Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) hôm nay, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, nước đang là chủ tịch ECOWAS, cho biết điều quan trọng là ưu tiên giải pháp ngoại giao trong việc khôi phục chính quyền hợp hiến ở Niger.
Trong phiên họp kín, các lãnh đạo ECOWAS dự kiến đồng thuận về các bước tiếp theo, có thể bao gồm can thiệp quân sự, điều mà một quan chức của khối tuyên bố sẽ là biện pháp cuối cùng. Chính phủ Nigeria trước đó nói rằng khối không loại trừ lựa chọn nào, nhưng tin ngoại giao là "con đường tốt nhất" để giải quyết khủng hoảng.
Hội nghị thượng đỉnh bắt đầu vài giờ sau khi chính quyền quân sự Niger thông báo thành lập chính phủ mới để thúc đẩy chương trình nghị sự. Thủ tướng Ali Mahaman Lamine Zeine, một nhà kinh tế học, sẽ lãnh đạo chính phủ gồm 21 thành viên. Ông cũng kiêm nhiệm chức bộ trưởng kinh tế và tài chính.
Salifou Modi và Mohamed Toumba, hai tướng dẫn đầu cuộc đảo chính, được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng nội vụ trong chính phủ mới.
Chính phủ trước đây của Niger có 43 bộ trưởng và không ai trong số đó là sĩ quan quân đội.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger dưới quyền chỉ huy của tướng Abdourahamane Tiani ngày 26/7 tiến hành đảo chính, lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum và thành lập chính quyền quân sự. Chính quyền quân sự sau đó thành lập Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc Niger (CNSP) do Tiani đứng đầu, với vai trò nguyên thủ quốc gia.
ECOWAS ngày 30/7 ra tối hậu thư với chính quyền quân sự Niger, yêu cầu trao trả quyền lực cho Tổng thống Bazoum trước đêm 6/8, nếu không sẽ tiến hành can thiệp quân sự. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Niger phớt lờ cảnh báo này, tuyên bố sẽ đáp trả lập tức nếu bị can thiệp.
Sau thời hạn 6/8, ECOWAS không có động thái quân sự nào. Một chỉ huy quân sự cấp cao trong khối cho biết ECOWAS chưa sẵn sàng đưa quân vào Niger.
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính.
Mali và Burkina Faso tuyên bố bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger cũng đồng nghĩa tuyên chiến với họ. Hai nước đầu tuần này cử phái đoàn chung đến Niger để bày tỏ "tình đoàn kết với người dân Niger anh em".
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)