Đánh giá "một điểm có được trước Thái Lan là hợp lý và chấp nhận được đối với tuyển Việt Nam" tại thời điểm này dưới nhiều góc nhìn là không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, về mặt lối chơi, tại sao Việt Nam trận gặp Thái Lan không thể hiện được đẳng cấp của mình? Theo tôi, có mấy điểm như sau:
1. Tuyến giữa trận vừa qua bị cắt bóng quá nhiều, các vị trí không duy trì được khoảng cách gần nhau như nhiều trận đấu chặt chẽ khác dưới thời HLV Park.
2. Tuấn Anh không thể hiện được vai trò làm bóng và đánh chặn, hoàn toàn mất hút. Đó là lý do tuyến giữa không áp đặt được lối chơi lên đối phương, có vẻ cảm giác bóng của Tuấn Anh chưa tốt hoặc thể lực có phần nào bị ảnh hưởng nên sự dẻo dai cũng không được tốt.
3. Ở hai cánh, phía cánh của Văn Hậu đã làm khán giả trải qua một trận đấu có nhiều cảm xúc. Hậu đánh chặn rất hay, có cảm tưởng như một cơn lốc cuốn bay mọi vật cản trên đường, khiến nhiầu cầu thủ Thái Lan bị văng ra. Tuy nhiên, sau đó, Hậu lại chuyền hỏng nhiều, thường xuyên đưa bóng đến chân của các cầu thủ Thái Lan, điều đó thể hiện sự chuẩn xác chưa cao, gây nhiều áp lực trở lại lên phần sân nhà, nguy hiểm cho cầu môn.
Cánh của Trọng Hoàng thì quá yếu, trong một trận đấu căng thẳng như thế này thì Trọng Hoàng không thể hiện được nhiều và các pha bóng qua người quá đơn giản do kỹ thuật không khéo, dùng sức là chủ yếu. Khi quá căng thẳng, Hoàng lại dễ bị phạt thẻ, đúng nghĩa Hoàng "bò". Tình huống bay cả hai chân vào đối thủ trận qua qua rất nguy hiểm. Sự tự tin của Trọng Hoàng không có, mà nỗi sợ lại nhiều hơn, phong độ lại đang giảm sút. Do đó, Hoàng cần phải làm mới lại tinh thần và cách đá khi tham dự cùng U22 ở SEA Games.
>> 'Việt Nam chưa thể tiến xa khi hòa dưới cơ Thái Lan'
4. Về hàng hậu vệ, vẫn là điểm mạnh dưới thời HLV Park, khi có nhiều pha giải cứu. Tuy nhiên, vẫn còn không ít pha bóng thể hiện sự căng thẳng và không cần thiết như các pha tung người phá bóng (trong đó có hai tình huống của Tiến Dũng và Duy Mạnh, một lần bóng vẫn rơi ngay vị trí khu vực 16m50, một lần thì bóng vào chân của đối phương). Ngay kể cả đá ở Asian Cup với các đối thủ cứng cựa như Nhật Bản, Việt Nam vẫn thủ vững vàng hơn trận vừa qua. Do đó, việc kiểm soát và bản lĩnh vẫn là điểm yếu các tuyển thủ Việt Nam.
5. Hàng tiền đạo, thực sự Văn Toàn không sắc bén, thậm chí khá "cùn". Toàn có các pha càn lướt rất nhanh, nhưng độ lạnh lùng và chuẩn xác khi dứt điểm thì chưa có, điều này khiến anh không thể trở thành một "sát thủ", nó cũng thể hiện qua số bàn thắng trong suốt thời gian qua. Còn Tiến Linh quá hiền và chậm chạp, không thấy hình bóng của một tiền đạo đúng nghĩa trong cách chơi của cầu thủ này. Tốc độ yếu cộng thêm việc di chuyển không khôn ngoan để đón đường chuyền của hàng tiền vệ, vài lần dẫm chân lên cả Quang Hải hoặc không chạy chỗ, lười chạy tranh chấp bóng... tất cả thể hiện sự non nớt của Tiến Linh. Trận gặp UAE, Tiến Linh ghi được bàn thắng đẹp mắt có lẽ do may mắn nhiều hơn là thực lực. Sự đóng góp của cầu thủ này lên lối chơi chung là rất ít và hầu như hàng tiền đạo luôn chấp người vì khả năng ghi bàn không tốt.
6. Thầy Park quá căng thẳng nên trước và sau trận bị dính đòn "tâm lý chiến" của người Thái, điều đó không tốt cho bộ não của lối chơi Việt Nam. Với phong độ và đẳng cấp hiện nay, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng hạ người Thái, tuy nhiên lối chơi trận vừa qua không thể hiện được cái cách mà thầy Park hay giúp đội tuyển vượt qua các trận cầu căng thẳng. Tuyến giữa bập bùng, tiền đạo lủng củng, thay người chậm...
>> 'Việt Nam mất hoàn toàn thế trận sau khi thay người'
Vấn đề thay người cũng là một điều đáng nói. Với cách Tiến Linh đá, tốt nhất nên thay từ phút 60 hoặc khi hết hiệp một, việc ông Park để qua phút 80 mới thay là quá chậm. Anh Đức chia tay có thể vào sân trễ cũng đúng vì cậu ấy đã lớn tuổi nhưng việc thay Tiến Linh nên sớm hơn vì giá trị của Anh Đức trên sân lớn hơn nhiều nếu so với cách người đàn em thể hiện. Về Công Phượng, cầu thủ này sa sút nhưng đá hợp với Quang Hải, đó là điểm mạnh mà thầy Park phải khai phá, tuy nhiên Phượng có mặt trên sân cũng quá trễ, sau phút 70 mới được tung vào sân khiến việc bắt nhịp trận đấu là không kịp. Nếu như Công Phượng được đá từ đầu hiệp hai hoặc từ phút 60, thay Tiến Linh ra sớm, sau đó cho Anh Đức hoặc thay một cầu thủ khác để Hùng Dũng ở lại để Quang Hải đá tự do thì sự nguy hiểm sẽ rất cao.
7. Vị trí của Quang Hải có nhiều bình luận, đánh giá rằng khá mờ nhạt, nhưng với tôi, Hải là một cầu thủ cực kỳ đơn giản và khéo léo, lối chơi rất hiện đại, mấu chốt là xung quanh Hải phải có 2-3 cầu thủ đáp ứng được nhịp suy nghĩ trong chiến thuật với anh. Hải có thể nghĩ đường bóng trước các cầu thủ khác 2-3 nhịp nên để Văn Toàn và Tiến Linh đá ngay trên Hải là cắt đứt đi sự nguy hiểm trong ý đồ của Hải tạo ra. Quan sát từ giải U23 châu Á 2018 (trận gặp Qatar là rõ nhất) và các giải liên tiếp gần đây, đặc biệt là trận gần nhất gặp Malaysia, nếu để Hải đá tự do và xung quanh Hải có 2-3 cầu thủ hiểu cách chơi của anh thì cầu thủ này sẽ cực kỳ nguy hiểm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.