Buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề tác hại của rượu bia diễn ra trong bối cảnh Bộ Y tế vừa đưa ra dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và đang lấy ý kiến nhiều bên. Trong hai tiếng đồng hồ, ba vị khách mời là bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương và ông Trần Quốc Bảo - Trưởng phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Cục Y tế dự phòng) đã trả lời gần 50 câu hỏi, trong tổng hơn hơn gần 200 câu hỏi do độc giả gửi về.
Hầu hết các câu hỏi tập trung vào việc rượu bia có những tác động như thế nào đối với sức khỏe. Không ít người dẫn trường hợp cụ thể của bản thân hoặc người thân để nhờ các chuyên gia tư vấn.
Gạt bỏ những quan niệm sai lầm cho rằng uống rượu bia khiến da dẻ mịn màng, hay uống một chút tốt cho sức khỏe, thậm chí không uống rượu không phải đàn ông, tất cả khách mời đều thống nhất rằng tốt nhất cần đoạn tuyệt với rượu, bia.
Dưới đây là phần tư vấn của ba chuyên gia:
- Phụ nữ có bầu có được uống bia không? Nếu có thì uống như thế nào cho hợp lý? (Phạm Mạnh Trung, 28 tuổi, số 1 Nam Kỳ Khởi Nghĩa)
- Ông Trần Quốc Bảo - Trưởng phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Cục Y tế dự phòng):
Phụ nữ có bầu tốt nhất không nên uống bia, vì trong bia có chất cồn, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bào thai.
- Tôi là một doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn với đầy đủ đăng ký kinh doanh. Tôi có đọc Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia của Bộ Y tế đang lấy ý kiến, có vẻ như các quy định siết chặt mọi hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia khi các hoạt động tài trợ, khuyến mại, bán theo giờ...Trong khi việc cần làm là nâng cao ý thức của người tiêu dùng không quá lạm dụng đồ uống có cồn.
Bà Trần Thị Trang đại diện Bộ Y tế cho biết ý kiến về điều này? (Mai Tài, 34 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai)
- Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế):
Tôi xin trả lời câu hỏi như sau: Mục tiêu của Luật là phòng chống mặt tác hại của sử dụng rượu bia và giảm tỷ lệ sử dụng rượu bia đang gia tăng ở Việt Nam với các nhóm giải pháp chủ yếu là: giảm mức tiêu thụ, giảm tính sẵn có và dễ tiếp cận đối với rượu bia; kiểm soát việc cung cấp và giảm các tác hại của sử dụng rượu bia. Do đó, việc quản lý cấp phép, hạn chế khuyến mãi, quảng cáo, tài trợ, quản lý thời gian, địa điểm bán rượu bia... là cần thiết để thực hiện mục tiêu của Luật. Các giải pháp này được thực hiện đồng thời với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân thì mới đạt hiệu quả. Hơn 100 quốc gia trên thế giới cũng đang thực hiện việc kiểm soát rượu bia như các quy định của dự thảo Luật từ nhiều thập kỷ trước.
- Chồng em không uống được rượu, cũng không thích uống rượu nhưng thi thoảng phải đi tiếp khách hoặc bạn bè cũng uống. Nhưng mỗi lần uống đều đỏ mặt, ngứa người, gan bàn tay chân đỏ rực lên, cảm giác khô họng và mệt mỏi vô cùng. Những người không uống được rượu bia thì có hại đến cơ quan nội tạng nào nhiều nhất? (Loan, 30 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần trung ương:
Trước hết, đó là một trong những biểu hiện của dị ứng với rượu bia, vì vậy tốt nhất không nên uống, vì nếu tiếp tục uống biểu hiện dị ứng sẽ nặng hơn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và cơ thể.
Những trường hợp không uống được rượu bia mà vẫn cố uống thì trước hết ảnh hưởng đến dạ dày, gan, tụy và tâm thần. Nếu tình trạng này kéo dài, các rối loạn này sẽ không hồi phục và có thể gây ra các biến chứng như loét dạ dày tá tràng, viêm tụy mãn, viêm tụy cấp, tăng huyết áp, tiểu đường, suy giảm chức năng tình dục, ung thư dạ dày thực quản, hoang tưởng ảo giác, kích động, suy giảm trí nhớ, mất trí.
- Tôi thấy nhiều cụ già mỗi ngày uống một chén rượu vào bữa ăn hay thỉnh thoảng uống một cốc bia vẫn sống đến gần cả trăm tuổi, nên tôi không hiểu uống bao nhiêu thì bị coi là có hại cho sức khỏe. Nếu tôi uống rượu, bia chất lượng tốt và ở mức độ vừa phải và không thường xuyên thì có hại gì hay không? (Trần Thị Hồng Ánh, 36 tuổi, Thường Tín - Hà Nội)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, uống rượu bia ở mức độ nào cũng có nguy cơ tới sức khỏe. Vì vậy, nên hạn chế uống rượu bia ở mức thấp nhất.
Ví dụ của bạn chỉ là một vài trường hợp cụ thể, nhưng về nghiên cứu tổng thể cho thấy, rượu bia gây ảnh hưởng không tốt lên sức khỏe của hầu hết người uống.
