Ngày 23/12, bác sĩ Vũ Đức Thụ, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa và tổng hợp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết búi trĩ của bệnh nhân phù nề, hoại tử, bề mặt đen và có mùi thối, nhiễm trùng nặng.
Bệnh nhân được cắt búi trĩ, khâu phục hồi. Tình trạng nhiễm trùng nặng ảnh hưởng đến một số mô và cơ vùng hậu môn nên sau mổ người bệnh có nguy cơ bị hẹp hậu môn, đại tiện không tự chủ và chảy máu.
Theo nghiên cứu của Hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, trĩ là bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh thuộc về đại trực tràng ở nước ta với tỷ lệ 35-50%.
Bệnh gồm trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội nằm bên trong trực tràng, không thể nhìn thấy nên thường phát hiện ở giai đoạn muộn, khi có dấu hiệu đại tiện ra máu. Trĩ ngoại có thể nhìn và sờ, thường gây đau rát, khó chịu do vùng tổn thương tiếp xúc trực tiếp, cọ xát với các tác nhân bên ngoài như quần áo, ghế ngồi.
Bệnh xảy ra do nhiều yếu tố như uống ít nước, thường xuyên uống rượu bia, đồ ăn cay nóng, ít ăn chất xơ. Béo phì, phụ nữ mang thai, táo bón hay tiêu chảy mạn tính, ngồi nhiều, ít vận động, thói quen ngồi bồn cầu lâu... làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Để phòng bệnh, mọi người nên điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước. Nếu có cảm giác muốn đi đại tiện, phải lập tức xử lý ngay, tránh việc niêm mạc trực tràng dần hấp thu nước trong phân bị ứ đọng khiến phân trở nên khô, cứng và khó tống ra ngoài hơn. Duy trì vận động mỗi ngày để ngăn ngừa táo bón, giảm áp lực lên tĩnh mạch. Nếu công việc đòi hỏi ngồi lâu, cần tìm cách vận động cơ thể, tránh ngồi nhiều gây tăng áp lực lên tĩnh mạch vùng hậu môn.
Khi có biểu hiện bệnh, người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa và chỉ định phương pháp phù hợp, không tự điều trị tại nhà. Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ không đau đớn như cắt trĩ ít xâm lấn Longo, tiêm xơ búi trĩ...