Chủ tịch Nguyễn Văn An: "Việc xử lý ông Hạnh chưa dừng lại". |
- Theo luật, việc xóa tên ứng cử viên sát nút ngày bầu cử chỉ áp dụng với những trường hợp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Phải chăng khi rút tên ông Trần Mai Hạnh, các cơ quan chức năng đã có kết luận chính thức về việc ông Hạnh liên quan đến vụ Năm Cam?
- Tôi nghĩ rằng, xóa tên như vậy không có gì là ghê gớm lắm đâu, cũng theo luật định mà thôi. Sau khi Hội đồng Bầu cử công bố danh sách, niêm yết danh sách ứng cử viên mà cử tri có đơn thư tố cáo thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải xem xét và kết luận. Kết luận không đủ tiêu chuẩn thì Hội đồng Bầu cử xóa tên. Tất nhiên, những trường hợp xóa tên này đều đã qua 3 vòng hiệp thương, sau khi Hội đồng Bầu cử đã quyết định danh sách. Song cần hiểu quyết định của Hội đồng Bầu cử là quyết định cuối cùng, và Hội đồng Bầu cử có quyền thay đổi quyết định cho đến trước khi bầu cử.
- Việc lập Ban chuyên án đặc biệt, có sự phối hợp của Ban chỉ đạo vụ án Trương Văn Cam, nhằm điều tra, làm rõ khuyết điểm, trách nhiệm cụ thể của ông Trần Mai Hạnh và những cán bộ thuộc diện trung ương quản lý liên quan đến vụ án này. Như vậy có nghĩa là ngoài ông Hạnh, đã xác định được có những cán bộ cao cấp khác dính đến Năm Cam?
- Hiện giờ thì đúng là đã xác định người cụ thể rồi. Nhưng sự việc, mức độ liên quan đến đâu thì còn phải điều tra, làm rõ. Còn Ban chỉ đạo chuyên án thì cũng không có gì đặc biệt, vẫn theo đúng quy định của luật thôi. Chỉ có điều, thứ nhất, ban chuyên án này có tính chất chủ trương, thứ hai do liên quan đến những nhân vật mà trung ương quản lý, nên phải có quy định riêng về thành phần, chức năng ban chuyên án.
- Ông giải thích sao trước dư luận nghi ngại rằng xử lý cán bộ cấp cao thường không nghiêm?
- Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư trung ương Đảng là tích cực làm rõ đúng sai, không bao che, dù cán bộ cao cấp cỡ nào. Tiếp xúc cử tri ở đâu tôi cũng vẫn bảo đảm rằng các cơ quan tối cao của Đảng, Quốc hội rất kiên quyết. Nhưng mà cũng có chuyện “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Nếu các cơ quan chức năng thống nhất được với nhau thì tốt quá, bằng không phải mất thời gian. Như vụ Năm Cam, nếu thống nhất được từ những năm 1995-1996 thì đã khác. Thế nhưng các cơ quan chức năng về luật pháp, anh bảo “có”, anh bảo “không”, rồi thiếu chứng cứ, thành ra dùng dằng mãi đến giờ.
- Cụ thể, với trường hợp ông Trần Mai Hạnh, sau việc xóa tên ứng cử đại biểu Quốc hội, sẽ tiếp tục xử lý ra sao?
- Tất nhiên còn phải tiếp tục xem xét. Không dừng lại ở đó đâu.
- Chủ tịch đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong chống tham nhũng, tiêu cực?
- Tôi đánh giá rất cao báo chí, đặc biệt là trong những vụ việc mang tính phát hiện. Báo chí không chỉ phát hiện mà còn theo dõi rất sát những người có vi phạm, tức là tôi muốn nói đến sự đeo bám đấy. Như thế là rất tốt.
- Cả 3 trường hợp bị xóa tên ứng cử viên đều bắt đầu từ đơn thư tố cáo của quần chúng. Chủ tịch nghĩ gì về điều này?
- Rất mừng. Kỳ này trình độ cử tri được nâng cao, nhân dân lại hết sức tâm huyết với Nhà nước, tâm huyết với ứng cử viên, nên cũng đòi hỏi ứng cử viên rất cao về tiêu chuẩn. Cử tri đặc biệt quan tâm đến chống tiêu cực, tham nhũng. Qua những ý kiến của họ, các cơ quan chức năng có cơ sở để làm rõ những dấu hiệu vi phạm mà trước đây đã theo dõi nhưng chưa đủ căn cứ.
(Theo Thanh Niên)