- Thưa bà Trần Thị Trang, tôi được biết Bộ Y tế đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Phạm vi của Luật có đề cập đến các loại rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc ra sao? (Phạm Huy Vũ, 50 tuổi, Thanh Hóa)
- Bà Trần Thị Trang:
Việc kiểm soát và phòng chống các loại rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc hiện nay đã được quy định trong pháp luật về thương mại, an toàn thực phẩm, hình sự. Dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia cũng có các quy định liên quan đến phòng chống tác hại của các loại rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc như kiểm soát chất lượng, an toàn của các sản phẩm rượu bia, có một điều riêng về phòng chống rượu bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng; các quy định về cấp phép và kiểm soát nguồn gốc rượu bia cũng như việc tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng và tham gia phòng chống rượu bia lậu, không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó là xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về hành chính, hình sự.
- Việc cấm bán hay quảng cáo rượu, bia trên mạng xã hội và qua Internet sẽ được thực hiện và quản lý như thế nào? Hiện tại, việc bán rượu, bia qua Internet đang bị cấm nhưng khi vào Internet vẫn có thể dễ dàng mua bất kỳ sản phẩm nào. Nếu cấm mà không quản lý được thì có nên cấm không hay chỉ tạo điều kiện cho đối tượng bán rượu, bia giả, nhập lậu và cố tình vi phạm pháp luật. Bà Trần Thị Trang có ý kiến gì về vấn đề này? (Cao Vân, 61 tuổi, Quận Đống Đa)
- Bà Trần Thị Trang:
Hiện nay, Nghị định của Chính phủ đã cấm bán rượu trên Internet. Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa và có bổ sung quy định cấm bán rượu bia trên Internet. Việc quy định này là cần thiết để hạn chế việc mua rượu bia quá dễ dàng, không kiểm soát được chất lượng, bán rượu bia không có giấy phép, đặc biệt là trẻ em dễ mua rượu bia qua mạng mà không bị kiểm soát...
Việt Nam đã có đủ điều kiện về công nghệ để phát hiện các hành vi vi phạm trên Internet và nếu phát hiện vi phạm sẽ phải xử phạt nghiêm. Đây là một quy định hiệu quả nếu tổ chức thực hiện tốt.
- Em năm nay 23 tuổi. Em có đọc thông tin trên mạng khuyên nên uống bia mỗi ngày một cốc sẽ giúp da dẻ mịn màng, hồng hào. Bác sỹ cho em hỏi thông tin này có đúng ko, và làm như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe ko? (Thúy Vân, 23 tuổi, Hà Nội)
- Ông Trần Quốc Bảo :
Không có bằng chứng nào cho thấy uống rượu bia giúp da dẻ mịn màng, hồng hào. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, uống rượu bia ở mức độ nào cũng có nguy cơ đối với sức khỏe. Vì vậy, nên hạn chế uống rượu bia ở mức nguy cơ thấp. Tức là nếu có uống, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới không nên uống quá một đơn vị cồn trong một ngày. Trong một tuần, nên có ít nhất 2 ngày không uống rượu bia. Tuyệt đối không uống trong trường hợp điều khiển phương tiện giao thông, máy móc...
- Tình trạng rối loạn tâm thần do sử dụng rượu? Triệu chứng của sảng rượu, hội chứng nghiện rượu? Loạn thần do rượu...? Điều trị như thế nào với những trường hợp này? (Trương Hoài Thương, 25 tuổi, Bắc Giang)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Các rối loạn tâm thần do rượu bao gồm nhiễm độc rượu cấp, nhiễm độc rượu mạn, loạn thần do rượu (hoang tưởng, ảo giác), kích động, sa sút trí tuệ.
Sảng rượu có thể gặp do nhiễm độc rượu (say rượu) hoặc khi cai rượu (hội chứng cai).
Biểu hiện của sảng rượu bao gồm ảo giác, hoang tưởng, kích động, mạch nhanh, huyết áp tăng, vã mồ hôi, mất nước, mất điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong do trụy tim mạch.
Điều trị nghiện rượu: Trước hết, phải điều trị hội chứng cai rượu (tốt nhất là được điều trị tại bệnh viện vì có nguy cơ tử vong cao nếu điều trị ở nhà, truyền dịch 3-4 lít một ngày, tiêm vitamin B1 liều cao và thuốc Benzodiazepam liều cao giảm dần). Tiếp theo là điều trị các rối loạn cơ thể và tâm thần liên quan nếu có (tăng huyết áp, loét dạ dày, xơ gan, loạn thần...). Cuối cùng là phòng chống tái sử dụng rượu (chủ yếu diễn ra ở cộng đồng và gia đình).
Vai trò của liệu pháp tâm lý gia đình và nhận thức hành vi là rất quan trọng, người bệnh và gia đình cần phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc chuyên khoa tâm thần, tâm lý để điều trị có hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Tuấn trả lời phỏng vấn của độc giả.
- Thưa bà Trang, những cơ sở sản xuất rượu bia chứa methanol hoặc men kém chất lượng có thể gây ngộ độc rượu, ung thư... vậy Pháp luật xử lý như thế nào với trường hợp này? (Trương Hoài Thương, 25 tuổi, Bắc Giang)
- Bà Trần Thị Trang:
Rượu bia chứa methanol, kém chất lượng gây nguy hại cho sức khỏe của người uống, thậm chí có thể gây tử vong nên đã bị Pháp luật nghiêm cấm. Nếu phát hiện hành vi vi phạm này thì cần phải xử lý nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Dự Luật phòng chống tác hại của rượu bia cũng nghiêm cấm hành vi này.
