Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Đức Long, Trưởng công an huyện Từ Liêm cho biết, vụ tai nạn lao động có nhiều người liên đới, từ công nhân thi công, người vận hành máy cẩu cho tới cán bộ kiểm tra giám sát, quy trình tổ chức thi công của nhà thầu. Căn cứ vào các kết quả điều tra, Công an huyện Từ Liêm đã khởi tố vụ án theo điều 229 Bộ luật hình sự.
Theo ông Long, đây là vụ vi phạm an toàn lao động nghiêm trọng và phức tạp nhất trên địa bàn huyện Từ Liêm từ trước đến nay, liên quan tới nhiều ngành, cả yếu tố nước ngoài.
Công trình xây dựng của công ty Keangnam bị đình chỉ hết ngày 31/7. Ảnh: Anh Thư |
Sau khi xảy ra 3 vụ tai nạn làm 4 người chết và 3 người bị thương, công trình đã bị đình chỉ đến hết ngày 31/7 để phục vụ cho công tác điều tra. Chiều 31/7, ông Bùi Văn Chiểu, Phó giám đốc Sở xây dựng Hà Nội cho biết, nếu xem xét thấy đủ các yếu tố đảm bảo an toàn lao động thì chủ đầu tư sẽ tiếp tục cho thi công trở lại. "Chúng tôi sẽ có trách nhiệm giám sát và kiểm tra", ông Chiểu cho hay.
Hanoi Landmark Tower là tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Điều 229 BLHS: Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế thi công, sử dụng nguyên vật liệu, máy móc nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 220 của Bộ Luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a. Là người có chức vụ, quyền hạn. b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bị phạt tù từ 8-20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. |
Anh Thư