Sáng 3/4, TAND Hải Phòng bắt đầu ngày thứ hai của phiên xử với phần trả lời thẩm vấn của bị cáo Đoàn Văn Quý (em trai của ông Vươn). Bị cáo 47 tuổi cho biết làm việc cùng anh trai tại khu đầm từ tháng 10/1993. Cuộc sống của hai gia đình chủ yếu dựa vào nuôi tôm cá trong đầm. Hai anh em "mất bao xương máu" để gây dựng cơ nghiệp nên khi biết bị cưỡng chế thu hồi đất, sợ "sẽ mất trắng" nên chuẩn bị mọi thứ để bảo vệ.
Do vậy, ông Quý cho rằng việc bắn súng vào đoàn cưỡng chế là phản ứng tự nhiên. "Lúc đó, bị cáo thấy họ đông, nhiều người mặc áo giáp, mang theo vũ khí. Bị cáo chỉ bóp cò khi nghe thấy tiếng súng của lực lượng cưỡng chế", ông Quý khai.
Ông Quý cũng thừa nhận ngoài việc nổ súng còn đè các bao đá lên hai bình gas để khi kích nổ bình gas có thể gây sát thương cho người khác.
Theo cáo buộc của VKS, trong các cuộc họp gia đình, ông Quý đã đề xuất bắn vào đoàn cưỡng chế. Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 công an và bộ đội tham gia việc thu hồi đất của ông Vươn, ông Quý đã kích nổ bình gas nhưng bình không phát nổ. Người em của ông Vươn sau đó vào nhà cầm súng bắn nhiều phát làm một số người bị thương.
Các bị cáo tại tòa sáng 3/4. Ảnh chụp qua màn hình: Hà Anh. |
Trước khi HĐXX chuyển sang xét hỏi 7 bị hại, bị cáo Phạm Thị Báu đề nghị được nghe lại một số lời khai tại cơ quan điều tra có sự chứng kiến của luật sư. Tuy nhiên, chủ tọa thông báo bị cáo đã có lời khai tại phiên xử, không cần thiết phải công bố.
Trong 7 người bị thương, 5 người có mặt tại phiên xử sáng 3/4. Là người dẫn đầu tổ công tác số 3 tiến sát khu vực cưỡng chế, ông Vũ Anh Tuấn (Công an huyện Tiên Lãng) cho biết: “Do gia đình anh Vươn rút cầu tre, chúng tôi phải đi theo con đường độc đạo bằng bê tông để vào”.
Ông Tuấn phủ nhận lời khai ông Quý về việc thấy nhiều người trong đoàn cưỡng chế mặc áo giáp, mang theo súng. Bị thương nặng nhất với 23 vết đạn trên cơ thể, ông Tuấn cho biết khi tiến vào khu đầm, các trinh sát chỉ mang công cụ hỗ trợ, dùng loa kêu gọi gia đình ông Vươn mở cổng.
Theo trình bày của ông Tuấn, tới sát hàng rào thứ nhất cách nhà ông Quý chừng 40 m, ông thấy một bình gas bay lên cao khoảng 7m. Khi bình rơi xuống song không phát nổ, thấy nhà của ông Quý đóng cửa, ông Tuấn vừa tiếp cận khu cưỡng chế, vừa cầm loa kêu gọi.
“Lúc này, hai người bên quân đội mới được phân công mặc áo giáp để rà phá mìn”, ông Tuấn nói và khẳng định trong tổ công tác số 3 không ai bắn súng vào nhà ông Quý.
“Tôi thấy rất rõ Quý mở cửa sổ và nổ súng. Tôi bị thương và được anh em đưa đi vài mét thì nghe tiếp có 2-3 tiếng nổ”, viên cảnh sát trình bày.
Dù còn 20 mảnh đạn chì trong người, tổn hại sức khỏe 25% nhưng ông Tuấn không yêu cầu bồi thường thiệt hại. "Tôi cho rằng các bị cáo làm vậy là do ức chế khi bị thu hồi đất, mong quý tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho họ”, ông Tuấn nói.
Cảnh sát trẻ Đỗ Xuân Trường, thương tổn 35% sức khỏe, vẫn còn mảnh chì găm trong hốc mắt và nhiều nơi khác trên cơ thể cũng không yêu cầu các bị cáo bồi thường.
Nguyên trưởng công an huyện Tiên Lãng Lê Văn Mải. Ảnh chụp qua màn hình: Hà Anh. |
Là tổ trưởng tổ công tác số 3, bị hại Lê Văn Mải (lúc đó là Trưởng Công an huyện Tiên Lãng) cho biết trước khi xảy ra vụ việc đã cử cán bộ đến thuyết phục bị cáo Vươn tạo điều kiện cho việc thu hồi đất song không được chấp nhận.
Ông Mải khai thực hiện theo kế hoạch vạch ra từ 3 ngày trước, tổ công tác chủ yếu thuyết phục động viên ông Vươn chứ không chủ trương sử dụng các biện pháp mạnh. "Chỉ có 2 cán bộ quân sự mặc áo giáp, một cán bộ hình sự của huyện được giao khẩu súng K54, số cán bộ còn lại cầm dùi cui và loa", ông Mải nói.
Cũng như ông Tuấn, ông Mải khẳng định không ra lệnh và người của tổ công tác cũng không nổ súng trước. Ông giải thích sau khi sự việc xảy ra một số công an của thành phố mặc áo giáp cầm súng AK tiến vào khu vực cưỡng chế, do vậy nhiều người nhầm lực lượng này với cán bộ của tổ công tác số 3.
Cuối phiên xử sáng nay, nhân chứng Vũ Văn Thủy (cảnh sát hình sự) cho biết ông là thành viên tổ công tác số 3. Thấy đồng đội Tuấn bị ông Quý thương ở vùng cổ, mặt bê bết máu, ông rút súng bắn chỉ thiên một phát.
Trước câu hỏi của luật sư Trần Đình Triển (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu): "Các vết đạn trên tường nhà Quý do đâu có?", nhân chứng này từ chối trả lời.
Đầu giờ của phiên buổi chiều, trả lời câu hỏi: "Ai là người ra lệnh nổ súng?", ông Mải đáp: "Tôi không ra lệnh". Người từng đứng đầu công an huyện Tiên Lãng này cho hay, do bị thương ông được đưa ra ngoài cấp cứu nên không biết diễn biến sau đó.
Sau khi dành thời gian cho luật sư thẩm vấn các bị hại, phiên xử vẫn chưa làm rõ ai là người nổ súng trước, ai là người ra lệnh bắn. Bản cáo trạng buộc tội cũng không nêu ý nào về việc đoàn cưỡng chế đã nổ súng.
Gần 15h, chủ tọa Phạm Đức Tuyên bất ngờ thông báo kết thúc phần xét hỏi.
8h ngày mai, tòa tiếp tục.
Nhóm phóng viên