- Tôi nghe nhiều người khuyên sử dụng rượu khoa học vẫn tốt cho sức khỏe, uống rượu bia như thế nào thì hợp lý thưa bác sĩ? (Thế Anh, 31 tuổi, Thái Bình)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, uống rượu bia ở mức độ nào cũng có nguy cơ với sức khỏe. Vì vậy, nên hạn chế uống rượu bia ở mức nguy cơ thấp. Tức là nếu có uống, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới không nên uống quá một đơn vị cồn trong một ngày.
Có một số bằng chứng cho thấy, nếu sử dụng rượu bia ở mức thấp, ví dụ dưới 1 đơn vị cồn trong một ngày có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ có được ở nhóm người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao thôi. Về mặt tổng thể, những lợi ích này không thể bù đắp nổi những thiệt hại về sức khỏe, kinh tế, xã hội do tác hại của rượu bia gây ra.
- Uống rượu bia quá nhiều có ảnh hưởng như thế nào? Người nghiện rượu bia có thể phải đối mặt với những căn bệnh gì? Nguy cơ khi sử dụng rượu bia kém chất lượng, bị pha với các loại hóa chất khác? (Trương Hoài Thương, 25 tuổi, Bắc Giang)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Uống rượu bia nhiều có nguy cơ cao dẫn đến bị lệ thuộc, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể và tâm thần, việc làm, xung đột gia đình và xã hội, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bạo lực gia đình và xã hội, cưỡng dâm phụ nữ và trẻ em.
Nguy cơ sử dụng rượu bia kém chất lượng pha lẫn các hóa chất khác: Ngoài những tác hại trên, nó còn chịu ảnh hưởng bởi những tạp chất được pha chế trong rượu. Ví dụ, như metanol (cồn công nghiệp) có thể gây suy đa tạng, mất não, tử vong.
- Các quy định hạn chế quảng cáo, kinh doanh rượu bia ảnh hưởng như thế nào đối với các ngành công nghiệp khác như du lịch, ẩm thực, văn hoá... Chính phủ đã có những đánh giá tác động về kinh tế và xã hội của dự luật này hay chưa? Kết quả như thế nào? (Trịnh Giang, 35 tuổi, Thanh Xuân)
- Bà Trần Thị Trang:
Việc hạn chế quảng cáo, kiểm soát kinh doanh rượu bia chặt chẽ là cần thiết để hạn chế việc tiếp cận dễ dàng và tiêu dùng rượu bia quá nhiều, nhất là phòng ngừa để trẻ em không sử dụng rượu bia.
Hiện nay, hơn 100 quốc gia đã có các quy định rất mạnh mẽ về hạn chế quảng cáo, kiểm soát chặt chẽ việc bán rượu bia và không có ghi nhận nào là rượu bia ảnh hưởng đến văn hóa, du lịch, ẩm thực. Ví dụ, các quốc gia theo Đạo Hồi cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia nhưng du lịch, văn hóa vẫn rất phát triển. Thái Lan kiểm soát chặt chẽ rượu bia nhưng du lịch vẫn đem lại nguồn thu lớn.
Chính phủ đã giao Bộ Y tế đánh giá tác động và cho thấy quy định này là cần thiết, giúp giảm bệnh tật, sử dụng rượu bia và không có các mối liên quan nào đến việc làm giảm kinh doanh du lịch, văn hóa, ẩm thực.
- Trong rượu có chất gì mà nhiều người lại nghiện nó. Có người lại còn phải đi cai như cai ma túy? (hoanganh, 38 tuổi, TPHCM)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Chất cồn có trong rượu bia chính là chất gây ra tác hại đối với sức khỏe và làm người uống bị lệ thuộc (nghiện) rượu bia.
Ông Trần Quốc Bảo - Trưởng phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Cục Y tế dự phòng).
- Bác sĩ có thể giải thích rượu tác động đến thần kinh ra sao thưa bác sĩ. Liệu uống rượu có thể gây ra bệnh thần kinh hay không? Tôi hỏi vì người nhà tôi hay uống, gần đây có dấu hiệu ngày càng hay nổi khùng, nói năng linh tinh dù lúc đó không bị say rượu. (thuongthuyet, 26 tuổi, HaNoi)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Chất cồn trong rượu bia gây nhiễm độc cấp tính hoặc mạn tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ý thức, ảnh hưởng đến hành vi, từ đó, gây ra các ảnh hưởng về sức khỏe và xã hội cho người uống và người xung quanh (ví dụ làm giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, tai nạn thương tích, bạo lực gia đình...).
- Tôi không hiểu tại sao quy định cấm bán rượu, bia vào những khung giờ nhất định có thể giúp giảm tại hại của rượu, bia, vì nếu đã xác định rượu, bia có hại thì uống lúc nào chẳng có hại, không lẽ uống trong một số giờ có hại hơn những giờ khác nên phải cấm? Có cơ sở khoa học nào cho việc cấm bán rượu theo giờ này không? (Trịnh Giang, 35 tuổi, Thanh Xuân)
- Bà Trần Thị Trang:
Quy định thời gian cấm bán rượu bia theo giờ được nhiều quốc gia áp dụng vì tính hiệu quả trong việc giảm tiêu thụ rượu bia, từ đó, giảm tác hại của rượu bia. Việc quy định cấm bán rượu bia sau 22h đến 6h ngày hôm sau giúp giảm việc tiêu thụ rượu bia và hạn chế lượng rượu bia uống quá nhiều, góp phần giảm tai nạn giao thông trong thời gian này. Bên cạnh đó, vào các thời gian khác đã có những quy định như cấm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng rượu bia trong giờ làm việc.
