Từ khi nghe mẹ báo sẽ được đi học lại từ thứ năm (10/2), con trai chị Trần Sơn Thuỷ, sống tại huyện Gia Lâm, thường xuyên hỏi mẹ hôm nay là thứ mấy. Hàng ngày, cậu bé chỉ quanh quẩn trong nhà, trượt patin từ phòng nọ đến phòng kia, đóng giả shipper chuyển đồ cho mẹ và anh. Do đó, khi biết được đi học, bé hào hứng ra mặt. Trong khi con trai háo hức sắp sẵn sách vở, đồ dùng ở góc bàn chờ ngày đến trường, người mẹ còn nhiều nỗi lo.
Theo quyết định của UBND Hà Nội, học sinh tiểu học và lớp 6 ở 18 huyện, thị ngoại thành học trực tiếp từ 10/2. Trước đó hai ngày, thành phố cũng cho toàn bộ học sinh lớp 7-12 trở lại trường. Ở mọi cấp học, các trường được yêu cầu chỉ dạy một buổi, không tổ chức ăn bán trú.
Trước đây, trường học thường dạy cả ngày, sáng học chính khóa, chiều tự chọn hoặc phụ đạo nên hầu hết học sinh ăn và nghỉ trưa tại trường. Phụ huynh có thể kết hợp với giờ đi làm, chỉ cần đưa con đi học vào buổi sáng rồi đón vào chiều tối. Với quy định mới, nhiều bố mẹ đau đầu tìm cách đón con buổi trưa, hoặc đưa con đến trường đầu giờ chiều.
Mất một ngày suy nghĩ, chị Thuỷ bàn với các mẹ trong khu, quyết định thuê một chiếc ôtô nhỏ để đưa đón các con. "Nhà chỉ cách trường khoảng một km nhưng chúng tôi vẫn muốn thuê xe cho yên tâm. Tài xế cũng sống trong khu nên việc đi lại cũng thuận lợi. Hiện nhóm có năm bạn", chị nói.
Sáng 10/2, chị dự định định xin phép đến cơ quan muộn để đi cùng các con tới trường. Vì con trai mới chuyển đến trường này cho gần nhà, lại chưa được đi học trực tiếp buổi nào, chị lo con còn nhiều bỡ ngỡ nên muốn theo vài hôm đầu.
Tính xong chuyện đưa đón, chị Thủy nghĩ tới việc nấu nướng bữa trưa. Bận đi làm buổi sáng nhưng chị có thể về nhà vào buổi trưa để chuẩn bị cơm nước cho con. Chị cũng nhận trông giúp các bé trong nhóm nếu bố mẹ các cháu không thể về.
Chị bày tỏ sự chia sẻ với quy định không tổ chức bán trú trong thời điểm này, nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh. Các mẹ trong nhóm cũng hướng dẫn con kỹ năng bảo vệ bản thân và tự lập khi ở nhà một mình. Trong hành trang đi học của con, ngoài sách vở, chị còn chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn tay và bình nước uống.
Cũng như chị Thuỷ, trong hai ngày, chị Kim Thanh, huyện Đông Anh, cùng chồng phải bàn tính kế hoạch đưa đón hai con lớp 1 và 5. Từ cuối tháng 7 năm ngoái, khi dịch bệnh ở Hà Nội căng thẳng, chị đưa hai con về quê ở Thái Nguyên cùng ông bà. Mỗi tháng, hai vợ chồng sẽ về thăm con 2-3 lần vào cuối tuần.
Khi giáo viên chủ nhiệm thông báo học sinh tiểu học ở ngoại thành trở lại trường, chị Thanh phấn khởi vì con không còn chịu cảnh học "chữ được chữ mất", gia đình cũng được đoàn tụ. Tuy nhiên, theo quy định học nửa ngày và không bán trú, chị không thể đưa đón con hay lo bữa trưa vì hai vợ chồng đều làm việc xa nhà.
