Anh, như nhiều năm qua, vẫn là nơi chợ cầu thủ hoạt động nhộn nhịp nhất trong tháng 1, nhưng so với khi vung ra tới 225 triệu bảng cùng kỳ năm ngoái, năm nay các đội bóng Anh chỉ chi 40 triệu bảng.
Man City,đội mua sắm tích cực nhất trong vài kỳ chuyển nhượng giữa mùa gần đây, đã không thực hiện bất kỳ vụ tuyển mộ lớn nào. Tân binh duy nhất được họ đưa về trong hôm qua, David Pizarro (từ Roma) là một bản hợp đồng mượn cầu thủ. Sự tích cực, có chăng, chỉ diễn ra ở chiều ngược lại khi đội bóng giàu nhất thế giới này mạnh tay loại bớt những người không còn nằm trong kế hoạch của HLV Mancini.
Sau khi bán đứt trung vệ Nedum Onuoha cho QPR với giá 3 triệu bảng, hôm qua, Man City tiếp tục đẩy Wayne Bridge, người chỉ xếp thứ ba trong thứ tự lựa chọn ở vị trí hậu trái, sang Sunderland theo hợp đồng cho mượn tới cuối mùa giải. Carlos Tevez lẽ ra là người thứ ba phải ra đi, nhưng Man City đã quyết định giữ lại chân sút nổi loạn này vì không tìm được một đối tác đủ khả năng đáp ứng đòi hỏi mua đứt Tevez ngay tháng 1 với giá 21 triệu bảng.
Giàu nứt đố đổ vách như Man City cũng chỉ rón rén mượn Pizarro. |
Do Man City chỉ tập trung tinh giản đội ngũ, Paris Saint Germain, đội đứng thứ hai về mức độ tiêu tiền trong kỳ chuyển nhượng hè 2011, vượt lên trở thành đội tiêu mạnh tay nhất trong tháng một này. Hôm qua, vào những thời khắc cuối cùng trước thời điểm thị trường chuyển nhượng đóng cửa, PSG đã mua được Thiago Motta, tiền vệ trụ cột của Inter, với giá 10 triệu euro (8,35 triệu bảng) - cao nhất trong số các vụ tuyển mộ ở châu Âu được thực hiện trong ngày. Cộng thêm 12 triệu euro chi cho hai vụ mua Maxwell (từ Barca) và Alex (Chelsea), PSG đã chi cả thảy 22 triệu euro (khoảng 18,5 triệu bảng) trong tháng một.
Tuy nhiên, Motta, Maxwell và Alex vẫn chỉ là những tên tuổi nhỏ. Sự xuất hiện của họ ở sân Parc des Princes minh họa sống động nhất cho thất bại của PSG, đội được các ông chủ tỷ phú Qatar hậu thuẫn vô điều kiện về tài chính, trong việc lôi kéo các ngôi sao lớn về đầu quân.
Sau khi Pato và Beckham từ chối để tiếp tục gắn bó với Milan và Los Angeles Galaxy, Kaka - mục tiêu lớn thứ ba mà PSG hướng đến trong tháng một - cũng chọn ở lại Real Madrid. PSG đủ tiềm lực tài chính để mua đứt Tevez, một tên tuổi lớn khác, với mức giá Man City mong muốn, nhưng tiền đạo người Argentina lại xem việc phải sang chơi bóng Pháp như một bước lùi trong sự nghiệp. Tevez vì thế chấp nhận tiếp tục bị đày ải ở Manchester đến hết mùa để chờ những tên tuổi lớn như Juventus, Inter hay Milan giải cứu hè tới.
Ở Italy, việc bỏ ra khoản tiền có tới tám chữ số để mua cầu thủ trong tháng một thậm chí còn là điều xa xỉ. Thay vào đó, các CLB đều chọn phương thức chuyển nhượng ưa thích kiểu con nhà nghèo và đang rất thịnh hành từ vài năm trở lại đây - mượn cầu thủ.
Trong ngày cuối cùng của chợ cầu thủ hôm qua, sang như Inter, hôm qua, cũng chỉ chi 1,5 triệu euro để mượn Angelo Palombo, tiền vệ trung tâm của đội Serie B Sampdoria, và 2 triệu nữa để mượn một tiền vệ trung tâm khác là Fredy Guarin từ Porto kèm theo điều khoản mua đứt với giá 11 triệu vào cuối mùa.
Padoin của Juventus là vụ mua sắm có giá trị lớn nhất mà một CLB Italy thực hiện trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa. Ảnh: La Presse. |
Milan còn thảm hơn khi chỉ mượn Sulley Muntari, tiền vệ trung tâm mà Inter thải loại. Trước đó, nhà ĐKVĐ Serie A cũng tuyển mộ Alexander Merkel (từ Genoa) và Maxi Lopez (từ Catania) theo hình thức tương tự. Số cầu thủ được Milan mượn về trong tháng 1 lẽ ra sẽ là bốn người, nếu họ thuyết phục được Man City cho mượn Carlos Tevez kèm theo điều khoản mua đứt vào hè tới.
