Ông Nhất và khoảng 20 người khác túm tụm trong quán cà phê sát trụ sở Công an TP HCM trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, để ký đơn tố cáo app Coolcat bỗng dưng biến mất, ngày 25/4. Lượng người nhận là nạn nhân đã lên đến hơn 2.000 và chưa dừng lại, số tiền họ đầu tư vào app là hơn một trăm tỷ đồng, khiến cơ quan điều tra phải tiếp nhận trình báo dù là ngày chủ nhật.
"Cuộc sống gia đình tôi bế tắc rồi", ông Nhất nói, giọng buồn rượi.
Hồi cuối tháng 2, người tài xế này tham gia app Coolcat qua mã giới thiệu của bạn. Ông được đưa vào nhóm chat Zalo để hướng dẫn cách chơi, giải đáp mọi thắc mắc. Thấy thao tác đơn giản, được cam kết bảo hiểm vốn 100%, lợi nhuận thu về rất cao nên ông nộp hết 240 triệu đồng tiết kiệm trong nhiều năm của gia đình vào tài khoản ngân hàng phía Coolcat đưa ra.
Sau hai tháng ông thu về tổng cộng 120 triệu đồng, vốn còn nguyên, nên tiếp tục dùng số tiền lãi này đầu tư tiếp vào Coolcat. Thậm chí, ngày 12/4, ông giấu vợ đi vay thêm 210 triệu đồng, lãi ngày tương đương 10% một tháng để "đánh tất tay". Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau ông không thể truy cập app.
Hiện, mỗi ngày ông đối mặt khoản lãi phải trả là 700.000 đồng, trong khi lương lái xe công ty chưa được phân nửa. Vợ ông bán quán bún trước cửa căn nhà thuê ở quận 12, thu nhập chỉ đủ ăn và lo cho con trai đang học lớp 9.
10 ngày qua vợ ông khóc suốt vì tiếc số tiền dành dụm, giờ còn mắc thêm nợ. Trước khi ông dính vào Coolcat, bà tính chắt bóp vài năm nữa sẽ được 500 triệu đồng, ra vùng ven mua mảnh đất nhỏ làm nhà. Cả tuần nay ông không dám về vì trốn chủ nợ, thấp thỏm lo cho con đang ôn thi chuyển cấp sẽ ảnh hưởng xấu tâm lý.
"Trốn tránh đến khi nào tôi cũng không biết. Tất cả là lỗi của tôi. Thấy nhiều người chơi, tiền thu về nhiều, tôi ham quá nên giờ ra cảnh này. Hy vọng công an sớm tìm ra những người lừa đảo, lấy được phần nào tiền về cho gia đình tôi", ông Nhất nói.
Tại huyện biên giới nghèo phía Bắc, cuộc sống gia đình chị Huyền (giáo viên) đảo lộn từ hơn một tuần nay. Chồng và bố mẹ phải chia nhau theo sát, sợ chị làm điều cùng quẫn vì đã trót đầu tư tổng cộng 2,2 tỷ đồng vào Coolcat. Trong đó, tiền cầm sổ đỏ nhà là 500 triệu đồng, số còn lại đi vay bên ngoài.
Trời miền núi mưa trong cái rét nàng Bân, giọng nữ giáo viên run rẩy. Chị kể, được người cùng trường giới thiệu về ứng dụng "bấm ngón tay, có lãi ngay". Chứng kiến đồng nghiệp kiếm tiền dễ dàng, chị lấy khoản lương vừa lĩnh mua luôn gói đầu tư số 3 với mức lãi 460.000 đồng một ngày.
Thấy tiền lãi về tài khoản ngân hàng mỗi ngày, chị ham quá nên bàn với chồng cầm nhà lấy tiền tiếp tục đầu tư. Mấy anh em bên chồng cũng cắm nhà cửa, ruộng nương, dồn hết tiền "đánh" theo chị. Cả đại gia đình bàn nhau không rút lãi, cứ quay vòng đầu tư nhiều gói.
