From: tien si luat Cu Huy Ha Vu
To: vne-xahoi
Sent: Saturday, April 08, 2006 10:03 AM
Subject: CACH CHUC NGAY BO TRUONG DAO DINH BINH
Khoản 7 điều 84 Hiến pháp và khoản 7 điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội; khoản 3, điều 20 Luật tổ chức Chính phủ, quy định: “Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ”. Điều đó đồng nghĩa với việc phải đợi Quốc hội họp mới xử lý được chức vụ Bộ trưởng của ông Bình.
Thực ra, việc miễn nhiệm hay cách chức đối với ông Bình có thể thực hiện ngay lập thông qua hai cơ chế sau:
Một là, căn cứ khoản 3, điều 20 Luật tổ chức Chính phủ (trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ), Chủ tịch nước có thể ngưng chức ông Bình trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng.
Hai là, căn cứ Điều 11 Luật Tổ chức Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ, yêu cầu cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước hữu quan thực hiện những kiến nghị mà Uỷ ban Thường vụ xét thấy cần thiết), Uỷ ban có thể yêu cầu Thủ tướng đình chỉ hoặc cách chức ông Bình.
Với những cơ sở pháp lý trên, không có lý do gì để trì hoãn việc ngưng chức ông Bình. Vấn đề còn lại là trong trường hợp này nên cho từ chức, miễn nhiệm hay cách chức mà thôi.
Căn cứ Điều 87 Luật Tổ chức Quốc hội (người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm, nếu vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức), ông Bình có thể xin từ chức. Nhưng với điều kiện hành vi này phải được thực hiện trước khi có quyết định của Thủ tướng tạm đình chỉ chức vụ của ông Bình.
Nói cách khác, ông Bình không còn quyền chủ động xin từ chức nữa và cũng vì thế cơ chế cho từ chức cũng không thể được áp dụng.
Miễn nhiệm thường chỉ áp dụng trong trường hợp đương sự không đủ năng lực quản lý, không đủ sức khỏe hoặc được điều đi nhận nhiệm vụ khác.
Những sai phạm tại Bộ GTVT, PMU 18 là vô cùng nghiêm trọng và thực sự là tội như cách đánh giá của Thủ tướng trong cuộc họp chiều 5/4. Đó là chưa nói tới vụ đổ tàu E1, và xa hơn nữa, vụ sai phạm gần 20 tỷ đồng đầu tư nâng cấp 9 cầu đường sắt khi ông còn là Tổng giám đốc Liên hiệp đường sắt VN...
Ông Bình từng hùng hồn tuyên bố việc từ chức bộ trưởng chỉ là " ý kiến của cá nhân của anh Tiến (nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến), chứ tôi không có ý định đó". Ông cũng không chịu từ chức ngay cả khi Thủ tướng tuyên bố: “Để xảy ra sai phạm, người đứng đầu đơn vị phải thôi chức”.
Thậm chí cho đến tận cuộc họp mới đây, ông Bình còn tìm cách lái vụ tham nhũng lớn bậc nhất nước ở PMU 18 thành vụ đánh bạc đơn thuần và lỗi của ông dường như chỉ là thất bại trong việc không nhìn thấy trước con bạc trong con người Bùi Tiến Dũng và các thuộc hạ.
Mặt khác, chỉ riêng việc ông không cho mình phải chịu trách nhiệm trước nhân dân mà chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng khi đối mặt với những chất vấn của các đại biểu quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, cũng như việc ông cho rằng chỉ Đảng và Nhà nước mới kỷ luật được ông khi vụ PMU 18 vỡ tung tóe, cũng đủ bãi chức ông rồi.
Cách chức ngay Bộ trưởng Đào Đình Bình không chỉ là yêu cầu của pháp luật mà còn là đòi hỏi sống còn để nhân dân còn tin vào quyết tâm chống tham nhũng, quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước.
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