Các đối tác thương mại của Nga (gồm cả quốc gia và doanh nghiệp) đều đang tỏ ra lo ngại khi nước này phải chật vật chống chọi với khủng hoảng kinh tế do giá dầu giảm và lệnh cấm vận quốc tế. Đồng rouble rơi tự do tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các công ty có quan hệ làm ăn với Nga. CNN nhận định sẽ chẳng ai đắc lợi nếu kinh tế Nga sụp đổ. Và dưới đây là những “nạn nhân” lớn nhất của khủng hoảng này.
1. Đức
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi suy thoái kinh tế Nga. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 67 tỷ euro (95,4 tỷ USD). Lệnh cấm vận của phương Tây với Nga do khủng hoảng Ukraine đã đánh mạnh vào xuất khẩu của Đức. Các công ty cũng phải ngừng đầu tư. Tháng trước, Đức cho biết “khủng hoảng địa chính trị” đã khiến nước này phải giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm tới.
Eurozone không hề muốn chuyện này xảy ra. Do họ phụ thuộc khá nhiều vào nền kinh tế đầu tàu là Đức.
2. Các nước châu Âu khác
Nga là nước mua rất nhiều hàng hóa của châu Âu. Nhưng để trả đũa lệnh cấm vận của phương Tây hồi tháng 8, họ ra lệnh cấm nhập khẩu hoa quả, rau, thịt, cá, sữa, chế phẩm sữa từ châu Âu, Mỹ, Australia và Canada.
Đây là tin xấu đối với các công ty sản xuất hoa quả, pho mát và thịt lợn của châu Âu xuất sang Nga. Năm 2013, Nga là thị trường xuất khẩu cho 10% thực phẩm châu Âu, tương đương khoảng 15 tỷ USD. Họ cũng là khách hàng lớn thứ 2 của châu lục này.
Nhưng sang năm nay, châu Âu đã phải dành ra khoảng 156 triệu USD để trả cho những nông dân chịu thiệt hại vì lệnh cấm của Nga
3. Các công ty năng lượng
Đồng rouble suy yếu gây thiệt hại nặng nề đối với các công ty làm ăn với Nga. Hãng năng lượng BP (Anh) đã cảnh báo các lệnh cấm vận hà khắc của phương Tây sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng với mình. BP sở hữu lượng cổ phần lớn trong Rosneft - công ty dầu lớn nhất của Nga và cũng nằm trong nhóm cấm vận thương mại của Mỹ. Đến nay, cổ phiếu Rosneft đã mất 25% do giá dầu giảm.
Ngoài BP, hãng năng lượng Total của Pháp cũng phải hoãn kế hoạch hợp tác khai thác dầu đá phiến với Lukoil của Nga. Nhiều đại gia khác như Exxon Mobil (Mỹ) cũng sẽ chịu tác động tương tự do có quan hệ làm ăn lớn với Nga.
4. Các hãng xe hơi
Hãng ôtô khổng lồ của Mỹ - Ford là một trong những công ty sản xuất xe hơi lớn nhất tại Nga. Hãng cho biết đồng rouble suy yếu đã gây ảnh hưởng lớn tới doanh thu của mình. Volkswagen cũng đổ lỗi cho căng thẳng chính trị khiến doanh số bán xe tại Nga giảm 8% trong 6 tháng đầu năm. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của hãng mất giá 12%.
Hãng Renault của Pháp cũng cho biết doanh số bán xe tại Nga bị ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, Peugeot Citroen cho hay đồng ruble mất giá đã khiến công ty thiệt hại nghiêm trọng.
5. Các ngân hàng
Doanh số quý hai tại các chi nhánh ở Nga của Societé Generale đã giảm 36%. Các ngân hàng khác cũng chịu chung số phận gồm Rabobank của Hà Lan và Unicredit của Italy.
6. McDonald's, Adidas và các thương hiệu khác
Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga được cho là nguyên nhân khiến McDonald's sụp đổ tại Nga. Giới chức trách Nga đã yêu cầu đóng cửa 12 cửa hàng của McDonald’s với cáo buộc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng động thái này được cho là có yếu tố chính trị.
Hãng thời trang thể thao của Đức - Adidas cũng phải đóng nhiều cửa hàng và ngừng mở rộng tại Nga, do khủng hoảng tại đây khiến người dân giảm chi tiêu và đồng rouble yếu gây ảnh hưởng tới lợi nhuận. Adidas dự báo lợi nhuận năm 2014 của hãng sẽ giảm 20-30% một phần vì các vấn đề tại Nga.
Hãng bia Carlsberg của Đan Mạch cũng đã ra 2 cảnh báo lợi nhuận trong năm nay do cầu tại Nga suy giảm. Còn từ đầu năm, cổ phiếu của Coca-Cola HBC, hãng đóng chai và phân phối nước giải khát tại Nga, cũng mất giá 32%.
Thanh Tuyền