Là người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về giáo dục, nuôi dạy con, Phó giáo sư Trần Thành Nam từng nhận xét, có hai lĩnh vực quan trọng cần giáo dục cho trẻ sớm nhưng bố mẹ Việt Nam "rất ngại", đó là tài chính và tình dục. Trong tâm thức của các bậc làm cha mẹ, tiền bạc được xem như một vấn đề khó có thể nói ra cùng con. Nhiều cha mẹ thấy rằng chính mình cũng không có kỹ năng, không được ông bà dạy cho mà vẫn ổn nên cũng không quan tâm và cho rằng đến lúc cần thì con sẽ tự tìm hiểu và tự biết.
Một số cha mẹ cấp tiến hơn, có mong muốn dạy con về tiền thì bản thân lại không có kiến thức nền tảng và kỹ năng tài chính tốt, cũng không hiểu đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và phương pháp sư phạm nên chưa đề cập đến nội dung này một cách hiệu quả với con. Nhiều cha mẹ cũng không tạo được các môi trường nhất quán để con có thể thực hành các kỹ năng tài chính phù hợp với lứa tuổi.
Giám đốc Điều hành Tổ chức Junior Achievement Vietnam (JA Vietnam) - bà Đoàn Bích Ngọc đồng tình, tiền bạc là một trong những khía cạnh mà bố mẹ Việt hay lo sợ nếu con biết quá sớm sẽ khiến con có thái độ không tốt. "Phụ huynh châu Á và phụ huynh Việt có một mâu thuẫn trong chính bản thân mình, đó là: vừa muốn con thành công, nhưng lại sợ con biết quá nhiều ở độ tuổi quá sớm", bà Ngọc nói. Bà cho rằng cha mẹ Việt hiện gặp nhiều khó khăn khi dạy con về tài chính, ví dụ, không biết tìm nguồn tài liệu ở đâu để dạy cho đúng, hầu hết dạy bằng kinh nghiệm cá nhân. Một số gia đình sống chung với ông bà cũng gặp trở ngại khi việc dạy con nói chung sẽ bị chi phối bởi quan điểm có thể khác nhau giữa các thế hệ.
"Nhưng nếu bố mẹ không trực tiếp dạy, con có thể vô tình học từ những nguồn phi chính thống và theo một phương pháp mà bạn không thích, thậm chí phản khoa học, phản giá trị và gây ra những hậu quả tai hại. Vậy nên bố mẹ cần tự cập nhật bản thân và đồng hành với con", Phó giáo sư tiến sĩ Trần Thành Nam cảnh báo.
Phó giáo sư tiến sĩ lo lắng, trong thời đại số, những nghiên cứu trong gần một thập kỷ qua cho thấy người trẻ đang mắc nợ nhiều hơn. Đã bắt đầu xuất hiện một nhóm người "nghèo sang chảnh". Các em sẵn sàng chi trăm ngàn cho một cốc trà sữa và không đủ tiền cho một bữa trưa đủ năng lượng làm việc. Nhiều bạn trẻ có nhu cầu sử dụng hàng hiệu để khẳng định bản thân nhưng mất cân bằng tài chính dẫn đến chỉ thuê ngắn hạn hoặc mua hàng fake.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đến chuyển từ lưu thông tiền mặt sang thẻ tín dụng ngân hàng, rồi đến tiền điện tử. Các ứng dụng thanh toán trực tuyến nhiều, tiện lợi và dễ dàng khiến giới trẻ mất ý thức về việc có bao nhiêu tiền đã ra đi cho một món chi. Việc chi trả không dùng tiền mặt tạo ra thói quen cuồng mua sắm, chi tiêu không kiểm soát ở một bộ phận giới trẻ dẫn đến mất cân bằng tài chính không thể vãn hồi.
Đã có nhiều gameshow, cuộc thi trên truyền hình, báo đài, mạng xã hội có sự tham gia của cả bố mẹ và con cái, tuy nhiên chưa có một cuộc thi nào đề cập thẳng thắn vấn đề nuôi dạy con cái về tiền bạc. "Điều đó cũng thể hiện những định kiến xã hội nói chung khi trao đổi nói chuyện với nhau về tiền bạc. Dường như chúng ta đang có nhận thức sai lầm khi ghép đôi giữa việc dạy nhau về tiền bạc với chủ nghĩa vật chất hay văn hóa thực dụng vậy", Phó giáo sư tiến sĩ Trần Thành Nam lý giải.
Ông cho rằng cuộc thi Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay sẽ giúp các bậc phụ huynh thay đổi những quan niệm sai lầm đó. Giáo dục về tiền cũng là quá trình giáo dục phẩm chất nhân cách cho trẻ, giúp con hiểu về giá trị đồng tiền, trân trọng sức lao động đã làm ra tiền, giúp con rèn luyện sự tự lập và chủ động để đưa ra các quyết định thông minh dựa trên những mục tiêu tài chính rõ ràng. Nhiều hoạt động sáng tạo của cha mẹ trong cuộc thi nói với con về tiền nhưng qua đó rèn cho con tinh thần trách nhiệm với gia đình, sự chia sẻ và hy sinh cho cộng đồng và những mục tiêu phát triển bền vững nói chung. Những bài học về tiền cho con đồng thời cũng giới thiệu cả lối sống xanh, sống tối giản.