- Theo các nghiên cứu khoa học, uống rượu bia với lượng vừa phải lại có những tác động tốt đối với sức khỏe. Vậy ngưỡng an toàn đối với phần lớn người Việt Nam là bao nhiêu? (tùy từng loại rượu/bia, nồng độ cồn, nhóm đối tượng...). Khi nào thì uống rượu bia là ảnh hưởng tiêu cực đối với cơ thể? (Trương Hoài Thương, 25 tuổi, Bắc Giang)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống rượu với lượng vừa phải tốt cho sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngưỡng uống rượu bia an toàn với một người đàn ông là dưới 2 đơn vị cồn một ngày, phụ nữ là dưới một đơn vị (một đơn vị rượu tương đương 10 gam cồn nguyên chất, hoặc 425ml bia hơi, 285ml bia lon 5% độ, 120ml rượu vang, 60ml rượu 20 độ, 30ml rượu 40 độ...).
Uống rượu bia ảnh hưởng tiêu cực đối với cơ thể khi chúng ta uống rượu bia quá liều lượng cho phép (như đã nêu ở trên), khi bị các bệnh cơ thể (gan, tụy, tim mạch, tiểu đường...) và các rối loạn tâm thần (động kinh, tâm thần phân liệt, loạn thần cảm xúc...)
- Một ngày chúng ta uống khoảng bao nhiêu rượu, bia là vừa? (NguyenNhat, 32 tuổi, HoChiMinh)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Tốt nhất là không nên uống rượu bia. Nếu có uống, bạn nên hạn chế ở mức nguy cơ thấp. Tức là, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn, nữ giới không nên uống quá một đơn vị cồn trong một ngày. Một tuần ít nhất có hai ngày không uống.
Trong đó, 1 đơn vị cồn bằng 10 gam cồn nguyên chất, tương đương 2/3 lon bia 5%, 330 ml, hoặc 1 chén 30 ml rượu mạnh.
- Các dấu hiệu của việc loạn thần khi uống rượu bia quá nhiều? (Ngọc, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Biểu hiện thường gặp khi uống bia rượu quá nhiều là hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại, khó kiềm chế cảm xúc, dễ bùng nổ, xung đột với mọi người, kích động, ảo giác xúc giác, ảo thị, suy giảm trí nhớ, mất trí...
- Tôi bị đau dạ dày, do đặc thù công việc, tôi thường xuyên gặp khách hàng nên rượu bia là không tránh khỏi. Thưa bác sĩ, nếu tôi không hạn chế được thì sức khỏe có thể bị ảnh hưởng như thế nào ạ? (lequynh, 36 tuổi, HaNoi)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Tốt nhất, bạn không nên uống rượu bia. Rượu bia không những gây tổn thương niêm mạc dạ dày, làm bệnh của bạn nặng thêm mà còn gây xơ gan, viêm tụy cấp và mạn tính cùng nhiều bệnh khác của đường tiêu hóa.
Trường hợp của bạn nên gặp bác sỹ để được tư vấn thêm.
- Thưa bà Trang, tôi xin được hỏi, những người buôn bán rượu bia phải đóng các loại thuế gì? Có thể tăng thuế trong mặt hàng này để giảm lượng người tiêu thụ rượu bia hay không? (Hoàng Nguyễn, 28 tuổi, Hà Nội)
- Bà Trần Thị Trang:
Rượu bia là hàng hóa không được khuyến khích tiêu dùng nên ngoài các loại thuế như các hàng hóa thông thường khác (VAT, thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu), rượu bia còn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia ở Việt Nam hiện nay còn thấp so với nhiều nước khác, chỉ chiểm khoảng 30% giá bán lẻ (các nước trên thế giới chiếm từ 50% đến 85% giá bán lẻ) nên đúng như bạn nói, chúng ta cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia để giảm tiêu dùng rượu bia, ít nhất là theo mức bằng với các nước trong thời gian tới.
- Uống rượu nhiều có ảnh hưởng đến gan không? Chồng tôi mỗi lần uống rượu mồ hôi đều túa ra đầm đìa, như vậy có bệnh gì không? (Hang Tran, 32 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Uống rượu nhiều có nguy cơ gây gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan.
Mỗi lần uống rượu mồ hôi đều túa ra đầm đìa là biểu hiện bất thường cần phải đến khám thầy thuốc để tìm nguyên nhân.
- Thưa bác sĩ, chị em thường xuyên uống rượu có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này hay không. Có phải trước hay đi nhậu nhẹt, con sinh ra có thể bị ảnh hưởng? (doquyen, 30 tuổi, HaNoi)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Phụ nữ thường xuyên uống rượu bia sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, đặc biệt, sử dụng rượu bia khi mang thai có thể làm cho trẻ sinh ra bị dị dạng, chậm phát triển, tổn thương hệ thần kinh và rối loạn tâm thần.
