- Các anh sẽ hỏi tôi tại sao VKSND Tối cao lại không phê chuẩn việc khởi tố Năm Cam chứ gì? Trước đó không có tài liệu nào nói rằng Bộ Nội vụ đề nghị khởi tố vụ án. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe nói về chuyện Bộ Nội vụ có đề nghị khởi tố mà VKSND Tối cao lại không phê chuẩn. Chỉ duy nhất có công văn kiến nghị hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam thôi (Công văn 1333/KSĐT-TA)
- Việc đưa Năm Cam đi tập trung cải tạo là quyết định của UBND TP HCM, nếu cần thì VKS thành phố kiến nghị. Tại sao VKSND Tối cao lại làm thay?
- Vợ Năm Cam là bà Phan Thị Trúc gửi đơn đi nhiều nơi kêu oan. VKSND Tối cao nhận được, một số cơ quan báo chí nhận được. Hội Nhà báo VN và Đài Truyền hình trung ương đã chuyển công văn đề nghị tới VKSND Tối cao đấy thôi. Hơn nữa, việc tập trung cải tạo này do Bộ Nội vụ đề nghị, UBND TP HCM chỉ làm thủ tục thôi.
- Ông nhận được công văn của Hội Nhà báo thế nào?
- Tôi không nhớ rõ. Sau này, theo kiểm tra của Phó Văn phòng VKSND Tối cao Đỗ Đức Thà thì Công văn 333/HNB ký ngày 1/2/1996, ngoài phong bì ghi gửi đích danh tôi. Cùng ngày, đồng chí Nữu, thư ký của tôi, ký nhận. Còn hai công văn khác thì không thấy gửi qua văn thư của Viện.
- Sau khi nhận được những đơn thư, công văn ấy, ông đã xử lý thế nào?
- Tôi đã báo cáo với lãnh đạo Viện, rồi chỉ đạo Vụ 2B với một số kiểm sát viên cao cấp kiểm tra, giải quyết. Cần nói thêm, Vụ trưởng 2B lúc đó là đồng chí Trần Phong Thanh, một cán bộ rất vững vàng về nghiệp vụ trong công tác kiểm sát điều tra án trị an. Chúng tôi nhận thấy việc đưa Trương Văn Cam đi tập trung cải tạo không đúng đối tượng, thủ tục. Quan điểm đó đã được thể hiện đầy đủ trong Công văn 1333.
- Bộ Nội vụ cho rằng đủ chứng cứ để khởi tố Năm Cam về tội tổ chức đánh bạc. Ông thấy sao?
- Về việc này Vụ 2B và Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C.16B) đã làm việc với nhau nhiều lần, nhưng C.16B chưa cung cấp được những bằng chứng đủ sức thuyết phục. Tôi đã đọc kỹ các tài liệu của C.16B và Vụ 2B. Hai đơn vị này làm việc với nhau tới 2-3 tháng, mà chứng cứ đưa ra còn nhiều vấn đề chưa rõ, cần được tiếp tục điều tra, kết luận. Trong khi đó, các tiền án, tiền sự của Năm Cam trước đây đều hết hiệu lực rồi.
- Thế hồi đó ông có đọc các bài báo về hoạt động phi pháp của Năm Cam không?
- Do bận bịu nên tôi không đọc.
- Việc tha Năm Cam trước thời hạn, VKSND Tối cao tham gia như thế nào?
- Trước khi thả, ngày 30/8/1997, Cục Quản lý trại giam (V26 Bộ Nội vụ) có công văn do đại tá Đỗ Văn Năm ký gửi Vụ trưởng Vụ Kiểm sát giam giữ cải tạo (Vụ 4, VKSND Tối cao) và Giám đốc Công an TP HCM, với nội dung Trương Văn Cam thuộc diện có thể xét tha trước thời hạn, đề nghị VKSND tối cao cho biết ý kiến.
Vụ 4 nhận thấy, việc xét giảm thời hạn, hoặc tha trước thời hạn đối tượng bị bắt tập trung cải tạo theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền Bộ Nội vụ, không quy định phải có sự tham gia của VKS hoặc cơ quan nhà nước khác. Tuy nhiên, trên cơ sở quan hệ phối hợp, lãnh đạo Vụ 4 đã cử kiểm sát viên lên Cơ sở giáo dục Thanh Hà (Vĩnh Phúc) kiểm tra hồ sơ và thấy trong đó thể hiện quá trình cải tạo của Năm Cam là không có vi phạm, và được đánh giá là cải tạo có tiến bộ, giám thị trại Thanh Hà đề nghị Cục V26 xét tha trước thời hạn. Từ các căn cứ trên và với nhận thức công văn của V26 gửi Vụ 4 là công văn trao đổi ý kiến giữa hai cơ quan liên quan, nên ngày 9/9/1997, Vụ trưởng Vụ 4 lúc bấy giờ là Trần Quốc Thái có công văn gửi Cục trưởng V26 đồng ý tha Năm Cam trước thời hạn.
- Cụ thể ông tham gia như thế nào vào việc này?
- Tôi không được báo cáo về chuyện này, mà có được báo cáo thì tôi cũng đồng ý thôi. Vụ trưởng Vụ 4 nay đã nghỉ hưu, mới đây được hỏi là khi ký công văn trả lời V26, có báo cáo lãnh đạo Viện không, thì anh ấy nói là không nhớ rõ.
- Người ta nghi ngờ về động cơ của VKSND Tối cao, đặc biệt là của ông, khi không thống nhất với phía công an trong việc xử lý Năm Cam hồi 1995. Ông nghĩ sao?
- Tôi khẳng định là thời điểm đó, Công văn 1333 là có căn cứ và đúng pháp luật. Có chăng thì là vấn đề nhận thức. Theo luật định, VKS có quyền kiến nghị, còn việc Bộ Nội vụ thực hiện hay kiến nghị lại thì đều đúng thẩm quyền.
Về chuyên môn, đến nay tôi thấy không có vấn đề gì. Nhưng ở mặt nhạy cảm nhận thức ở tầm vĩ mô tôi thấy nếu hồi đó phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng, với Bộ Nội vụ thì hiệu quả sẽ khác hơn.
(Theo Tiền Phong)