Tại buổi họp báo Thông tin về tình hình dịch Covid-19 và công tác ứng phó của TP HCM chiều 29/7, bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thanh Việt (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh Viện Chợ Rẫy) cho biết "bệnh nhân 449" đến từ Đà Nẵng đã đến 3 bệnh viện ở TP HCM là Chợ Rẫy (quận 5), Triều An và Quốc tế City (quận Bình Tân).
"Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chở bệnh nhân thẳng vào bệnh viện. Ngay từ đầu, bệnh nhân được cách ly như một bệnh nhân Covid-19. Thông tin bệnh nhân có vào Khoa Hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy là không đúng", ông Việt nói và cho biết 27 nhân viên y tế ở Chợ Rẫy tiếp xúc với bệnh nhân đều có kết quả âm tính nên không cần phong tỏa bệnh viện này.
Theo điều tra dịch tễ, "bệnh nhân 449", nam, 57 tuổi (quốc tịch Mỹ). Ngày 26/6, ông sốt, ho, khó thở, đau mình và nhập viện Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. 10 ngày sau, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Ngày 5-20/7, ông được điều trị lần lượt tại các khoa Cấp cứu, ICU, Ngoại lồng ngực, khoa Quốc tế, Nội hô hấp. Người chăm sóc ông trong quá trình điều trị là vợ, 46 tuổi (quốc tịch Việt Nam).
Ngày 20/7, cả hai người được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy - một trong những bệnh viện tuyến cuối lớn nhất nước.
Theo bác sĩ Việt, khi tiếp nhận "bệnh nhân 449", các bác sĩ đã có sự cảnh giác ngay từ đầu nên người này được chuyển thẳng vào trong Khoa Cấp cứu và cho nằm phòng cách ly tại đây. Trong 10 tiếng bệnh nhân nằm ở bệnh viện, nhân viên y tế khi thăm khám đều mặc đồ phòng hộ như tiếp xúc với ca mắc Covid-19.
"Thời điểm bệnh nhân nhập viện vào Chợ Rẫy, Đà Nẵng không phải là vùng dịch, dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân, chúng tôi nghĩ nhiều đến bệnh nhân bị viêm phổi do nhiễm trùng nên có chỉ định cho nhập Khoa Nội hô hấp. Tuy nhiên bệnh nhân muốn đi nơi khác", ông Việt nói về lý do Bệnh viện Chợ Rẫy chưa thực hiện xét nghiệm Covid-19 với bệnh nhân.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết tất cả nhân viên y tế tiếp xúc gần với "bệnh nhân 449" và "bệnh nhân 450" tại Bệnh viện Triều An và Bệnh viện Quốc tế City cũng được xét nghiệm và toàn bộ 121 kết quả đều âm tính. Tuy nhiên, để rà soát toàn bộ quy trình và phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, trong sáng 29/7, sở đã yêu cầu Bệnh viện Quốc tế City ngưng tiếp nhận bệnh nhân trong 3 ngày.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi có phải tính đến việc giãn cách xã hội hay không, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho rằng, đây là một trong những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào mức độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thế nào mới có thể quyết định.
Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ông Dũng kêu gọi sự tự giác của người dân và cộng đồng. Theo đó, người về từ Đà Nẵng chưa khai báo y tế cần tự giác khai báo với cơ quan y tế, người dân khi phát hiện cũng nên thông báo chính quyền
Về việc lấy mẫu xét nghiệm với người từ Đà Nẵng về, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết đến sáng nay, gần 6.000 người từ Đà Nẵng về trong tháng 7 đã lấy mẫu xét nghiệm, 9.000 người khai báo y tế. Tuy nhiên có nhiều trường hợp khai báo không đúng vì một người đi Đà Nẵng nhưng cả nhà đi khai báo y tế. Cũng có người đi Đà Nẵng về nhưng không khai báo.
"Hiện TP HCM có 13 đơn vị có khả năng làm xét nghiệm Covid-19, trong đó có 5 bệnh viện. Tổng năng lực xét nghiệm của thành phố khoảng 2.000 mẫu mỗi ngày, nếu tăng ca có thể lên đến 3.000 mẫu mỗi ngày", ông Dũng nói và cho biết xét nghiệm cần sự chính xác nên rất hạn chế tăng ca.
Đến chiều nay, cả nước có 450 ca nhiễm nCoV, trong đó 369 người đã khỏi, còn 81 người đang điều trị. Năm ngày qua cả nước ghi nhận 34 ca nhiễm cộng đồng. Trong đó, Đà Nẵng 26 ca nhiễm, Quảng Ngãi một ca, Quảng Nam ba ca, Hà Nội một ca, Đăk Lăk một ca, TP HCM hai ca. Các bệnh nhân này đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.
Hữu Công - Hà An