- Theo bà Trần Thị Trang, việc quảng cáo bia tràn lan trên tivi, phát liên tục mỗi giờ ăn cơm, giải trí như hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến giới trẻ, thanh niên, học sinh, sinh viên. Các cháu sẽ xem việc uống bia là sành điệu, bình thường như uống nước giải khát, đúng hay không? (Hoa Phượng, 45 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)
- Bà Trần Thị Trang:
Đúng là việc quảng cáo bia hiện nay chưa bị kiểm soát nên đang có tác động lớn đến giới trẻ và làm tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia trong lứa tuổi này. Một nghiên cứu mới nhất cho thấy, có đến hơn 44% học sinh uống cốc rượu, bia đầu tiên trước tuổi 15 và 20% đã uống say ít nhất một lần, thậm chí 70% số vụ phạm pháp hình sự trước tuổi 30 có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia. Đây là hệ lụy lớn đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của giới trẻ - nguồn lực tương lai của đất nước.
Lượng bia tiêu dùng ở Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng gần gấp đôi (năm 2012 là 2,8 tỷ lít, đến 2017 đã là 4 tỷ lít bia, bình quân mỗi năm tăng thêm 250 triệu lít - một con số quá lớn) do chưa có quy định kiểm soát chặt chẽ đối với bia, tâm lý sai lầm khi coi bia là đồ uống giải khát thông thường và ảnh hưởng của các quảng cáo tràn lan. Do đó, cần có các quy định để kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo bia, góp phần giảm tiêu dùng bia đang gia tăng nhanh, bảo vệ giới trẻ.
Từ thực trạng trên, Dự luật đã đề xuất có các quy định chặt chẽ để hạn chế quảng cáo bia nhất là quảng cáo hướng đến giới trẻ.
- Người Việt thường có thói quen ngâm rượu với nhiều loại nguyên liệu từ thực vật, đến động vật. Vậy những loại rượu ngâm này tác động đến sức khỏe như thế nào? (van, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Trong một số loài thực vật, động vật có một số dẫn xuất có tác dụng chữa một số bệnh khi ngâm với rượu. Việc sử dụng nó cần phải có ý kiến của thầy thuốc tránh chỉ định sai gây hại cho sức khỏe. Ví dụ, thực vật nào chữa bệnh nào, cách sử dụng, đường sử dụng. Nếu sai chỉ định sẽ gây tác hại cho cơ thể.
Ông Nguyễn Minh Tuấn.
- Theo tôi được biết, nếu uống rượu bia một lượng phù hợp thì sẽ tốt cho sức khỏe, như vậy có đúng không? Nếu đúng thì lượng rượu bia đó vào khoảng bao nhiêu?
Trong công việc, việc tiếp khách và uống bia rượu rất khó tránh, vậy làm thế nào để giảm thiểu tác hại của rượu bia? Các loại thuốc giải rượu và các thức uống giải rượu nào thực sự có tác dụng tốt cho cơ thể? (Đặng Thị Huyền Anh, 23 tuổi, TP Hồ Chí Minh)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Uống rượu bia ở mức độ nào cũng có nguy cơ với sức khỏe. Trường hợp có uống, bạn nên kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp. Ngoài ra, nên uống từ từ kết hợp với vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc. Rượu bia được sử dụng phải bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu bia. Sau khi uống, không nên tham gia các hoạt động ngoài trời, tại những nơi nguy hiểm (dễ bị ngã, va chạm...).
- Bố tôi đang bị mắc bệnh hở van tim hai lá thể nhẹ, liệu điều này có phải do uống rượu bia? (Thuy, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Có nhiều nguyên nhân gây hở van tim hai lá, cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để biết nguyên nhân và có biện pháp can thiệp phù hợp. Tuy nhiên, việc bố bạn bị hở van tim hai lá thể nhẹ, càng không nên uống rượu.
- Trong ngày ''đèn đỏ'', phụ nữ uống rượu bia sẽ ảnh hưởng như thế nào thưa bác sĩ? (hoahue, 30 tuổi, HaNoi)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Phụ nữ uống rượu bia trong những ngày này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu kéo dài. Tốt nhất là không nên uống rượu bia.
- Xin được hỏi các bác sỹ: Cháu bị viêm gan B mạn tính, cuối năm 2017 virus hoạt động mạnh tuy nhiên hiện nay cháu đã điều trị bằng thuốc tây cơ bản đã ổn định (định lượng virus dưới ngưỡng phát hiện). Cháu làm bên ngành xây dựng thường xuyên phải đi tiếp khách, vậy câu hỏi của cháu là đối với người bị viêm gan B như cháu phải kiêng tuyệt đối bia rượu hay không? có ngưỡng tối thiểu nào trong việc sử dụng bia rượu mà không ảnh hưởng tới sức khỏe không ạ? xin cảm ơn bác sỹ! (Ngô Trí Vĩnh, 33 tuổi, Nghệ An)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Trường hợp của bạn bị viêm gan B mạn tính nên không nên uống rượu bia, vì rượu bia sẽ làm nặng thêm các tổn thương viêm gan. Bạn nên gặp bác sỹ điều trị để được tư vấn thêm.