Ông Trần Thanh Phong - Phó tổng Giám đốc Marketing Prudential Việt Nam cho biết Cha-Ching là dự án quan trọng và dài hạn của Prudential trên toàn khu vực châu Á và châu Phi. Chương trình này đã được triển khai tại 13 quốc gia với giáo trình được dịch sang 10 ngôn ngữ. Tại Việt Nam, từ năm 2019, giáo trình được triển khai trong một số trường tiểu học tư thục và công lập, dạy trực tiếp cho các em học sinh. Tuy nhiên, năm 2020-2021 các bé phải học ở nhà nhiều. "Chúng tôi xem đây là cơ hội để gắn kết tình yêu thương gia đình thông qua việc đưa giáo trình lên nền tảng trực tuyến cho các phụ huynh trực tiếp áp dụng tại nhà. Tôi tin rằng hơn ai hết, cha mẹ là tấm gương lao động đầu tiên mà các con có thể học tập, từ đó, hiểu được giá trị của đồng tiền", ông Phong nói.
Là một thành viên của hội đồng giám khảo cuộc thi Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay, ông Phong cho biết, ban giam kháo có bộ tiêu chí chung để chấm điểm các bài dự thi. Tiêu chí cơ bản là các bài thi thể hiện được hoạt động dạy con về tiền phù hợp với độ tuổi của con, mang lại bài học bổ ích dưới dạng trò chơi để các bé cảm thấy thích thú. "Cá nhân tôi rất hứng thú với các bài chia sẻ được sự gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình khi cùng tham gia vào hoạt động vừa học vừa chơi này". Ông Phong bổ sung, mục đích của Prudential là tạo ra một sân chơi vừa mang lại kiến thức cho các bé, vừa giúp các bậc làm cha mẹ học yêu con đúng cách. Khoảng thời gian ở nhà với con đôi khi khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, nhưng trẻ con lớn rất nhanh. Tuổi thơ con chỉ trôi qua một lần và Prudential hi vọng có thể giúp quãng thời gian đó trở nên ý nghĩa với cả các con và ba mẹ.
Trong khi đó, bà Ngọc lại chú trọng nhất phần ý tưởng khi chấm thi. Mỗi bé sẽ có tính cách khác nhau, được nuôi dạy trong hoàn cảnh khác nhau, do vậy mỗi hoạt động dạy con về tiền tại nhà cần được thiết kế phù hợp cho trẻ. Điều này không ai làm tốt bằng chính bố mẹ. Bố mẹ càng hiểu con thì càng sáng tạo ra những hoạt động vừa học vừa chơi khiến con mình hào hứng. Đó là điều mà thầy cô, nhà trường hay giáo trình không thể cùng áp dụng cho nhiều em cùng một lúc trong khuôn khổ lớp học.
Bà Ngọc cho rằng, phụ huynh nên dạy trẻ về tài chính từ sớm. Việc này có thể bắt đầu từ lúc trẻ lên 3 tuổi. Khi trẻ 6-7 tuổi, các bậc cha mẹ có thể cho con biết các khái niệm cơ bản như: kiếm tiền, tiết kiệm, tiêu tiền, quyên góp.
Việc dạy con về tiền nên được duy trì thường xuyên, gắn liền với các hoạt động thực tiễn. Hãy để trẻ được tham gia vào các hoạt động chi tiêu, quyên góp, tiết kiệm trong gia đình. Dạy con về tiền cũng giống như việc dạy con đi, dạy con viết, nếu chúng ta không cầm tay con chỉ con cách thực hành, sẽ rất khó để trẻ con được kỹ năng cần thiết.
Cuối cùng là bố mẹ cần làm gương cho con khi dạy con về tiền. Bản chất trẻ con học qua cách bắt chước người lớn nên chúng ta không thể đòi hỏi các con tiết kiệm nếu bản thân không tiết kiệm, bắt con phải yêu lao động nếu chúng ta lười biếng. Do vậy, mỗi phụ huynh cần thực hành cùng con ở mỗi kỹ năng để trẻ dễ dàng học theo.
Kim Anh
Cuộc thi Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay thuộc dự án giáo dục quản lý tài chính Cha Ching, do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp cùng VnExpress tổ chức. Dự án được phát triển bởi Quỹ Prudence (Quỹ hỗ trợ cộng đồng của Tập đoàn Prudential tại châu Á) và được dịch ra 10 ngôn ngữ giảng dạy trên nhiều quốc gia châu Á.
Tại Việt Nam, chương trình đã được triển khai ở các trường tiểu học thông qua chuỗi hoạt động "học mà chơi, chơi mà học" đa dạng và lôi cuốn. Với hình thức mới mẻ, Cha Ching giáo dục cho trẻ từ 7 đến 12 tuổi và cả người lớn về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính, rèn luyện và phát triển toàn diện các thói quen quản lý tài chính thông minh.
Xem chi tiết thể lệ cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây