Người gửi: Kim Huy
Hoa hậu Hoàn vũ thuộc top 3 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh (cùng với Hoa hậu Thế giới - Miss World và Hoa hậu Trái đất - Miss Earth). Đây là sự kiện văn hóa thu hút sự tham gia của các nước ở khắp năm châu. Không những thế, uy tín và quy mô cuộc thi này ngày càng lớn mạnh. Thành tích của một quốc gia trên "đấu trường sắc đẹp" được tính ra điểm dựa trên thành tích mà quốc gia đó đạt được tại top 3 cuộc thi trên, trong đó điểm tính cho Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới là như nhau và cao hơn Hoa hậu Trái đất. Từ đó cho thấy, Hoa hậu Hoàn vũ được đánh giá tương đương với Hoa hậu Thế giới.
Trong suốt quá trình tổ chức, hàng loạt cơ quan thông tấn, truyền hình khắp nơi trên thế giới liên tục đưa tin, cập nhật hình ảnh về diễn biến cuộc thi. Trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là diễn đàn văn hóa, những đấu trường sắc đẹp lớn như Hoa hậu Hoàn vũ cũng là chủ đề hấp dẫn, thu hút rất nhiều bình luận về các thí sinh, dự đoán kết quả cuối cùng cũng như post tranh ảnh quảng bá cho người đẹp của quốc gia mình.
Do đó, được đăng cai một sự kiện lớn như Miss Universe là cơ hội tuyệt vời để quảng bá cho mỗi nước, không chỉ giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử quốc gia mà còn giúp bạn bè thế giới hiểu biết toàn diện và sâu sắc hơn về nền văn hóa.
Vì vậy, việc BTC Miss Universe có nhã ý chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức cuộc thi vào năm 2008 là một “vinh dự” rất lớn. Nhưng tôi thật bất ngờ khi lại thấy có những ý kiến như của Minh Ngọc. Nếu ở một quốc gia khác thì có lẽ họ đã chớp thời cơ ngay rồi chứ không ngồi phán xét, lưỡng lự như chúng ta. Đừng nói 15 triệu USD là nhiều, đó là cái giá quá thấp cho những lợi ích lớn lao từ việc tổ chức cuộc thi mang lại. Bởi Hoa hậu Hoàn vũ là sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, quy mô của nó không chỉ giới hạn trong một vài nước, một khu vực địa lý mà là khắp năm châu, nên tất yếu phải đảm bảo điều kiện vật chất cần thiết như bất kỳ một sự kiện văn hóa lớn khác.
Hãy nghĩ xem, để tổ chức SEAGames 22 (mặc dù chỉ là một sự kiện thể thao mang tính khu vực), chúng ta đã phải bỏ bao nhiêu tiền để xây mới, nâng cấp hàng loạt sân vận động, nhà thi đấu... chứ chưa nói đến một cuộc thi có quy mô lớn như Hoa hậu Hoàn vũ. Tôi cho rằng cái giá 15 triệu USD không hề đắt và chúng ta hoàn toàn có khả năng lo được, thậm chí có thể huy động từ các nhà tài trợ và chỉ cần một phần hỗ trợ nhỏ từ Chính phủ.
Theo tôi, nếu đăng cai Hoa hậu Hoàn vũ, uy tín và hình ảnh của Việt Nam sẽ nâng cao lên rất nhiều, đặc biệt là ấn tượng về một đất nước tươi đẹp, con người mến khách và nền văn hóa giàu bản sắc.
Ngoài ra, sau cuộc thi, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm để hội nhập dần với thế giới trên lĩnh vực "sắc đẹp" nhờ học hỏi được cách thức tổ chức, cách làm việc của quốc tế. Từ đó, chúng ta sẽ chuyên nghiệp, bài bản hơn trong việc đào tạo và tuyển chọn những thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp lớn.
Ngoài ra, một số bạn còn băn khoăn rằng việc xây dựng sân khấu hoành tráng phục vụ cuộc thi là lãng phí. Tôi cho rằng đó là ý kiến hồ đồ. Mỗi năm nước ta tổ chức biết bao nhiêu sự kiện văn hóa lớn nhỏ, nào là Sao Mai, Sao Mai Điểm hẹn, Hoa hậu Việt Nam (gần đây là Hoa hậu Thế giới người Việt), Liên hoan phim quốc gia, Duyên dáng Việt Nam...
Biết đâu sau sự kiện Hoa hậu Hoàn vũ, chúng ta lại có thêm một sân khấu hoành tráng, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế chuyên để tổ chức các sự kiện văn hóa lớn. Hãy so sánh hệ thống sân vận động và nhà thi đấu của nước ta trước và sau SEA Games 22 sẽ thấy rõ sự khác biệt. Hãy so sánh vị thế của Việt Nam trước và sau SEA Games 22, chí ít là trong khu vực, cũng sẽ thấy được sự khác biệt. Tôi khẳng định Miss Universe còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều SEA Games 22 bởi nó thu hút sự theo dõi của toàn thế giới.
Vì vậy, được chọn làm địa điểm tổ chức Miss Universe là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam mà nhiều quốc gia đang thèm muốn cũng không được. Mặt khác, điều kiện mà BTC đưa ra cũng không phải là quá khó đối mà hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta.
Tôi nghĩ nếu không vì tình cảm cá nhân của bà Paula Mary Shugart với Việt Nam (bởi bà và người cha của bà đã từng sống và làm việc 5 năm tại Việt Nam) thì còn lâu chúng ta mới có được vinh dự này (bởi uy tín và thành tích mà chúng ta đạt được trên trường đua "sắc đẹp" quốc tế rất thấp, hầu như không có "thương hiệu" gì, trong khi cuộc thi thường ưu tiên quyền tổ chức cho những ứng viên thường xuyên tham gia và giành thành tích cao tại các cuộc thi sắc đẹp lớn). Vì vậy, không có lý do nào để chúng ta chối từ cơ hội lớn ấy. Hãy tích cực lao vào thì mới mau trưởng thành, lúc nào cũng dè dặt nhút nhát thì chúng ta mãi mãi theo sau các quốc gia khác trên thế giới, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong cả lĩnh vực văn hóa.