính, trong đó có thị trường vốn, rất nhạy cảm. Sai một ly, đi một dặm! Chứ đâu có phải thị trường hàng hóa đâu, mà để cơ chế thị trường quyết định?
Bỏ trần lãi suất huy động, chắc chắn lãi suất sẽ tăng: có một số vị chuyên gia tài chính tự mâu thuẫn khi cho rằng đã đặt ra trần lãi suất, mà lãi suất huy động vẫn cứ tăng. Vậy chứ nếu dỡ bỏ trần lãi suất, liệu lãi suất huy động có giảm? Chẳng qua là Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra mà không giám sát, xử phạt thôi!
Tâm lý của người gửi tiền tiết kiệm thì chỉ thích lãi suất huy động cao. Đây sẽ là một áp lực để các ngân hàng TM đua nhau tăng lãi suất huy động. Đây cũng là một nguyên nhân làm tăng lạm phát. Lúc đó, mặc dù người gửi tiết kiệm nhận được tiền lãi cao hơn, nhưng có lẽ với tiền lãi cao này sẽ mua được ít hàng hóa hơn trước đây.
Tôi cũng không hiểu, trên thế giới này, có trường đại học nào đưa ra lý thuyết "bỏ trần lãi suất huy động thì lãi suất huy động sẽ giảm" không?
Những điều mà các chuyên gia tài chính cần lưu ý khi họach định chính sách: hiện nay, BĐS đóng băng, chứng khoán sụt giảm, rất nhiều DN ngưng hoạt động.
Với lãi suất hiện nay, các DN nhắm kham không nổi rồi. Nếu lãi suất tăng nữa, thì ai dám vay? Rõ ràng là lý luận của một số ngân hàng “lãi suất phải tăng cao để tăng tính năng động của các DN Việt Nam” là "lý sự cùn" và phi thực tế!
Rõ ràng là họ chỉ muốn bảo vệ lợi ích của nhóm lợi ích ngân hàng vốn đi ngược lại với lợi ích của kinh tế vĩ mô. Nhưng họ quên rằng: nếu không có DN nào vay, thì họ lấy đâu ra tiền để trả lãi tiết kiệm?
Đừng làm rối cho Ngân hàng Nhà nước vì phải thay đổi xoành xoạch! Thống đốc vừa cho hạ lãi suất trần huy động xuống còn 13%/ năm và tuyên bố lãi suất cho vay sẽ giảm xuống còn từ 13,5% đến 16%/ năm. Vậy mà các vị đã vội đề xuất bỏ trần lãi suất huy động.
Bất cứ chính sách kinh tế, tài chính nào cũng có độ trễ, các vị ạ! Thay đổi xoành xoạch chỉ nếm mùi thất bại thôi!
Cứ để thống đốc làm, xem sao đã. Tôi tin rằng thống đốc sẽ thành công.
ThS Lê Tấn Lam Anh