Trong bối cảnh đó, Juventus trở thành đội chơi sang nhất Serie A khi chi những… 4,5 triệu euro để mua đứt tiền vệ Simone Padoin từ Atalanta hôm qua, ngay trước thời điểm thị trường đóng cửa. Cầu thủ 27 tuổi người Italy này sẽ khoác áo “Lão Bà” theo bản hợp đồng năm năm.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra cả tháng một, thành công lớn nhất của Juventus không phải là việc mua được người tài với giá phải chăng, mà nằm ở việc họ tinh giản đáng kể đội ngũ bằng cách đẩy đi những người thừa. Sau Amauri (sang Fiorentina), Luca Toni (Al Nasr), hậu vệ Marco Motta (Novara), tiền vệ Michael Pazienza (Udinese) và tiền đạo Iaquinta (Cesena) là những thành viên khác của Juventus phải ra đi hôm qua. Trừ trường hợp thanh lý hợp đồng của Luca Toni, số còn lại đều được Juventus cho mượn.
Lazio gây sốc khi thống nhất hầu hết các điều khoản mua đứt ngôi sao người Nhật Bản Keisuke Honda với giá 14 triệu euro từ CSKA Moscow hôm 29/1. Nhưng vụ chuyển nhượng được xem như bom tấn của Serie A này đổ bể vào giờ chót hôm qua khi CSKA Moscow bất ngờ đòi tăng giá bán Honda lên 16 triệu.
Lazio cũng không tuyển mộ lão tướng Inzaghi từ Milan về lấp chỗ trống của Djibril Cisse, người bị bán cho CLB Anh QPR với giá 4 triệu bảng, như báo giới Italy dự đoán trước đó một ngày. Thay vào đó, họ dành ngày cuối của thị trường chuyển nhượng hôm qua để đổi Simone del Nero lấy tiền vệ trung tâm Antonio Candreva từ Cesena và cho Catania mượn thủ môn dự bị Juan Pablo Carizzo đến hết mùa kèm theo điều khoản mua đứt.
Ở Anh, không phải các ông lớn trong nhóm lục đại gia (MU, Man City, Chelsea, Liverpool, Tottenham và Arsenal), QPR mới đội tuyển mộ tích cực nhất trong ngày chót của chợ cầu thủ hôm qua. Đội bóng mới thăng hạng này chi cả thảy 10 triệu bảng, để đưa về hai chân sút là Bobby Zamona (6 triệu, từ Fulham) và Cisse (4 triệu, từ Lazio). Cộng thêm 3 triệu bảng trong vụ tuyển mộ Onuoha từ Man City, với 13 triệu bảng, QPR trở thành đội chịu chơi nhất tại giải Ngoại hạng trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa.
Các viện binh như Zamora được kỳ vọng sẽ giúp QPR trụ lại giải Ngoại hạng. Ảnh: BPI. |
Everton hôm qua cũng chi 5,5 triệu bảng để tuyển mộ Nikica Jelvaic, chân sút người Croatia đã ghi cho Glasgow Rangers tới 17 bàn trên mọi mặt trận ở nửa đầu mùa giải. Năm triệu trong số tiền này được Everton huy động bằng cách bán tiền vệ người Nga Diniyar Bilyaletdinov cho Spartak Moscow.
Tottenham thì tranh thủ chuyến tàu vét để mượn Louis Saha từ Everton và lần lượt đẩy hậu vệ trái Verdan Colurka (sang Leverkusen) rồi trung vệ Sebastian Bassong (Wolves) theo hợp đồng cho mượn. Chelsea thì để Kevin de Bruyne, cầu thủ mà họ vừa mua với giá chín triệu bảng trước đó một ngày, ở lại Racing Genk theo hợp đồng cho mượn đến hết mùa giải.
Thị trường ở Tây Ban Nha không có vụ chuyển nhượng nào đáng chú ý do Real và Barca đều không có nhu cầu mua thêm cầu thủ. Barca chỉ giữ chân ngôi sao trẻ Issac Cuenca bằng việc ký hợp đồng mới có thời hạn năm năm với tiền đạo này và làm tinh gọn đội ngũ bằng việc thanh lý hợp đồng với Aleksandr Hleb.
Tại Đức, bản hợp đồng lớn nhất, trị giá 17,5 triệu euro đưa Marco Reus từ Monchengladbach sang Dortmund diễn ra từ hôm 4/1, nhưng đây không phải là vụ tuyển mộ cho phần còn lại của mùa giải, bởi hợp đồng giữa các bên chỉ có hiệu lực từ tháng 7 tới. Từ giờ đến cuối mùa, tài năng trẻ người Đức này vẫn cống hiến cho Menchengladbach theo hợp đồng cũ.
Phương Minh