- Ba bị can đều là người có chức có quyền, tại sao ông Phạm Sĩ Chiến và Trần Mai Hạnh lại không bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi” mà là “nhận hối lộ”?
- Sai phạm của ông Phạm Sĩ Chiến liên quan trực tiếp đến văn bản số 1333/KSĐT-TA (ngày 18/9/1996) kiến nghị Bộ Nội vụ hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Năm Cam. Việc này, ông Chiến làm theo yêu cầu của gia đình và đàn em Năm Cam cũng như đòi hỏi của những người "chạy án" cho hắn. Cơ quan điều tra thu được những bức ảnh chụp ông Chiến với cả 3 nhóm đối tượng này. Đồng thời, xác định ông Chiến đã nhận nhiều tài sản có giá trị từ Năm Cam.
Còn ông Trần Mai Hạnh đã nhân danh Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam ký một số văn bản gửi VKSND Tối cao, cũng như gửi trực tiếp cho ông Chiến đốc thúc thả Năm Cam. Ông Hạnh dùng quyền hạn của mình, đăng tải nội dung văn bản 1333/KSĐT-TA theo yêu cầu của Năm Cam. Ông này cũng nhận nhiều tài sản lớn của Năm Cam. Văn bản 1333/KSĐT-TA là loại văn thuộc loại tài liệu “mật”. Ông Hạnh cho đăng tài liệu này công khai lên trên báo là vi phạm tội danh cố ý làm lộ bí mật.
Việc khởi tố hai ông theo tội danh “nhận hối lộ” là có cơ sở. Trong Bộ luật Hình sự, tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi đều là các tội liên quan tới chức vụ. Nhận hối lộ là hành vi phạm tội nặng hơn và đã chứa cả yếu tố lợi dụng chức vụ quyền hạn trong đó.
- Tại sao chỉ khởi tố ông Bùi Quốc Huy tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?
- Trong thời gian đảm nhiệm Giám đốc Công an TP HCM (tháng 4/1996 đến 7/2001), ông Huy đã thiếu tinh thần trách nhiệm nghiêm trọng, khiến băng nhóm Năm Cam hoạt động với quy mô ngày càng tăng, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Con số 20 tội danh của các bị can đã khởi tố trong chuyên án này đã chứng minh điều này.
Trong cương vị của mình, ông Huy đã để hơn 50 cán bộ trong ngành công an vi phạm quy định pháp luật, trogng đó 13 người bị khởi tố bị can. Đây hầu hết là cán bộ thuộc quyền quản lý của ông Huy.
- Cơ quan điều tra có thể kết thúc điều tra trong 10 ngày nữa. Vậy thời gian dành cho VKSND Tối cao thụ lý hồ sơ chỉ có một tháng. Với chuyên án phức tạp này, khoảng thời gian như vậy liệu có bảo đảm tính chính xác, khách quan của hoạt động tư pháp?
- Tính độc lập khách quan của mỗi cơ quan pháp luật trong vụ Năm Cam được xác định rất rõ: Bộ Công an chịu trách nhiệm pháp lý về kết luận điều tra, VKSND Tối cao về cáo trạng và tòa án đảm nhiệm về các quyết định khi xét xử.
Sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ và phát huy trách nhiệm riêng của mỗi cơ quan trong quá trình điều tra, tố tụng sẽ bảo đảm tính chính xác, khách quan của chuyên án. Song vẫn có thể rút ngắn được thời gian thụ lý. Bây giờ, ngành kiểm sát đã bắt đầu tiếp cận dần để làm rõ các chứng cứ, nên khi cơ quan điều tra chuyển kết luận điều tra sang là có thể tiến hành rất nhanh việc xác định tội danh.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)