- Gia đình tôi có 3 người đàn ông. Nếu trung bình một tuần tiêu thụ khoảng một thùng bia 30 lon thì có phải là quá nhiều không? (Thu Hằng, 20 tuổi, Ninh Bình)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người đàn ông không nên uống quá 2 đơn vị cồn một ngày và không nên quá 5 ngày trong một tuần. Tuy nhiên, các bạn nên nhớ rằng, rượu bia là chất gây nghiện nếu uống thường xuyên. Nếu 3 người đàn ông nhà bạn uống liên tục như vậy nhiều tuần, nhiều tháng sẽ dẫn đến bị nghiện và buộc phải tăng liều, sẽ gây hậu quả cho họ và gia đình.
- Theo Bộ Y tế, 70% rượu không kiểm soát gây thất thu 2.000 tỷ mỗi năm. Cơ quan soạn thảo luật có đề xuất gì để kiểm soát vấn đề hai trong một này? (Nguyễn Hoài Nam, 22 tuổi, Đống Đa)
- Bà Trần Thị Trang:
Dự luật phòng chống tác hại rượu bia rất chú trọng điều chỉnh vấn đề này bằng nhiều biện pháp, quy định như: phòng chống rượu nhập lậu kém chất lượng; kiểm soát chất lượng rượu thủ công, giao Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường quản lý, tổng rà soát sản lượng, kiểm tra chất lượng rượu thủ công trong toàn tỉnh và phải hoàn thành trước ngày 1/1/2022; hướng dẫn người dân sản xuất rượu thủ công đảm bảo các chỉ tiêu an toàn; có các biện pháp hỗ trợ người dân đăng ký kinh doanh; vận động tuyên truyền và có các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề để người dân từng bước chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công không có đăng ký kinh doanh cũng như quy định biện pháp bảo đảm kinh phí cho phòng chống tác hại của rượu không được kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nếu dự luật này được thông qua và tổ chức thực hiện nghiêm túc thì sẽ hạn chế tình trạng rượu không kiểm soát.
Bà Trần Thị Trang lựa chọn câu hỏi quan trọng.
- Cậu tôi năm nay gần 60 tuổi. Cậu uống rượu rất nhiều từ thời trẻ, giờ gan có dấu hiệu bị xơ, da đen xạm, người gầy. Mọi người khuyên ngăn hạn chế mà cậu không chịu, đúng kiểu bị nghiện rượu. Giờ cậu phải làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Hoặc có cách nào để hạn chế cơn thèm rượu? (Hương Ngân, 29 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Chắc chắn cậu của bạn bị nghiện rượu và đã gây ra nhiều hậu quả cho cơ thể. Tuy nhiên, cậu của bạn không chịu bỏ rượu, vì vậy bạn và gia đình nên tìm mọi cách bắt buộc cậu phải đi điều trị tại bệnh viện (cai rượu và điều trị các bệnh cơ thể liên quan).
- Uống bao nhiêu rượu, bia thì có thể lái xe, thổi nồng độ mà không bị làm sao vậy bạn sĩ? (Phi, 30 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, nghiêm cấm việc sử dụng rượu bia khi lái xe ô tô. Đối với người lái xe máy, không được uống quá một đơn vị cồn khi tham gia giao thông. Ví dụ, dưới 425ml đối với bia hơi, dưới 285ml với bia lon, dưới 120ml với rượu vang, dưới 60ml với rượu 20 độ, dưới 30ml với rượu 40 độ.
- Thưa ông Nguyễn Minh Tuấn, bố chồng tôi năm nay 60 tuổi, bữa ăn nào ông cũng uống 1-2 lon bia, đều đặn, có khi uống tới 3 lon một bữa. Điều này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Ông có tiền sử cao huyết áp. Xin cảm ơn. (Mai Trang, 26 tuổi, Long Biên, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Vì bố chồng bạn có tiền sử cao huyết áp nên tốt nhất không nên uống rượu bia vì nguy cơ gây tăng huyết áp.
- Nguy hiểm nhất là uống say rồi lái xe, vậy luật phòng, chống tác hại rượu, bia sắp tới xử lý vấn đề này như thế nào? (Nguyen Thu, 50 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)
- Bà Trần Thị Trang:
Các luật về an toàn giao thông đã có quy định nghiêm cấm, hoặc hạn chế lái xe có uống rượu bia. Dự luật này có quy định thêm nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng lái xe có sử dụng rượu bia như: tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng rượu bia; thực hiện các biện pháp chủ động kiểm tra nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông; đưa nội dung về phòng chống tác hại rượu bia vào các chương trình đào tạo thi cấp phép lái xe... và xử phạt các hành vi vi phạm.
- Con tôi đứa nhỏ 4 tuổi, đứa lớn 10 tuổi. Mỗi lần nhà có tiệc ăn uống, bố chúng nó lại cho chúng nó uống vài hớp bia mỗi khi bọn trẻ con đòi. Tôi can nhưng anh cho rằng không vấn đề gì vì uống ít, lại cho rằng bây giờ nên nhấm cho quen, sau này lớn uống không say. Bác sĩ cho hỏi trẻ con uống mỗi lần như vậy vài hớp nhỏ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? (Thanh Thanh, 31 tuổi, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Trẻ em không nên uống rượu bia. Pháp luật Việt Nam cũng quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi.
