Ngày 13/6, Bộ Tư pháp cho biết Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
Theo đó, công dân không phải khai các thông tin cơ bản đã có trong cơ sở dữ liệu mà chỉ cần khai số định danh cá nhân và cơ quan có thẩm quyền tra cứu thông tin này để giải quyết thủ tục hành chính. Công dân không cần mang theo các giấy tờ như Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, hộ chiếu...
Trường hợp bị thiên tai, hỏa hoạn khiến giấy tờ bị mất, người dân không phải mất nhiều thời gian, công sức để làm lại bởi cơ quan quản lý chỉ cần tra cứu trên hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia trước khi cấp lại những giấy tờ cần thiết.
Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. |
Theo thứ thưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, đề án đã xác định các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp theo hai giai đoạn. Từ nay đến năm 2014 sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, các bộ, ngành triển khai hệ thống hóa, rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, đồng thời đề xuất lộ trình ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế hay bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân.
Từ năm 2015-2020 sẽ cải cách thủ tục hành chính giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Các bộ ngành hoàn thiện việc ban hành hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, nghiên cứu thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ trong việc quản lý hộ tịch, quản lý cư trú.
"Đến năm 2020, thông tin cơ bản của mọi công dân sẽ được nhập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có mã số định danh cá nhân. Các cơ quan hành chính nhà nước tại 4 cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại cơ sở dữ liệu quốc gia để giải quyết các thủ tục hành chính", ông Sơn cho hay.
Bộ Tư pháp ước tính, với số định danh cá nhân, người dân sẽ không phải khai thông tin công dân hoặc xuất trình, nộp bản sao hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ công dân khi thực hiện 1.300 thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.
Giải thích về quá trình cấp số định danh như thế nào, Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, mỗi công dân sau khi đã nhập đầy đủ dữ liệu, đáp ứng được yêu cầu thì sẽ sinh ra mã số. Số này vừa mang tính ngẫu nhiên, vừa dựa vào các thông tin mà công dân nhập vào, do vậy sẽ không có chuyện có "kho số sẵn" và không trùng lắp số.
Ông Dung cũng cho biết trong quá trình thiết kế, cơ quan này đã tính toán đến vấn đề bảo mật thông tin. Việc chia sẻ thông tin thế nào, không phải ai cũng có thể truy cập vào được.
Trả lời băn khoăn của nhiều người về vấn đề có cần dùng chứng minh nhân dân nữa không, ông Dung khẳng định "Không thể bỏ được chứng mình nhân dân". Ông cho hay khi thu thập về dữ liệu cơ sở công dân, mỗi người có một mã số nhưng mỗi một công dân phải có một giấy tờ gì đó chứng minh mình có mã số đó, tồn tại mã đó. "Khi mà công dân nhập dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia thì công dân sẽ có một mã số. Chúng tôi thống nhất chứng minh nhân dân 12 số hiện nay sẽ là giấy tờ để chứng minh mã đó".
Tuy nhiên, ông cũng cho biết khi cơ sở hạ tầng phát triển đầy đủ, đáp ứng được tất cả các điều kiện, có các thiết bị dọc... tiến tới sẽ bỏ chứng minh nhân dân và sẽ cấp thẻ điện tử để khi có thiết bị đọc, các ngành có thể truy cập được vào thẻ này.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, để phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, cần phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Theo tính toán sơ bộ của Bộ tư pháp, cần sửa đổi, bổ sung tối thiểu 178 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
"Việc rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư không chỉ thuộc phạm vi chức năng quản lý của một bộ ngành mà cần đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành", ông Phan cho hay.
Nam Anh