Sẵn tiện ngày nhận tin đi học vẫn đang ở quê ăn Tết, chị và chồng thuyết phục ông bà xuống hỗ trợ cơm nước buổi trưa và đưa hai cháu đi học. "Chúng tôi hơi ái ngại vì ông bà đã ngoài 70, ở quê còn nuôi trồng đủ thứ, cũng may nhà gần trường, ông bà chỉ cần đi bộ để đưa đón các cháu. Tôi sẽ dậy sớm để làm sẵn món chính cho bữa trưa", chị Thanh nói. Trong trường hợp ông bà không thể hỗ trợ lâu dài, người mẹ 36 tuổi cũng tính chuyện thuê người đưa đón, buổi trưa nhờ hàng xóm trông và cho ăn giúp.
Từ góc độ quản lý, bà Phùng Thị Anh Hà, Hiệu trưởng Tiểu học Đa Tốn, huyện Gia Lâm, cũng ghi nhận nhiều phản ánh của phụ huynh trong việc đưa đón con, nhất là thời điểm tan học lúc 11h15.
Do đó, vào các buổi sáng, giáo viên sẽ có mặt ở trường từ 6h45 phút và nhận học sinh lúc 7h để hỗ trợ các bố mẹ phải đi làm sớm. Đến trưa, trường cử giáo viên ở lại trông học sinh trong lớp, kết hợp cùng nhân viên bảo vệ giám sát ở vòng ngoài, đảm bảo học sinh an toàn và không có người lạ vào trường. "Các gia đình đón muộn sẽ đăng ký và trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm. Chúng tôi chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện để phụ huynh an tâm đưa con đến trường", bà nói.
Bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn, cho biết đã yêu cầu các trường trong huyện bố trí giáo viên đến sớm, về muộn để hỗ trợ tối đa các gia đình khi bố mẹ chưa kịp đón.
Với buổi sáng, trường học phải có người trực, 45 phút trước khi học sinh đến trường. Ngay khi phụ huynh đưa con em đến, bảo vệ cần hướng dẫn cho học sinh vào trường, linh động thời gian, không để các em đứng đợi ngoài đường đến giờ mở cổng. Cuối giờ, giáo viên dạy tiết cuối của lớp nào sẽ ở lại đến khi toàn bộ học sinh được đón về. "Đây là chủ trương chung của Phòng nhằm linh động, hỗ trợ tối đa cho phụ huynh và học sinh", bà Huế nói.
Liên quan đến vấn đề ăn bán trú của học sinh Hà Nội, tại cuộc họp Giao ban báo chí ngày 8/2, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng cho rằng các em học nửa ngày, bố mẹ phải đi đón sẽ ảnh hưởng tới giờ giấc làm việc của phụ huynh. "Khi các em trở lại trường, chúng ta hãy đặt mình vào cương vị của phụ huynh, nhất là gia đình có các em nhỏ bậc tiểu học, mầm non", bà Minh nói.
Lấy dẫn chứng TP HCM đã mở dần bán trú cho học sinh lớp 7-12 sau vài tuần học trực tiếp, sắp tới áp dụng với tiểu học và mầm non, Thứ trưởng đánh giá thành phố này đã thích ứng tốt trong việc mở cửa lại trường học. Bà Minh cho biết, Bộ sẽ làm việc với thành phố Hà Nội về vấn đề bán trú của học sinh.
Trên các hội nhóm, diễn đàn, nhiều phụ huynh chia sẻ tình cảnh éo le khi phải xoay xở, nhờ cậy người đưa đón và lo cơm nước buổi trưa cho các con, đặc biệt là trẻ tiểu học. "Tôi nghĩ, đã cho trẻ đến trường thì nên mở lại toàn bộ tiện ích đi kèm. Nếu lo ngại vấn đề phòng dịch, thành phố có thể yêu cầu các trường lập vách ngăn ở căng tin, bố trí chỗ ngồi so le cho các con. Khi đó, phụ huynh chúng tôi cũng an tâm hơn khi cho trẻ trở lại trường", bố của một học sinh lớp 3 ở huyện Hoài Đức nêu ý kiến.
Thanh Hằng - Bình Minh