Dương Tử Thành -
Buổi giao lưu do Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn VN thực hiện, diễn ra trong khuôn khổ Lớp tập huấn công tác Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (LLPBVHNT) tại Ninh Bình từ ngày 9 đến 13/7 do Hội đồng LLPBVHNT Trung ương tổ chức.
61 đại biểu trẻ là các học viên thuộc các ngành văn hóa nghệ thuật, báo chí truyền thông được mời tham dự. Xu hướng và các vấn đề tranh luận trong buổi giao lưu ngả về phía những đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, văn học nghệ thuật ở trung ương.
Trong phần đề dẫn, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trưởng ban Nhà văn Trẻ, khái quát về lực lượng làm công tác Lý luận phê bình trẻ trong giới từ sau Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 7 đến trước Hội nghị lần thứ 8. Chị nói: “Các tác giả phê bình ở Hội nghị Viết văn trẻ lần 7 chưa nhiều, mới lác đác vài gương mặt như Nguyễn Thanh Sơn, Trần Huyền Sâm, Hoài Nam… thì trong vòng dăm năm qua đã xuất hiện một đội ngũ thuộc thế hệ 8X xông xáo, nhiệt huyết và giàu nội lực như Trần Thiện Khanh, Phùng Gia Thế, Đoàn Minh Tâm, Đoàn Ánh Dương, Hải Ninh, Lê Hương Thủy, Nhã Thuyên, Phạm Xuân Thạch, Ngô Hương Giang, Phan Tuấn Anh, Hoàng Thụy Anh… Điều này cho thấy hoạt động sáng tác trẻ đã trở nên sôi động, từ đó cuốn theo những nhà phê bình trẻ cùng đồng hành”.
Toàn cảnh buổi giao lưu. |
Không có một chủ đề nhất định, các đại biểu phát biểu theo những góc nhìn, những quan điểm cá nhân của mình dưới sự dẫn dắt, gợi mở của các thành viên Ban Nhà văn Trẻ. Phát biểu đầu tiên, đại biểu Đoàn Minh Tâm đến từ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tỏ ra không mấy lạc quan về lực lượng sáng tác trẻ khi cho rằng, nhìn vào số lượng thì thấy rất đông nhưng những người thực sự “có tên có tuổi” chỉ đếm trên đầu ngón tay, và ngay cả những người “có tên có tuổi” cũng có hiện tượng “sớm nở tối tàn”, hiện tượng “nghỉ giải lao”, thể hiện ở lao động văn chương chưa nhiều, số lượng tác phẩm rất ít. “Có những người tôi chờ đến 4-5 năm nhưng chả thấy ra cuốn sách nào để đọc”, nhà phê bình trẻ của Quân đội phàn nàn.
Đại biểu Ngô Hương Giang, một trong số ít ỏi người trẻ theo đuổi con đường nghiên cứu lý luận văn học hiện nay, lại tỏ ý lo lắng trước sự mất cân đối giữa những người nghiên cứu lý luận và những người làm phê bình. “Đội ngũ làm nghiên cứu lý luận mỏng dần, có hướng đi vào khảo cứu, và giới thiệu lý thuyết nước ngoài hơn là đặt ra những vấn đề nóng hổi của thời đại, của xã hội và con người, rồi hệ thống hóa các vấn đề ấy thành các luận điểm cụ thể soi chiếu cho phê bình ứng dụng…”, đại biểu đến từ Tạp chí Nhà Văn nói. Tại buổi giao lưu, Ngô Hương Giang đã đưa ra khá nhiều giải pháp mà theo anh là để “thúc đẩy mạnh mẽ lý luận phê bình trẻ” như cần có một diễn đàn, một tờ báo, tạp chí chuyên về phê bình trẻ; cần có sự hỗ trợ về kinh phí trong việc in ấn cũng như trả nhuận bút cho các tác phẩm phê bình; cần được tôn trọng quyền tự do trao đổi học thuật trong giới phê bình trẻ; cần có những trại sáng tác dành riêng cho những tác giả viết văn trẻ, trong đó đặc biệt là phê bình trẻ; cần có những quỹ hỗ trợ văn học dịch, nghiên cứu lý luận văn học cho các tác giả trẻ… Ở phần dẫn dắt sau đó nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó ban Nhà văn Trẻ đã khơi gợi: “Tôi thấy anh Ngô Hương Giang nêu khá nhiều thứ cần phải… Chúng ta đòi hỏi khá nhiều từ xã hội, vậy có bao giờ chúng ta đặt vấn đề ngược lại rằng xã hội đòi hỏi gì từ nhà văn, những người làm lý luận phê bình?”.