Bằng chứng khoa học cho thấy, rượu bia có tác động tới quá trình hình thành và phát triển của não. Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với những tác động này. Rượu bia làm trẻ em giảm khả năng tư duy, học tập và gây rối loạn hành vi. Nghiên cứu cũng cho thấy, những người bắt đầu uống rượu bia trước 15 tuổi thì sau khi trưởng thành, có nguy cơ bị nghiện rượu bia, gây tai nạn giao thông và bạo lực cao gấp nhiều lần so với những người tới 21 tuổi mới bắt đầu uống.
Ông Trần Quốc Bảo
- Trong quá trình uống thuốc (kháng sinh), nếu uống một vài ngụm bia thì có ảnh hưởng gì đến quá trình điều trị bệnh không bác sĩ? (Sơn, 45 tuổi, Ninh Bình)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Trong quá trình uống thuốc kháng sinh, tốt nhất không nên uống rượu bia. Còn nếu bạn trót uống một vài ngụm bia cũng không nên lo lắng quá.
- Nhà tôi có em bé, cháu mới được 15 tháng, thi thoảng ông bà lại cho cháu một thìa nhỏ bia gọi là chấm mồm chấm miệng. Liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu không? (Hữu Tình, 35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Như vậy, ông bà của bạn đã góp phần gây nguy cơ cao nghiện rượu bia cho con của bạn về sau.
- Trong nhiều văn bản của Tổ chức Y tế thế giới, tôi thấy họ thường dùng thuật ngữ dịch ra tiếng Việt là "sử dụng đến mức có hại" hoặc "lạm dụng" chứ không thấy nói đến tác hại của rượu, bia như cách mà cơ quan quản lý thường nói. Phải chăng các cơ quan của Việt Nam có cách nhìn nhận khác với tổ chức Y tế thế giới về vấn đề tác hại của lạm dụng rượu, bia? (Nguyễn Khắc Thìn, 30 tuổi, Hà Nội)
- Bà Trần Thị Trang:
Hiện nay, thế giới không dùng thuật ngữ "lạm dụng rượu bia" vì nếu đã để đến mức lạm dụng mới phòng chống tác hại thì đã quá muộn, hậu quả sẽ vô cùng trầm trọng, khó khắc phục và tốn kém hơn rất nhiều.
Hiện nay, WHO và các chuyên gia quốc tế không sử dụng thuật ngữ "lạm dụng rượu bia" nữa và khuyến cáo cần phải can thiệp sớm ngay từ khi bắt đầu sử dụng rượu bia. WHO cũng khuyến cáo không có mức an toàn cho sử dụng rượu bia do chất cồn trong rượu bia là chất gây nghiện và có tác hại đến sức khỏe của người sử dụng ở các mức độ khác nhau. Bởi vậy, Việt Nam chú trọng vào việc phòng chống tác hại của rượu bia là phù hợp và cần thiết, hoàn toàn thống nhất với tổ chức Y tế thế giới và xu hướng của các nước hiện nay.
- Bao nhiêu tuổi thì có thể uống rượu, bia? Người trẻ như chúng cháu uống bia thì có ít tác hại hơn rượu không? (Nguyễn Tuấn Cường, 16 tuổi, Hà Nam)
- Bà Trần Thị Trang:
Cháu 16 tuổi đúng không? Cháu còn rất trẻ nên ngoài việc học, cháu nên tham gia thể thao thường xuyên hơn để có vóc dáng đẹp và bắt bóng hay như thủ môn Bùi Tiến Dũng hơn là nghĩ đến việc uống rượu bia cháu nhé. Chúc cháu vui và nhớ cổ vũ cho trận đấu chiều nay của đội tuyển U23 Việt Nam.
- Bố tôi hay uống rượu, hầu như ngày nào cũng uống nhưng uống ít, khoảng 2-3 cốc nhỏ thì có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không thưa bác sĩ? (Mai Hoa, 25 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Trường hợp của bố bạn, nếu có uống thì cũng không nên uống quá 2 cốc nhỏ một ngày, không quá 5 ngày trong một tuần. Tốt nhất, bạn nên đưa bố đi khám sức khỏe định kỳ.
- Tôi muốn hỏi ông Nguyễn Minh Tuấn và ông Trần Quốc Bảo: Các ông có phương pháp nào giúp cho người tái nghiện rượu nhiều lần có thể cai hẳn được không?
Trong điều trị những bệnh nhân nghiện rượu, điều gì cần lưu tâm nhất? (Lương Thế Tài, 39 tuổi, Hồng Bàng, Hải Phòng)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Việc điều trị chống tái nghiện ma túy đã khó, tuy nhiên điều trị chống tái nghiện rượu còn khó hơn do rượu dễ tìm kiếm, giá rẻ, tập tục văn hóa xã hội... và không bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, điều trị chống tái nghiện rượu vẫn có thể thành công nếu có sự tham gia quyết liệt của gia đình, bạn bè và thầy thuốc.
Ông Nguyễn Minh Tuấn.