Một ngày trước khi họ không thể truy cập app (16/4), tổng số tiền gốc gia đình chị Huyền đổ vào Coolcat trong 3 tháng là 4,5 tỷ đồng. Hiện, em chồng chị đã nhập viện nằm một tuần, những người khác khóc vật vã. Người chơi qua mã giới thiệu của chị thì đòi một nửa tiền gốc. Người cắm đất gửi tiền chơi hộ thì gây áp lực bắt trả đủ 100%.
"Tôi ngây thơ đến điên rồ. Chủ nợ nói trong 2 tháng phải trả dứt nếu không sẽ siết nhà. Tôi chỉ muốn chết cho xong nhưng còn con nhỏ, còn trách nhiệm với họ hàng bên chồng", chị Huyền dằn vặt bản thân.
Là đồng nghiệp thân thiết của chị Huyền, cô giáo Hương cũng đang chịu cảnh sống dở chết dở vì Coolcat.
Chị Hương một mình nuôi con nhỏ sau khi chồng qua đời vì bạo bệnh. Được Huyền rủ, lúc đầu chị không tin nhưng thấy cô bạn chăm chỉ chơi có lãi nên xiêu lòng. Ngày 18/1, chị vay 150 triệu đồng, lãi 2% một tháng, làm vốn đầu tư. Lợi nhuận được bao nhiêu chị tiếp tục nộp quay vòng.
Nghĩ cách này sẽ giúp gia đình thoát được khó khăn nên chị vay thêm tiền bên ngoài, cầm sổ đỏ lấy 300 triệu đồng, tổng cộng vốn gốc đạt một tỷ đồng ở Coolcat, tiền trong app hiện ra gấp đôi. "Lúc ấy tôi tin tưởng tuyệt đối, không biết đủ để dừng lại", nữ giáo viên nói, giọng ngậm ngùi.
Cũng như Huyền, chị Hương chưa nghĩ đến chuyện đi trình báo công an bởi lo sợ cơ quan biết chuyện, làng xóm chê cười.
Công an TP HCM đã vào cuộc điều tra.
Coolcat đưa ra 6 gói bảo hiểm (cấp 1 đến cấp 6) để mọi người lựa chọn tham gia với cam kết "vừa bảo hiểm 100% vốn, vừa nhận lãi mỗi ngày". Gói thấp nhất 1,3 triệu đồng, lãi 60.000 đồng một ngày. Gói cao nhất 210 triệu đồng, lãi 9,7 triệu đồng một ngày. Nhà đầu tư muốn mua gói bảo hiểm nào, chỉ cần đăng ký và nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân do Coolcat đưa ra.
Các nhà đầu tư mỗi ngày vào app dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo Bitcoin... lên hoặc xuống. Nếu đoán đúng, họ nhận 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ tiền. Nhưng khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng để "các chuyên gia Coolcat" sẽ đánh hộ ván 7 với cam kết thắng 80-90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền 100% số tiền thua của 6 lần trước.
Theo chuyên gia trong lĩnh vực kiếm tiền online, hoạt động của Coolcat có dấu hiệu gian lận ngay từ đầu nhưng các nạn nhân không nhận thấy. Ví dụ, app này không có sẵn trên các chợ ứng dụng App Store, CH Play là có thể vi phạm chính sách của các kho ứng dụng nên không được phát hành, hoặc chủ ứng dụng có ý định "ăn xổi và biến mất".
Coolcat sử dụng biểu đồ giá của Bitcoin, vàng, ngoại tệ... làm căn cứ để người chơi dự đoán. Thực tế, người dùng chỉ cần chọn "giá tăng" hoặc "giá giảm" và kết quả sẽ được công bố sau 30 giây. Nếu kết quả đúng, người chơi sẽ nhận được tiền, tối thiểu 0,1 USD, nếu sai sẽ mất tiền cược.
Đây là kiểu đầu tư "quyền chọn nhị phân" (BO - Binary Options) tiềm ẩn nhiều rủi ro và thường chỉ được sử dụng ở những sàn giao dịch uy tín. Theo các chuyên gia, thời gian 30 giây là bất khả thi trong việc dự đoán thị trường. Đặc biệt ở một sàn "vô danh" như Coolcat, kết quả có thể bị thao túng.
>> Nghe podcast: Vì sao nhiều người đổ tiền tỷ vào app Coolcat?
* Tên nạn nhân đã thay đổi.
Việt Anh