Ngày 18/2, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết bệnh nhân bị đau vai gáy đã 6 năm. Làm nghề thợ may phải ngồi nhiều, bà nghĩ là bệnh bình thường. Cuối năm 2018, bà bị đau vai gáy, đau ngực, sụp mi mắt 2 bên. Bác sĩ phát hiện khối u trung thất kích thước 8x10 cm xâm lấn rộng vào màng tim, làm tắc gần hoàn toàn hệ tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch vô danh của bệnh nhân.
Kết quả giải phẫu cho thấy bệnh nhân bị u tuyến ức tuýp AB, tình trạng nghiêm trọng.
Hội đồng hội chẩn đa chuyên khoa nhận định bệnh nhân cần được phẫu thuật sớm, nếu không khối u xâm lấn sâu vào tim phổi sẽ đe dọa tính mạng.
Ca mổ tiến hành ngày 20/12/2018 được các bác sĩ đánh giá là ca phẫu thuật vô cùng phức tạp. 5 giờ phẫu thuật là cuộc đấu trí căng thẳng của các bác sĩ để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Bác sĩ phải cưa toàn bộ xương ức, mở ngực trước bằng đường mổ HemiClamshell để cắt bỏ toàn bộ khối u, cắt toàn bộ phần màng tim, tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch vô danh. Sau đó, kíp mổ tạo hình hệ tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch vô danh bằng miếng vá nhân tạo, cắt thùy giữa phổi, lấy hạch trung thất.
Sau phẫu thuật 3 ngày, tình trạng bệnh nhân tiến triển nặng thêm: xuất hiện đợt cấp nhược cơ, viêm phổi 2 bên, sốc nhiễm khuẩn, sốt cao liên tục, nồng độ oxy máu tụt thấp. Cấy dịch phế quản nhiễm vi khuẩn Acinetobacter baumannii kháng lại gần như tất cả loại kháng sinh hiện có.
Lúc này, gia đình đã nghĩ đến việc chuẩn bị lo hậu sự cho bệnh nhân. Không từ bỏ, các bác sĩ tiếp tục tìm mọi cách cứu sống bệnh nhân. Trong một tháng điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được mở khí quản, điều trị kháng sinh tích cực và lọc huyết tương 14 lần. May mắn, bệnh nhân dần ổn định, tự thở, ho khạc được, tình trạng viêm phổi và nhiễm trùng được kiểm soát. Phim chụp không còn hình ảnh khối u.
Ngày 12/2, sau gần hai tháng nằm viện, bệnh nhân được xuất viện với tình trạng hồi phục hoàn toàn không có biến chứng.
Bác sĩ Ngô Gia Khánh, Phụ trách Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu đánh giá đây là một trong những ca khó vì khối u trung thất rất lớn xâm lấn gần như tất cả bộ phận xung quanh, rất nhiều mạch máu tăng sinh. Bệnh nhân lại có tiền sử đái tháo đường tuýp 2 và tình trạng nhược cơ.
"Nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa các chuyên khoa, các bác sĩ đã giữ được mạng sống cho bệnh nhân", bác sĩ Khánh nói.
Khối u trung thất chủ yếu hình thành từ các tế bào mầm hoặc tế bào tăng sinh trong mô tuyến ức, mô thần kinh, mô bạch huyết. U có thể lành tính hoặc ác tính. Giai đoạn sớm, bệnh nhân gần như không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và phẫu thuật loại bỏ kịp thời, khối u có thể xâm lấn gây chèn ép tim, phổi, mạch máu, cản trở quá trình tuần hoàn, hô hấp.
Bệnh nhân bị đau ngực, khó thở, ho ra máu, sụt cân, suy yếu cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng sống, chức năng hô hấp, tuần hoàn... Khối u ác tính có thể di căn đến màng tim, phổi.