Bác sĩ Vũ Trường Nhân, trưởng nhóm phẫu thuật ung bướu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết bé gái nhập viện vì tình trạng bụng lớn nhanh. Phim chụp CT Scan vùng bụng cho thấy khối u lớn, tăng tưới máu rất nhiều, chiếm gần hết thể tích gan. Kết quả sinh thiết thấy đây là một khối u ác tính sarcoma mạch máu.
Theo bác sĩ Nhân, sarcoma mạch máu là một khối u vô cùng hiếm gặp ở gan, chỉ chiếm 1-2% trong các loại u gan ác tính ở trẻ. Y văn thế giới hiện chỉ ghi nhận khoảng 50 trường hợp. Khối u loại này thường có tiên lượng rất xấu do kém đáp ứng hóa trị. Một số báo cáo gần đây cho thấy, hóa trị với hóa chất mạnh kết hợp phẫu thuật cắt gan rộng hoặc ghép gan để loại bỏ khối u có thể giúp bệnh nhân có kết quả điều trị tốt.
"Trường hợp này chúng tôi đã tính đến phương án ghép gan cho bệnh nhi trước khi hóa trị vì khối u quá lớn không thể cắt bỏ được", bác sĩ Nhân chia sẻ. May mắn sau 9 tuần hóa trị với các hóa chất mạnh, khối u có biểu hiện nhỏ lại, bệnh nhi cũng không bị các biến chứng do thuốc.
Hình ảnh khối u ở gan bệnh nhi. Ảnh bệnh viện cung cấp. |
Bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết mặc dù trên hình ảnh, khối u vẫn còn dấu hiệu chèn ép nhiều vào cả hai nhánh tĩnh mạch cửa của gan nhưng các bác sĩ vẫn quyết định phẫu thuật. Kíp mổ đã tính tới phương án tạo hình tĩnh mạch cửa mới bằng mảnh ghép vì lo sợ nếu hóa trị tiếp sẽ đánh mất cơ hội phẫu thuật do khối u thông thường đáp ứng kém với hóa trị.
Cuộc mổ thành công sau 3 giờ căng thẳng. Các bác sĩ đã cắt gan trái mở rộng lấy trọn toàn bộ khối u kèm đường mật bị u xâm lấn. Kíp phẫu thuật đã bảo tồn được nhánh tĩnh mạch cửa nuôi phần gan còn lại mà không làm vỡ u và tái tạo lại đường mật mới bằng quai ruột. Sau mổ bệnh nhi hồi phục nhanh chóng, ăn uống tốt và vừa xuất viện sau mổ 7 ngày.
Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 đánh giá, sự thành công của trường hợp này là một minh chứng cho hiệu quả phối hợp đa mô thức trong điều trị ung bướu ở trẻ em. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ cho thấy bờ mặt cắt gan không còn tế bào u. Bệnh nhi sẽ tiếp tục được hóa trị theo đúng phác đồ để đảm kết quả điều trị lâu dài và tốt nhất.