Paul Read là bệnh nhân đầu tiên tham gia thử nghiệm điều trị u nguyên bào thần kinh đệm, một loại ung thư nguy hiểm có thể gây tử vong trong vòng 18 tháng. Triệu chứng đầu tiên của ông là đau đầu dữ dội, xuất hiện vào tháng 12 năm ngoái. Hai tuần sau đó, một nửa mặt ông xệ xuống. Ông được chỉ định phẫu thuật, sau đó mới xạ, hóa trị.
Tháng 7 năm nay, các bác sĩ phát hiện khối u phát triển trở lại. Read được đề nghị tham gia thử nghiệm CITADEL-123 mới tại Bệnh viện Đại học London (UCLH).
"Tôi có thể đoán được ung thư sẽ tái phát do khối u quá ác tính. Tôi biết rằng tiên lượng của mình không khả quan. Tôi vui vì được trở thành một phần của phương pháp rất có thể sẽ giúp đỡ nhiều người sau này", ông nói.
Quy trình điều trị bao gồm tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ trực tiếp vào khối u để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Giai đoạn đầu nghiên cứu, các bác sĩ cố gắng nạo vét phần lớn khối u. Sau đó, họ cấy thiết bị y tế nhỏ, gọi là bể chứa Ommaya, vào dưới da đầu bệnh nhân. Ông Read cũng được sử dụng thuốc ATT001 hàng tuần. Thuốc có tác dụng mạnh trong phạm vi ngắn, gây tổn thương nghiêm trọng cho các tế bào ung thư, nhưng không ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh.
Theo Paul Mulholland, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại UCL, điều tra viên chính của thử nghiệm, phương pháp nhắm mục tiêu trực tiếp vào khối u, vì vậy hiệu quả rất lớn. Trong kết quả chụp cắt lớp cuối đợt điều trị, các bác sĩ nhận thấy kích thước khối u đã giảm khoảng 50%.
"Điều này thật đáng chú ý đối với một người có khối u phát triển mạnh như bệnh nhân Read", bác sĩ Mulholland nhận định.
Vì đây là nghiên cứu đầu tiên trên người, các nhà khoa học tỏ ra thận trọng. Trong các giai đoạn sau, họ hy vọng sẽ tăng liều lượng phóng xạ và số lượng bệnh nhân tham gia thử nghiệm.
Phương pháp điều trị chuẩn cho u nguyên bào thần kinh đệm bao gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u, hóa xạ trị và có thể áp dụng hóa trị liệu liều cao với ghép tế bào gốc. Đối với một số bệnh nhân, khối u vẫn phát triển mặc dù đã áp dụng các phương pháp điều trị này. Trong khi bác sĩ không thể xạ trị và phẫu thuật lặp lại thường xuyên, gây ra nhiều rủi ro hơn, thì các liệu pháp mới được cho là tia hy vọng cuối cùng giúp người bệnh sống sót.
Thục Linh (Theo BBC)