Điều khiển một chiếc xe điện êm ru có thể khiến lái xe thích thú, đặc biệt là những người ác cảm với âm thanh ồn ào của động cơ đốt trong. Tuy nhiên, sự vận hành im lặng này rất khó nhận biết và có thể trở thành vấn đề chết người với những người khiếm thị khi lưu thông trên đường.
Trang bị hệ thống âm thanh cảnh báo cho loại phương tiện này là vấn đề sống còn, theo Claire Stanley, chuyên gia về vận động và tiếp cận của Hội người mù Mỹ.
"Người mù chúng tôi học cách di chuyển trên đường và đi lại ở các thành phố bằng cách đọc âm thanh của hệ thống giao thông xung quanh mình. Tuy nhiên, sự im lặng của xe điện sẽ làm mất đi những đầu mối đó", cô cho biết.
Nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu hãng xe lắp thêm âm thanh nhân tạo trên xe điện nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ và người đi xe đạp. Tại Nhật Bản, chính phủ đã ban hành chỉ đạo hệ thống âm thanh nhận diện vào tháng 1/2010. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng ban hành các quy định tương tự không lâu sau đó. Tuy nhiên, yêu cầu ở mỗi nước có sự khác biệt cả về định nghĩa cảnh báo âm thanh và thời điểm kích hoạt. Ở EU, một hệ thống cảnh báo có âm thanh như động cơ đốt trong và tạo ra tiếng ồn ở tốc độ dưới 20 km/h phải được lắp đặt trên mọi loại xe điện mới. Đến tháng 7/2021, các xe hiện có cũng phải có thêm thiết bị này.
Trong khi đó, từ tháng 9/2020, Mỹ sẽ yêu cầu tất cả các loại xe điện và động cơ hybrid hoạt động hoàn toàn bằng chế độ dùng điện phải có tính năng phát âm thanh ở tốc độ dưới 30 km/h. Nghiên cứu cho thấy động cơ điện và lốp xe đủ tạo ra tiếng ồn khi đạt đến tốc độ nói trên, nhờ đó cảnh báo người đi bộ kịp thời tránh tai nạn.
Hãng Mercedes đã phát triển hệ thống âm thanh nhận diện cho các xe được bán tại Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Âm thanh cho các xe được bán ở thị trường châu Á và châu Âu tương tự nhau, trong khi âm lượng của xe bán ra tại Mỹ có sự khác biệt.
Tobias Beitz, người đứng đầu bộ phận thiết kế và chất lượng âm thanh của Daimler, cho biết hãng đã tạo ra thứ âm thanh dễ chịu và tự nhiên cho xe điện. "Hệ thống không áp đặt thứ âm thanh khoa học viễn tưởng, mà làm nổi bật tiếng động đã có sẵn của xe và hoà trộn âm thanh tổng thể một cách hoàn hảo nhất", ông nói.
Trong video so sánh 2 loại xe điện EQC của Mercedes được trang bị máy phát âm thanh, mẫu xe của châu Âu có âm thanh hơi giống động cơ, trong khi phiên bản Mỹ tạo ra tiếng ồn với âm sắc cơ học. Cả hai loại xe đều có tiếng bíp, tương tự tiếng động phát ra từ xe tải giao hàng khi lùi.
Jaguar cũng đã phát triển hệ thống âm thanh cho mẫu crossover sang trọng I-Pace, tuân thủ cả quy định châu Âu và Mỹ. Theo thông cáo báo chí của hãng này, nó được thiết kế âm thanh ban đầu như tàu vũ trụ, nhưng phiên bản này sau đó đã bị gác lại vì khiến người đi bộ ngước mắt lên trời thay vì nhìn đường để tránh.
Khi chế tạo âm thanh cho xe điện Bolt, các kỹ sư của Chevrolet đã nghiên cứu các quy định năm 2018 của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia và cố gắng tạo ra loại âm thanh dễ chịu cho cả người lái và hành khách, theo Katie Minter, người phát ngôn của hãng. Trên xe Bolt, loa trước được gắn dọc theo đường trục của mũi xe, loa sau nằm ở đuôi xe để đáp ứng các yêu cầu khi lùi.
Tháng trước, cơ quan an toàn giao thông Mỹ đề xuất bổ sung quy định cho phép các hãng xe lắp đặt nhiều tiếng động khác nhau để lái xe có thể lựa chọn, thay vì chỉ một loại duy nhất. Nhiều ý tưởng âm thanh độc đáo đã được các hãng xe nghiên cứu trong những năm qua. Mercedes từng hợp tác với ban nhạc rock Linkin Park để tạo tiếng động cho dòng xe điện. Nissan dự kiến trang bị cho mẫu xe điện Leaf âm thanh điện tử mang tên Canto. Trong khi đó Elon Musk từng tiết lộ các mẫu xe điện Tesla có thể phát ra nhiều tiếng động khác nhau, bao gồm cả tiếng dê.
Hoàng Anh (theo New York Times)