Đại biểu Hoàng Thụy Anh đến từ Quảng Bình nói về sự lấn lướt của phê bình báo chí với phê bình chuyên nghiệp, tác giả phê bình chuyên nghiệp sân chơi đã ít, chỉ có trong chuyên mục của một số tờ báo và lại thường phải cắt xén bài viết cho phù hợp với dung lượng, vì thế lại càng bị thu hẹp hơn. Chị nêu kiến nghị cần phải quan tâm để phê bình trẻ chuyên nghiệp có nhiều đất dụng võ hơn, không phải để “tranh giành” với phê bình báo chí mà là để định hướng, kích thích, khai mở sáng tạo tốt hơn cũng như định hướng dư luận, giúp cho các tác phẩm xứng đáng được khẳng định. Bên cạnh đó Hoàng Thụy Anh cũng nói thêm: “Đời sống văn học hiện nay rất sôi động phong phú, có những tác phẩm có dư luận trái chiều nhưng dường như các nhà phê bình trẻ còn rụt rè, sợ sệt, ngại đụng chạm, chọn cách an toàn nên chưa dám vào cuộc, chính vì vậy các sáng tác mới, đặc biệt là sáng tác của các bạn trẻ không đến được với công chúng”.
Mổ xẻ những yếu kém của phê bình trẻ, nhà văn Nguyễn Thế Hùng đến từ chuyên đề Văn Nghệ Công An của Báo Công An Nhân Dân nêu lên một “nghịch lý” khi hàng năm vẫn có những tác phẩm đoạt các giải thưởng văn học uy tín nhưng có rất ít nhà phê bình quan tâm, nhiệt tình vào cuộc tìm hiểu nghiên cứu, hiện tượng các bài phê bình xuất hiện trên báo chí ít tính học thuật, chủ yếu mang tính giao đãi, giới thiệu sách. Một trong những nguyên nhân khiến những người làm phê bình trẻ chưa nhập cuộc, theo nhà văn Nguyễn Thế Hùng, là họ còn rụt rè, thiếu tự tin.
Đại biểu Đoàn Minh Tâm chia sẻ ý kiến. |
Tranh luận lại với Hoàng Thụy Anh và Nguyễn Thế Hùng, một số đại biểu như Đoàn Minh Tâm, Ngô Hương Giang không đồng tình với ý kiến cho rằng phê bình trẻ còn rụt rè chưa nhập cuộc. Đoàn Minh Tâm, người vừa trình làng tập sách phê bình đầu tay của riêng mình có tên “ Văn học trẻ như tôi hình dung”, dẫn chứng một số trường hợp như tiểu thuyết “Giữa dòng chảy lạc” của Nguyễn Danh Lam (giải thưởng Hội Nhà văn 2010) với ít nhất 4 tác giả viết về nó, trong đó ngoài bài của anh còn có 3 nhà phê bình trẻ khác vào cuộc là Hoài Nam, Đoàn Ánh Dương, Ngô Hương Giang, thậm chí có bài viết công bố từ khi tác phẩm còn chưa đoạt giải… Đoàn Minh Tâm lập luận: “Nói chúng tôi không quan tâm thì không phải đâu. Cá nhân tôi có thể khẳng định, những tiểu thuyết của giới sáng tác trẻ và tác giả thành danh có dư luận trên văn đàn tôi có thể kể tên, nội dung, hoàn cảnh ra đời, độ dày mỏng…”. Về khuynh hướng phê bình hàn lâm học thuật và phê bình… bình dân, Đoàn Minh Tâm cũng nói thêm: “Sản phẩm phê bình nghiêm túc viết ra chỉ người trong giới đọc với nhau chứ với bạn đọc, tác phẩm có khi họ còn chả đọc chứ đừng nói đến bài viết phê bình. Vì thế, bài phê bình tôi viết đưa trên các trang mạng cá nhân có khi còn thích hơn là in báo in, vì còn có nhiều người đọc hơn”. Từ đó lại nảy sinh một thực tại được các đại biểu đề cập rằng, dù được giải cao, dù được các nhà phê bình vào cuộc nhưng nhiều tác phẩm vẫn được ấn bản với số lượng thấp, ít được bạn đọc biết đến… và dường như đây vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ, bởi không có đại biểu nào đưa ra lý giải thuyết phục cho “nghịch lý” này dù Ban điều hành đã “nhử”: Liệu có cần xem lại cách chấm và trao giải của các cuộc thi hay văn hóa đọc của chúng ta có vấn đề?
Đại biểu Phan Tuấn Anh đến từ Đại học Huế đem đến buổi giao lưu cái nhìn từ phía nhà trường và những người giảng dạy văn học. Anh nói về lực lượng giảng viên trẻ văn học trong các nhà trường chưa được đào tạo bài bản, đồng bộ, cũng như sự giảm chất lượng đầu vào của các sinh viên khoa văn. Đồng cảm với ý kiến của Ngô Hương Giang, Phan Tuấn Anh cũng cho rằng, đầu ra dành cho các tác phẩm phê bình quá ít, và dường như các tác giả phải tự thân vận động.
