Kem chống nắng nếu dùng không hợp lý có thể gây ung thư da. |
Đó là khẳng định của giáo sư Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng Việt Nam. Ông An cho biết, việc mỹ phẩm giả và kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường là nguyên nhân khiến các trường hợp dị ứng mỹ phẩm ngày một tăng (đã có trường hợp tử vong). Theo điều tra của khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có ít nhất 7-9% số người sử dụng mỹ phẩm bị dị ứng, hầu hết nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng.
Các loại mỹ phẩm hay gây dị ứng: - Kem dưỡng da. - Phấn. - Nước hoa. - Thuốc nhuộm tóc. - Sữa rửa mặt. - Dầu gội đầu. - Son môi. - Xà phòng tắm. |
Mỹ phẩm bao gồm tất cả những chế phẩm tác động theo cách tiếp xúc trên bề mặt cơ thể như da, tóc, móng tay chân, biểu bì, hệ lông, niêm mạc miệng, răng... với mục đích làm sạch và tạo mùi thơm. Trong đó, nhiều loại chứa những thành phần gây đau và mẩn ngứa như chất nhuộm màu, chất bảo quản... Chẳng hạn, kem dưỡng da có tanolin, stearin, ethilendi amin; thuốc nhuộm móng tay có formalin, eosin; nước hoa có dầu perou. Đây là những hóa chất có khả năng gây dị ứng cho khoảng 1/3 số người sử dụng. Các biểu hiện dị ứng thường gặp là: viêm da, chàm tiếp xúc, mề đay, phù mặt, viêm môi, trứng cá, nám da, lở ngứa rụng tóc, viêm mống mắt và mi mắt.
Để tránh dị ứng mỹ phẩm, nên tránh dùng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hoặc thông tin về thành phần. Bản thân người sử dụng phải tự khai thác tiền sử về dị ứng; tránh dùng những mỹ phẩm đã gây cho mình các biểu hiện ngứa, ban đỏ, mày đay, nám da, sạm da. Trước khi sử dụng, nên thử nghiệm trên một vùng da nhỏ trong 15 phút đến 48 giờ. Ngoài ra, chỉ nên dùng mỹ phẩm khi cần thiết, tránh lạm dụng.
Thanh Niên