Hai tháng trước, bệnh nhân họ Lương, 53 tuổi, sống tại Chiết Giang, cảm thấy tức ngực và mệt mỏi nên đến bệnh viện Số 2 Ninh Ba để khám. Tại đây, các bác sĩ bất ngờ phát hiện nguyên nhân là khối u trung thất, đường kính 20 cm. Khối u khổng lồ chiếm gần như toàn bộ lồng ngực bên phải, chèn ép vào tim, quây kín động mạch chủ và thực quản, nhưng người bệnh không hề hay biết.
Các xét nghiệm bệnh lý sâu hơn cho thấy đây là loại khối u liposarcoma ác tính, nhưng mức độ ác tính thấp và tiên lượng khả quan. Khối u không nhạy cảm với xạ trị.
Sau khi nhận được chẩn đoán, bác sĩ Dương Minh Lỗi, Phó trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện số 2 Ninh Ba, cẩn thận xem xét hồ sơ bệnh án của ông Lương. Bác sĩ cho biết dù trước đây sức khỏe của ông Lương không có vấn đề gì, nhưng tình trạng hiện tại cực kỳ nguy hiểm.
Phổi bên phải của ông bị giãn nở quá mức do khối u chèn ép, đồng thời tim và thực quản của ông cũng ảnh hưởng. Nếu khối u tiếp tục phát triển, nó sẽ gây rối loạn chức năng hô hấp, chức năng tim và gây khó khăn trong việc ăn uống, thậm chí dẫn đến tử vong.
Lựa chọn duy nhất của ông Lương là phẫu thuật. Kích thước của khối u rất lớn, bao quanh động mạch chủ và thực quản. Nếu không cẩn thận trong quá trình phẫu thuật, người bệnh có thể bị xuất huyết gây tử vong hoặc tổn thương thực quản, dẫn đến vỡ thực quản. Dù vậy, bác sĩ đánh giá bệnh nhân vẫn có cơ hội loại bỏ hoàn toàn khối u.
Trước tiên, kíp mổ thực hiện cắt bỏ khối u lồng ngực, sau đó bóc tách khối u trung thất. Sau ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ, khối u khổng lồ nặng 2,7 kg được đưa khỏi cơ thể. Ông Lương hồi phục tốt và xuất viện sau 11 ngày.
Theo bác sĩ Dương, việc ông Lương không phát hiện mình bị bệnh có liên quan đến đặc điểm của khối u. Trung thất là một khu vực độc lập giữa lồng ngực. Ung thư mỡ biệt hóa cao có kết cấu mềm và phát triển chậm, ở ra trong trung thất. Các cơ quan và mô trong trung thất sẽ thích ứng với sự chèn ép, nên giai đoạn đầu nhìn chung không có triệu chứng rõ ràng.
Khi bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện tức ngực, khàn giọng, ho và các triệu chứng khác, khối u đã rất lớn và xâm lấn khá rộng. U có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và mô quan trọng như khí quản, tuyến ức, dây thần kinh phế vị và hạch bạch huyết.
Nguyên nhân khác khiến ông Lương không nhận ra khối u là nhiều năm không đi khám sức khỏe định kỳ và chụp lồng ngực. Từ trường hợp này, bác sĩ Dương nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc khám định kỳ, chẩn đoán và điều trị ung thư sớm.
Ông lưu ý các cơ quan và mô trung thất được bao phủ dày đặc, chụp X-quang thông thường có thể không phát hiện dấu hiệu. Theo ông, chụp CT sẽ cho kết quả rõ ràng và trực quan hơn. Đây là một trong những phương pháp hình ảnh có độ chính xác cao nhất trong việc chẩn đoán khối u trung thất, phù hợp với các phương pháp sàng lọc.
Thục Linh (Theo Sina)