Các đại biểu đến từ các địa phương phát biểu không nhiều, và thay vì đi vào mổ xẻ các nguyên nhân, đưa ra các góc nhìn của riêng mình thì lại thiên về kêu ca về những đặc thù của vùng miền. Đại biểu Phạm Thuận Thành nói về quan hệ giữa người viết ở địa phương với chính quyền. Đại biểu Huyền Minh đến từ Hội VHNT Hà Giang nêu câu hỏi làm gì để các tác giả địa phương có thể xuất hiện trên các ấn phẩm văn học uy tín? Đại biểu Trần Văn Hoàng đến từ Hội VHNT Lai Châu thì kêu gọi “Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương và Ban Nhà văn Trẻ hãy dội cho chúng tôi, những cây viết trẻ của miền núi, một gàu nước để chúng tôi có hơi ẩm phát triển”. Anh kêu gọi hãy ném cho những người viết ở cơ sở một sợi dây để tiếp sức, hãy quan tâm đến những người mới chập chững đi, nhưng anh lại không nói rõ quan tâm điều gì, gàu nước ấy, sợi dây ấy cụ thể là những gì mà chỉ kêu ca việc in ấn, công bố tác phẩm với các tác giả địa phương là rất khó khăn, in ra thì mức độ lan tỏa cũng rất hẹp. Trần Văn Hoàng đề nghị “hãy cho chúng tôi một sợi dây để kéo văn học miền núi đi lên” khiến cho mọi người hiểu là cần tạo điều kiện theo hướng ưu ái hơn với đội ngũ viết vùng sâu vùng xa. Vì thế, trong phần trả lời sau đó, nhà văn Phong Điệp đã thẳng thắn chia sẻ, đất của các diễn đàn văn học nghệ thuật trung ương ngỡ chật nhưng khá rộng bởi số lượng tác phẩm mà các ấn phẩm văn học sử dụng hàng tuần khá nhiều, bản thảo từ các vùng miền gửi về cũng đa dạng và thường xuyên có những tên tuổi mới xuất hiện, vì thế cơ hội với người viết trẻ cả nước là rất lớn. “Sợi dây rất là nhiều và luôn luôn có, vấn đề là bạn có nắm được sợi dây ấy không?”, Phó ban Nhà văn Trẻ đồng thời là Trưởng ban báo Văn Nghệ Trẻ nói.
Nhà văn Phong Điệp cũng chứng minh khi nhắc lại thông tin chặng đầu cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn Nghệ có 12 tác giả được tặng thưởng thì chiếm đến một nửa là các gương mặt trẻ trong đó nhiều người đến từ các địa phương. “Bạn hãy biết chấp nhận thử thách, đừng hy vọng viết gì ra cũng sẽ được đăng tải, hãy nhìn vào tác phẩm của mình xem nó đã xứng đáng để đăng trên báo chí hay chưa. Các bạn hãy xuất hiện đàng hoàng bằng tác phẩm chứ đừng xuất hiện bằng quan hệ này khác hay quan niệm vì là tác giả mới nên cần ưu ái, chúng tôi cũng không muốn các bạn đỗ vớt…”. Nhiều đại biểu cũng tán đồng quan điểm trong đời sống văn học không nên trông chờ vào chính sách riêng cho một khu vực, một đối tượng nào mà nên căn cứ vào chất lượng bản thảo. Một số đại biểu đang "giữ gôn" các chuyên mục lý luận phê bình ở một số tờ báo như Nguyễn Thế Hùng, Phong Điệp, Đoàn Minh Tâm, Ngô Hương Giang… cũng cho biết, tòa soạn luôn mong chờ tiếp nhận các bản thảo có chất lượng, và mong các tác giả ở các địa phương trong cả nước cộng tác.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng LLPBVHNT Trung ương; GS.TS Đinh Xuân Dũng, PGS.TS Đào Duy Quát, PGS.TS Phan Trọng Thưởng - Phó Chủ tịch Hội đồng đã chăm chú lắng nghe. Kết thúc buổi giao lưu, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh tóm lược, khái quát lại các ý kiến, các vấn đề được các đại biểu trẻ nêu ra và phần nào giải đáp các thắc mắc, những kiến nghị được các đại biểu nêu trong giao lưu. Một số giảng viên tại lớp học cũng được mời tham dự và có ý kiến chia sẻ với lớp trẻ như nhà phê bình Lê Thành Nghị, nhà thơ - nhà phê bình Inrasara.