Thuở nhỏ, chị Thu là một bé gái dễ thương, kháu khỉnh. Nhưng từ lúc 5 tuổi trở đi, một nửa mặt trái của chị ngày càng teo tóp, phần mỡ dưới da cứ tự tiêu đi, khiến phần mặt này nhăn nheo, chỉ còn da bọc xương. Mặc cảm vì vẻ ngoài chẳng giống ai của mình, chị rất ít giao du bạn bè và lúc nào cũng chỉ loanh quanh ở nhà, miệt mài với sách vở.
Tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, chị sống một mình một bóng và nghĩ sẽ chấp nhận cảnh này tới cuối đời bởi gương mặt dị dạng kia. Thế nhưng, được người nhà động viên, chị đi khám và được chẩn đoán mắc hội chứng Parry -Romberg - căn bệnh không rõ nguyên nhân, do hệ miễn dịch tấn công và ăn mòn các mô cơ trên nửa gương mặt.
5 tháng trước, chị Thu đã được các bác sĩ lấy mỡ ở vùng bụng dưới bơm lên phần mặt bị lép. Hiện tại, gương mặt chị đã đầy đặn và cân đối hơn. "Tôi lại bắt đầu hy vọng về một mái ấm có tiếng cười trẻ thơ và một bờ vai mạnh mẽ" chị thổ lộ.
![]() |
Một ca mổ tại khoa phẫu thuật, Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: VĐ. |
Cũng đau khổ vì khuôn mặt bị méo, lệch vì nửa bên phải bị teo dần từ nhỏ tới khi dậy thì, Hương - sinh viên một trường đại học ở Hà Nội đã không dám mở lòng với bất cứ chàng trai nào. Hương tới bệnh viện với gương mặt một bên teo tóp, chi chít các vết lỗ chỗ.
Cô gái trẻ cho biết, mấy năm trước đã đi khám và được chẩn đoán là liệt nửa mặt. Suốt 4 năm, mong hết bệnh, cô đã kiên trì đi châm cứu, và dấu vết này vẫn còn hằn trên mặt, nhưng bệnh thì không hề đỡ. Hương vừa được bác sĩ dùng mỡ vùng đùi của mình, trộn với tế bào gốc, để giúp lấy lại gương mặt cân đối.
Bác sĩ Bùi Mai Anh, khoa phẫu thuật tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bơm mỡ tự thân là cách hữu hiệu nhất để khắc phục hiện tượng lép nửa mặt cho các bệnh nhân bị hội chứng Romberg. Bệnh này không hiếm, nhưng ít người biết tới, và thường xảy ra ở nữ nhiều hơn nam. Hội chứng teo mặt thường bắt đầu khi bệnh nhân còn nhỏ, khoảng 5 tuổi, và phát triển tới khoảng 15 tuổi thì dừng lại.
Những người mắc hội chứng này thường mặc cảm, sống khép kín do gương mặt không được cân đối. Thậm chí, một số người còn bị teo cả phần xương khiến vẻ ngoài méo mó.
Bằng cách lấy mỡ từ cơ thể người bệnh (chủ yếu là vùng đùi, bụng dưới), bơm vào phần mặt bị lép, có thể giúp cho vùng này đầy đặn lên. Ưu điểm của phương pháp này là, do mỡ tự thân nên không lo ngại nguy cơ thải loại hay lây truyền chéo các bệnh qua máu. Nếu thực hiện đúng quy trình, tỷ lệ mỡ sống khoảng 60-70% sau bơm.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình, Bệnh viện Việt Đức, cho biết kỹ thuật này đã được bệnh viện Việt Đức áp dụng mấy năm nay và các bệnh nhân thực hiện đều có kết quả khả quan. Gần đây, khoa tạo hình của bệnh viện còn đưa vào ứng dụng bơm mỡ kết hợp với công nghệ tế bào gốc, giúp tỷ lệ mỡ sống được cao lên tới 70-90%, số lần bơm cũng giảm bớt từ 2-3 lần còn 1-2 lần.
Tế bào gốc được thu được qua nhiều khâu xử lý, cô đặc máu tĩnh mạch của chính bệnh nhân, có tác dụng giúp trẻ hóa da, làm liền vết thương nhanh, kích thích các mô mới phát triển tốt.
Phương pháp mới này không chỉ giúp làm đầy mặt cho các bệnh nhân bị lép mặt do hội chứng Rumberg hay những người có mặt quá gầy, hóp má, miệng... mà còn có thể sử dụng bơm lên ngực cho những trường hợp ngực bị lệch tự nhiên hay sau quá trình cho con bú, những người sau phẫu thuật cắt bỏ vú do ung thư...
Đây là một kỹ thuật có độ an toàn cao, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ nhỏ bị nhiễm trùng gây sưng, chảy dịch, nếu mỡ lấy ra không được đảm bảo sạch. Tuy nhiên, tới nay, bệnh viện Việt Đức chưa ghi nhận trường hợp nào bị biến chứng này.
Các bác sĩ cũng lưu ý, không giống như tiêm botox là làm liệt cơ, mất nếp nhăn, bơm mỡ tự thân chỉ giúp làm đầy mặt hay các bộ phận khác mà không có khả năng xóa nhăn. Bệnh nhân cần có đủ mỡ dưới da để lấy, nên nếu quá gầy sẽ khó khăn trong việc thực hiện kỹ thuật này cũng như phải tiến hành nhiều lần.
Vương Linh
* Tên một số bệnh nhân đã được thay đổi