Giết mổ gà theo quy trình hợp vệ sinh. |
Các đơn vị này hiện đều gặp khó khăn do lượng hàng bán ra quá ít, giá rẻ. Bà Phạm Thị Hoa, chủ cơ sở Phúc Hoa, quận 8, cho biết, mỗi ngày tại đây chỉ giết mổ khoảng 400 con, giảm 600 con so với trước. Giá bán vịt hiện chỉ 7.000-8.000 đồng/kg và gà 5.000 đồng/kg. "Cho sản phẩm vào bao bì cũng không ai mua", bà Hoa than thở.
Cúm gia cầm lan rộng ở miền Bắc. Theo thông báo của Cục Thú y, Thái Bình chính thức phát dịch từ ngày 19/1 tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy. Số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 20 vịt và 8 gà. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Thái Bình là tỉnh thứ sáu, sau Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, tái phát dịch. Hiện "bản đồ dịch" đã mở rộng với 579 điểm phát dịch ở 304 xã, 109 huyện của 28 tỉnh, thành phố là: Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau, Hà Nam, thành phố Hà Nội, Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, TP HCM, Quảng Nam, Bình Dương, Kiên Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Quảng Bình, Bắc Ninh và Thái Bình. Số gia cầm chết, tiêu hủy là 213.480 gà; 253.540 vịt, ngan và 361.570 cút. |
Một số ý kiến cho rằng, tại các mối bỏ hàng ở chợ, người kinh doanh lợi dụng bao bì đã qua sử dụng, có nhãn mác kiểm dịch của cơ sở giết mổ hợp pháp để lồng gia cầm "ngoài luồng" vào bán, gây mất lòng tin, không đảm bảo an toàn phòng dịch cho người tiêu dùng.
Khắc phục vấn đề này, theo Chi cục trưởng Thú y thành phố Huỳnh Hữu Lợi, các cơ sở giết mổ nên tự kiểm soát nguồn nhập, xuất gia cầm; cần chọn lọc người bán đàng hoàng, kiểm chứng kỹ có "độn hàng" hay không.
Mặt khác, bao bì cũng được thiết kế sao cho không thể giả mạo; nên đóng dấu ngày xuất, không thể tái sử dụng, tuyệt đối không cho bao bì vượt quá số gia cầm bán ra. "Đây là cách duy nhất giữ được thương hiệu và mãi lực trong người tiêu dùng", ông Lợi nhấn mạnh.
Biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm gia cầm là trữ lạnh cũng được chủ các cơ sở quan tâm. Theo ông Lợi, một số hộ kinh doanh gà làm sẵn nên thiết kế lại theo kiểu siêu thị mini, có trang thiết bị trữ lạnh, tham gia bán lẻ vào chuỗi thu mua, giết mổ, tiêu thụ của các công ty lớn. Một chủ cơ sở ở chợ Phạm Văn Hai đã đồng ý phương án này, sẵn sàng làm theo hướng dẫn của Chi cục.
Chiều qua, Ban Chỉ đạo Phòng chống Dịch cúm gia cầm và thủy cầm TP HCM cũng có cuộc họp với chủ cơ sở giết mổ gia cầm thành phố và các công ty lớn về phương án giết mổ, cấp đông dự trữ khoảng 300.000 gà thịt trên những đàn có ít khả năng bị lây nhiễm dịch cúm. Diễn biến thị trường cho thấy, gà mổ sẵn đựng trong bao bì và trứng gia cầm tại các siêu thị mức tiêu thụ vẫn cao do người tiêu dùng an tâm về nguồn gốc gia cầm.
Ban Chỉ đạo đã đề nghị Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn lập phương án chi tiết thực hiện. Công ty Vissan sẽ ký hợp đồng với các lò giết mổ gà lóc sẵn, bỏ xương, cung cấp khoảng 5-7 tấn/ngày, dự trữ tối đa khoảng 250 tấn thịt cung cấp cho nhân dân toàn thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Trương Trường Sơn, chủ cơ sở Trường An, Thủ Đức, thực tế chỉ những cơ sở lớn như Phú An Sinh mới đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn cấp đông trữ lạnh mà thành phố đề ra. Những cơ sở nhỏ cần sự hỗ trợ lớn về vốn, kỹ thuật.
Hiện TP HCM mới có 5 cơ sở giết mổ đã trữ lạnh sản phẩm gia cầm để bán dần, với tổng số hơn 7.000 chim cút, gần 7.700 gà làm sẵn và hơn 110 bồ câu.
Lê Nhàn