Sau ca mổ lấy khối u vòng bụng của bà chỉ còn 80 cm, so với đó trước là 130 cm.
Cách đây 3 năm, bà từng được phẫu thuật cắt khối u mỡ ác tính trong ổ bụng. Vì thế lần này bệnh tái phát, bà thấy tuyệt vọng nên không đi khám mà ở nhà chờ chết. Tuy nhiên, gần đây khối u ấy khiến bà đau đớn, khó khăn trong sinh hoạt nên gia đình đã đưa bà đến bệnh viện khám.
Phó giáo sư Nguyễn Đại Bình, Trưởng Khoa ngoại, Bệnh viện K, Tam Hiệp (Hà Nội), cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bụng tức nặng, chướng to, cơ thể gầy yếu, đi lại khó khăn, Khối u mỡ chiếm toàn bộ ổ bụng, chèn ép thận, trực tràng, đẩy dạ dày, gan, ruột lên trên, ra phía sau.
Sau khi hội chẩn và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật bóc tách khối u. Ca mổ kéo dài gần 6 tiếng.
Khó khăn lớn nhất trong ca mổ là khối u phát triển xâm lấn vào các tạng. Bóc tách không cẩn thận có thể gây tổn thương cho các tạng khác và nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Cuối cùng các bác sĩ cũng lấy ra được một khối u nặng 14kg gồm các tổ chức mỡ ác tính, phó giáo sư Bình cho biết.
Đến nay, sau hơn 2 tuần phẫu thuật và điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, đi lại bình thường. Theo phó giáo sư Bình, khả năng tái phát sau mổ là có thể xảy ra vì đây là khối u mỡ ác tính, cách điều trị chính là phẫu thuật.
"Tuy nhiên, thời gian phát triển của khối u loại này rất chậm, vì vậy khi cho bệnh nhân ra viện, chúng tôi sẽ phải tư vấn kĩ càng và có kế hoạch tái khám định kỳ 3 tháng một lần để kiểm soát bệnh. Nếu bệnh tái phát, phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ không khó khăn. Để khối u phát triển to quá thì gây khó khăn trong việc điều trị cũng như nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.", phó giáo sư Bình nói.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.