Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số ôtô của các thành viên VAMA đạt 288.683 xe, tăng 5,8% so với 2017. Trong khi đó, Hyundai Thành Công (không thuộc VAMA) đạt 63.526 xe, tăng 103% so với năm ngoái. Như vậy trong năm 2018, người Việt đã mua đến hơn 352.000 xe.
Các doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước có một năm thành công. Hyundai Thành Công là một bất ngờ khi bán gấp đôi năm ngoái, hãng này chủ yếu lắp ráp. VAMA cũng tăng trưởng khi xe lắp ráp đạt 215.704 chiếc, tăng 10,6% so với cùng kỳ 2017.
Nhân viên kinh doanh một số đại lý ôtô cho rằng vì chờ đợi xe nhập khẩu giá rẻ đổ bộ năm 2018 không thành hiện thực, nên xe lắp ráp có mức tiêu thụ tốt hơn, chủ yếu tập trung ở các phân khúc giá phổ thông.
Trong danh sách 10 xe bán chạy nhất thị trường, Toyota Vios có doanh số cao nhất, đạt 27.188 xe, Hyundai Grand i10 bán tổng cộng 22.068 chiếc về thứ hai. Do xe nhập khẩu thiếu hụt, nên chín trong mười xe bán chạy nhất năm 2018 đều là xe lắp ráp.
Những dòng xe như Vios, Grand i10 hay Innova nằm trong top đầu tiêu thụ tốt nhất thị trường không lạ lẫm, nhưng Accent đứng vị trí thứ 5 về số lượng xe bán ra lại cho thấy sự bứt phá tốt. Phiên bản nâng cấp của Accent ra mắt tại Việt Nam từ tháng 4, có doanh số 12.537 xe, vượt qua đối thủ Honda City trong phân khúc sedan cỡ B. Ngoài Accent, một số dòng xe lắp ráp mới cũng có doanh số khả quan trong năm 2018, như Hyundai Kona, Mitsubishi Outlander.
Ngược với mảng lắp ráp, xe nhập khẩu có một năm điêu đứng. Nghị định 116 với những rào cản về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại khiến các hãng không thể nhập xe về bán. So với 2017, doanh số giảm 6,2%, đạt 72.979 chiếc. Trong số 10 dòng xe bán chạy nhất thị trường, chỉ Honda CR-V là xe nhập khẩu, những cái tên quen thuộc như Toyota Fortuner, Ford Ranger đều vắng bóng.
Năm 2018, thời điểm nhiều dòng xe nhập từ các nước ASEAN được áp dụng mức thuế nhập khẩu 0%, tuy nhiên những thay đổi về quy định nhập khẩu khiến các hãng xe không thể đưa sản phẩm về trong hơn nửa đầu năm.
Tháng cuối năm 2018, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất kể từ đầu năm với hơn 14.000 chiếc, góp vào tổng số hơn 81.000 trong cả năm. So với 2017, con số này giảm 13,6%.
Thị phần
Hết năm 2018, thị phần các hãng xe có những xáo trộn ở nhóm dưới. Trong khi đó, 3 vị trí đầu tiên vẫn thuộc về những cái tên quen thuộc Trường Hải, Toyota, Hyundai Thành Công. Trường Hải, sở hữu các thương hiệu Kia, Thaco Bus, Thaco Truck, Mazda, Peugeot, BMW, chiếm 27,3% đứng đầu thị trường. Toyota xếp thứ 2 với 18,7%, Hyundai Thành Công đứng thứ 3 với 18% thị phần. Nếu tính theo thương hiệu, Toyota số một, Hyundai số hai và Mazda thứ ba.
Honda trong năm 2018, đạt doanh số 27.099 chiếc, tăng trưởng 123% so với năm 2017. Doanh số tốt của dòng xe CR-V và City, giúp hãng xe Nhật Bản chiếm 7,7% thị phần. Trong khi đó, Ford chiếm 7% thị phần, đứng thứ năm. Sự thiếu hụt nguồn cung của dòng xe bán tải Ranger, nhập khẩu trực tiếp, khiến Ford giảm doanh số gần 5.000 xe so với 2017.
Thị trường xe 2019 sẽ có những diễn biến khó đoán hơn, khi các hãng phân phối xe nhập khẩu bắt đầu đi vào ổn định nguồn cung từ quý III/2018. Trong khi đó, thương hiệu xe Việt Nam VinFast sẽ có những sản phẩm đầu tiên, tham gia cuộc đua thị phần năm sau.
Ngọc Tuấn