- Do tính chất công việc tôi phải uống rất nhiều rượu. Để bảo vệ gan cũng như sức khỏe, tôi nên ăn uống như thế nào, sử dụng thực phẩm chức năng gì? Tôi không thể bỏ rượu vì đó là công việc của tôi. (Anh Vũ, 34 tuổi, Bình Dương)
- Bà Trần Thị Trang:
Gan là cơ quan chuyển hóa rượu chính của cơ thể do đó, việc bạn uống nhiều rượu sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thậm chí, nguy cơ xơ gan, ung thư gan do rượu là rất cao. Bạn nên cố gắng hạn chế số lần uống và lượng rượu bia mỗi lần uống để giảm nguy cơ cho sức khỏe.
- Bộ Y tế có đưa ra tiêu chuẩn nào về việc uống rượu bia bao nhiêu là có hại không? Tôi thấy nhiều tài liệu nói uống ít không những không có hại mà còn tốt cho sức khỏe? (Chu Minh Hải, 30 tuổi, Quận Đống Đa)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Thực tế, không có một tiêu chuẩn chung về việc uống bao nhiêu là có hại, bởi nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia. Nói cách khác, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Trường hợp có uống thì nên uống ở mức nguy cơ thấp. Tức là, nam giới không uống quá 2 đơn vị cồn, nữ giới không nên uống quá 1 đơn vị cồn một ngày và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Trẻ em và vị thành niên không nên uống rượu bia.
- Thưa bác sĩ, mỗi khi uống rượu dù ít hay nhiều tôi đều mất ngủ, đầu óc tỉnh táo dù cơ thể mệt mỏi. Bác sĩ có thể giải thích tại sao không ạ? (Lê Linh, 34 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Rượu là chất gây yên dịu, khi uống nhiều sẽ gây buồn ngủ. Việc bạn uống rượu dù ít hay nhiều đều mất ngủ, đầu óc tỉnh táo dù cơ thể mệt mỏi có thể bạn đang bị rối loạn lo âu. Bởi vì rượu làm cho bạn bớt lo lắng nên bạn cảm thấy tỉnh táo, và khi bạn tỉnh táo thì bạn không buồn ngủ, nhưng nó không làm hết triệu chứng mỏi mệt của bạn. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên đến khám thầy thuốc chuyên khoa tâm thần để được thăm khám và giải thích hợp lý.
- Các bạn của tôi thường nói, đàn ông mà không biết uống rượu thì không phải đàn ông. Vậy ý kiến của bác sĩ như thế nào? (Lan Anh, 38 tuổi, TP HCM)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Bạn hãy trả lời các bạn của bạn rằng, tôi chỉ cần phụ nữ biết tôi là đàn ông là được rồi.
- Bố tôi 67 tuổi thường xuyên nhậu vừa rồi đi khám lượng đường đo được ở mức 200 mg/dl bác sĩ kết luận tiểu đường. Cả nhà nói rượu là mầm mống gây bệnh nhưng ông cố chấp không thể bỏ hẳn rượu. Xin hỏi các vị khách mời, ngoài tiểu đường, bố tôi còn nguy cơ mắc các bệnh gì? Tôi sẽ dẫn nội dung bài phỏng vấn trực tuyến hôm nay để ông đọc.
Cảm ơn các vị. (Lê Thị Hạnh, 40 tuổi, Nam Định)
- Ông Trần Quốc Bảo:
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp (góp phần) của khoảng 200 loại bệnh tật và chấn thương. Sau đây là một số bệnh liên quan đến rượu bia:
- Rối loạn tâm thần kinh như động kinh, trầm cảm, lo âu và các rối loạn khác.
- Bệnh đường tiêu hóa như: xơ gan, làm nặng thêm các tổn thương do viêm gan, viêm tụy cấp, mạn tính.
- Làm tăng nguy cơ gây ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
- Làm suy giảm miễn dịch, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh viêm phổi, lao.
- Uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
- Gây nguy cơ tai nạn thương thương tích.
Nói tóm lại, nếu bố bạn tiếp tục uống rượu bia sẽ làm nặng thêm bệnh tiểu đường và gây nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm khác.
- Các loại rượu ngâm hoa quả như sim, táo mèo, nho uống có tốt cho sức khỏe không, nếu uống điều độ? (Chi Chi, 40 tuổi, Thái Bình)
- Bà Trần Thị Trang:
Hiện nay, tôi chưa thấy có bằng chứng khoa học nào chứng minh các loại rượu này tốt cho sức khỏe. Sản phẩm này vẫn chứa cồn nên sẽ gây nguy cơ đến sức khỏe của người uống như các sản phẩm rượu khác.
- Tôi được bạn bè và đồng nghiệp khuyên mỗi ngày nên uống một ly rượu vang hoặc một cốc bia để tốt cho sức khỏe. Tôi cũng đã thực hiện được vài năm nay và thấy sức khỏe bản thân cũng tốt, vậy cho tôi hỏi điều này có đúng không? (Sơn Ca, 27 tuổi, Đông Anh - Hà Nội)
- Ông Nguyễn Minh Tuấn:
Việc uống rượu bia hay không, uống loại nào, uống như thế nào, bao nhiêu là đủ tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh của bạn... Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc, những người có chuyên môn chứ không nên làm theo lời khuyên của bạn bè không có chuyên môn.
Bây giờ đã là 4h chiều, đội tuyển bóng đá Việt Nam cũng bắt đầu, chúng tôi xin dừng buổi phỏng vấn tại đây để tất cả chúng ta có theo dõi và cổ vũ cho đội tuyển của chúng ta.
VnExpress
Ảnh: Giang Huy